Gần đây, một đoạn video được chia sẻ nhiều trên cộng đồng mạng quân sự cho thấy 2 tuần dương hạm lớp Kirov (Nga) và Ticonderoga (Mỹ) cùng đậu tại cảng ở đảo Síp. Đây là lần hiếm hoi 2 con "quái vật" đại dương của 2 cường quốc quân sự này đậu gần nhau như vậy.
Tuần dương hạm Nga - Mỹ đậu tại cảng ở đảo Síp
Trong phân hạng tàu chiến, tuần dương hạm là những tàu mặt nước có kích thước lớn và được trang bị nhiều vũ khí mạnh. Hiện nay, xu hướng của các quốc gia có tiềm lực hải quân mạnh là phát triển đóng tàu ở phân khúc khu trục hạm và bản thân tuần dương hạm cũng chỉ còn hoạt động trong một số ít quốc gia như Mỹ, Nga...
Tuần dương hạm lớp Ticonderoga
Tuần dương hạm USS Port Royal (CG-73) lớp Ticonderoga.
Hiện nay, Hải quân Mỹ chỉ có một lớp tàu tuần dương duy nhất là Ticonderoga. Các tàu lớp Ticonderoga bắt đầu được đóng từ năm 1980 - 1994 và được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ chính là hộ tống biên đội tàu sân bay.
Tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ có chiều dài 173m; rộng 16,8m; lượng giãn nước đầy tải 9.800 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbin khí General Electric LM2500 giúp đạt tốc độ tối đa 33,2 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3.300 hải lý, vỏ tàu được trang bị lớp giáp Kevlar tại một số vị trí quan trọng.
Ngoài ra đây cũng là lớp tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis với các radar mảng pha AN/SPY-1 lắp vào phần thượng tầng. Việc hệ thống Aegis cùng radar AN/SPY-1 hoàn thành thiết kế ngay khi Mỹ bắt đầu đặt ky những tàu lớp Ticoderoga đầu tiên đã giúp chuyển đổi chức năng ban đầu của tàu từ khu trục hạm (DDG) thành tuần dương hạm (CG).
Việc lắp trực tiếp radar vào thượng tầng được coi như một bước tiến vượt bậc của Hải quân Mỹ vào thời điểm đó (cần biết là khoảng vài năm trở lại đây thì Hải quân nhiều quốc gia trên thế giới mới bắt đầu áp dụng việc lắp radar mảng pha vào phần thượng tầng). Ngoài radar AN/SPY-1, tuần dương hạm lớp Ticoderoga còn được trang bị nhiều loại radar khác như radar cảnh giới đường không AN/SPS-49, radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-62,...
Tuần dương hạm USS Cowpens (CG-63) phóng tên lửa đánh chặn SM-2.
Vũ khí trang bị trên tuần dương hạm lớp Ticonderoga bao gồm: 2 pháo hạm Mk-45 cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon bố trí phía sau đuôi tàu. Ban đầu, các tàu lớp Ticonderoga được trang bị 2 bệ phóng Mk-26 với 68 tên lửa phòng không SM-2 nhưng sau này Hải quân Mỹ đã tiến hành nâng cấp khả năng chiến đấu cho con tàu bằng việc thay thế 2 bệ phóng Mk-26 bằng 2 cụm bệ phóng thẳng đứng Mk-41 với tổng cộng 122 ống phóng sử dụng cho nhiều loại vũ khí như họ tên lửa SM (SM-2, SM-3), tên lửa Sea Sparrow, tên lửa hành trình Tomahawk.
Ngoài ra, các tuần dương hạm Ticonderoga còn trang bị 2 hệ thống CIWS Phalanx, 2x3 ống phóng ngư lôi Mk-32 cỡ 324mm cùng các tên lửa chống ngầm bố trí trong bệ phóng Mk-41, ở đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm SH-60B.
Tuần dương hạm lớp Kirov
Tuần dương hạm Peter Đại Đế (099) lớp Kirov.
Hiện nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu 2 lớp tàu tuần dương là tuần dương hạm lớp Kirov và tuần dương hạm lớp Slava. Tuy nhiên, trong 2 lớp tàu này thì tuần dương hạm lớp Kirov vượt trội hẳn về trang bị và hỏa lực so với lớp Slava.
Tuần dương hạm lớp Kirov của Nga có chiều dài 252m; rộng 28,5m; lượng giãn nước đầy tải 28.000 tấn. Tàu được trang bị động cơ KN-3 chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép tàu đạt tới tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động không giới hạn khi chạy ở tốc độ 20 hải lý/giờ, động cơ hạt nhân của tàu được bọc lớp giáp dày 76mm xung quanh.
Điểm đặc biệt dễ nhận ra nhất của tuần dương hạm lớp Kirov là phần thượng tầng cực kỳ "hoành tráng", đây là đặc trưng của các tàu của Liên Xô lúc đó khi trên tàu được trang bị rất nhiều loại radar, khiến tháp radar và thượng tầng trông cực kỳ phức tạp. Có kích thước lớn nhất và được bố trí ở phần tháp cao nhất là radar MR-800 Top Pair, ở phần tháp phụ là radar Fregat MR-710, ngoài ra còn có các radar dẫn bắn cho tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không (mỗi một loại tên lửa phòng không trên tàu lớp Kirov có một loại radar riêng) cùng các hệ thống gây nhiễu bố trí dày đặc xung quanh.
Vũ khí chống hạm trên tuần dương hạm lớp Kirov bao gồm: 1 pháo hạm AK-130 2 nòng cỡ 130mm (tàu Nguyên soái Ushakov trang bị 2 pháo AK-100 thay cho AK-130), 20 tên lửa chống hạm cực kỳ uy lực P-700 Granit bố trí trong các ống phóng thẳng đứng. Các tên lửa P-700 Granit có tầm bắn lên đến 500 km, tốc độ hành trình Mach 2,5 mang đầu đạn thông thường nặng 750 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kT. Một tên lửa Granit nếu bắn trúng có thể đánh chìm tàu sân bay của Mỹ.
Vũ khí phòng không trên tàu bao gồm: 96 tên lửa phòng không tầm xa của hệ thống S-300F (phiên bản hải quân của hệ thống S-300), 40 tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-MA.
Tàu Peter Đại Đế phóng tên lửa phòng không OSA-MA.
Ngoài ra, tuần dương hạm lớp Kirov còn được trang bị 6 hệ thống CIWS Kashtan (trên 2 tàu Peter Đại Đế và Đô đốc Nakhimov) hoặc 8 hệ thống CIWS AK-630 (trên 2 tàu Nguyên soái Ushakov và Đô đốc Lazarev), 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cùng 2 bệ rocket chống ngầm RBU-6000, tàu có sàn đáp và hầm chứa trực thăng săn ngầm Ka-27 ở đuôi (nhà chứa trực thăng ở bên dưới sàn đáp trực thăng).
Đánh giá
2 mẫu tuần dương hạm nói trên đặc trưng cho từng tư duy tác chiến khác nhau. Người Mỹ vốn chú trọng về tàu sân bay cũng như yêu cầu khả năng tấn công, phòng thủ đa dạng còn Liên Xô trước đây tập trung vào khả năng tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ nên đã chế tạo các loại tên lửa chống hạm siêu âm cỡ lớn cùng các tàu chiến có thể mang theo những loại tên lửa này.
Nhìn chung, có thể thấy về thông số kỹ thuật cơ bản thì tuần dương hạm lớp Kirov vượt trội rất nhiều tuần dương hạm lớp Ticonderoga, đặt biệt là Kirov được trang bị động cơ chạy bằng năng lượt hạt nhân giúp tàu có tầm hoạt động không hạn chế. Vũ khí trang bị trên tuần dương hạm lớp Kirov rất mạnh với khả năng chống hạm, chống ngầm, phòng không, toàn diện.
Tuy nhiên, khi xét về một số yếu tố thì tuần dương hạm lớp Ticonderoga cũng có nhiều điểm ưu việt. Trước tiên là tư duy thiết kế, trang bị thể hiện tầm nhìn xa của người Mỹ khi họ đã sớm áp dụng các công nghệ mới trên lớp tàu đóng từ năm 1980 (chưa xét về tính hiệu quả của nó), việc tích hợp radar vào thượng tầng giúp giảm độ phức tạp so với các tàu của Liên Xô. Người Nga hiện nay đã thay đổi quan điểm thiết kế tàu chiến khi loại bỏ tháp ra đa quá phức tạp và đồ sộ như thời Liên Xô mà dần chuyển sang việc tích hợp radar vào phần thượng tầng như người Mỹ.
Bên cạnh đó với việc trang bị các bệ phóng thẳng đứng đa năng Mk-41 giúp Ticonderoga có thể thực hiện nhiều chức năng như phòng không, đánh đất, săn ngầm, chống hạm (sắp tới Mỹ sẽ tích hợp các tên lửa LRASM vào bệ phóng Mk-41 thay thế cho các tên lửa Harpoon). Kirov tuy có nhiều vũ khí nhưng việc mỗi tên lửa trang bị một loại bệ phóng cùng radar dẫn bắn riêng biệt đã làm con tàu có kích thước cực kỳ đồ sộ.
Việc tiên phong nghiên cứu trang bị các bệ phóng thẳng đứng đa năng khiến các tuần dương hạm lớp Ticonderoga nói riêng và hải quân Mỹ nói chung có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ. Hiện nay hải quân nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu trang bị các bệ phóng thẳng đứng đa năng như: Pháp, Nga, Trung Quốc,... Người Nga từng có dự kiến sẽ nâng cấp các tàu lớp Kirov sử dụng bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK thay cho các bệ phóng Granit hiện tại.
Một yếu tố quan trọng khác là chi phí đóng những tuần dương hạm lớp Kirov là cực kỳ lớn khiến cho Liên Xô vào thời điểm hùng mạnh nhất cũng chỉ đóng được 4 tàu (hiện nay chỉ còn 1 tàu hoạt động), trong khi Mỹ đã đóng đến 27 tàu lớp Ticonderoga (hiện nay còn 25 tàu hoạt động).