Tử huyệt có thể khiến phòng không Syria "đui mù", rối loạn (Kỳ 2)

Minh Đức |

(Soha.vn) - Ngoài khả năng hạn chế trong năng lực cảnh báo sớm, tác chiến điện tử chính là tử huyệt thứ 2 của hệ thống phòng không Syria.

Kỳ 1: Tử huyệt có thể khiến hệ thống phòng không Syria sụp đổ

Trước khi những quả tên lửa Tomahawk rời bệ phóng trên các tàu chiến hay những chiếc tiêm kích mang đầy bom và tên lửa cất cánh khỏi tàu sân bay để tiến đến những mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, Mỹ sẽ thực hiện một đòn tấn công đầu tiên là áp chế điện tử nhằm bịt mắt hệ thống radar cảnh báo sớm của Syria.

Đòn áp chế điện tử này sẽ được thực hiện liên tục trong suốt quá trình tên lửa hành trình hay máy bay tiêm kích tiến đến Syria cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt. Trong khi đó, tác chiến điện tử luôn là điểm yếu của những hệ thống radar được Liên Xô sản xuất trước đây.

Khả năng tác chiến điện tử của Mỹ  quá mạnh trong khi đó lại là tử huyệt của hệ thống phòng không Syria.
Khả năng tác chiến điện tử của Mỹ quá mạnh trong khi đó lại là tử huyệt của hệ thống phòng không Syria.

Các hệ thống radar cảnh giới của Syria đều là các hệ thống radar tần số thấp bước sóng dài, điểm mạnh của những hệ thống này là có khả bám bắt tốt ngay cả đối với máy bay tàng hình. Tuy nhiên, nó lại rất dễ bị tổn thương trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.

Chiến tranh Iraq năm 2003 cho thấy các hệ thống radar cảnh giới và radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không Iraq khi đó có khả năng kháng nhiễu thụ động ở mức từ 5-10MHz, cường độ kháng nhiễu chủ động từ 30-40MHz. Trong khi đó, NATO đã tung đòn gây nhiễu thụ động ở mức 32MHz và gây nhiễu chủ động lên đến 30-75MHz.

Mức áp chế điện tử này đã làm tê liệt hoàn toàn các tần số rãnh đạn của hệ thống tên lửa S-75 và S-125 của phòng không Iraq. Lưu ý là các hệ thống radar cảnh giới của Iraq và Syria là khá tương đồng nhau và đều cùng một nhà sản xuất là Liên Xô.

Trong khi đó, tác chiến điện tử chính là thế mạnh tuyệt đối của NATO, trong tay họ có những máy bay chuyên phục vụ cho nhiệm vụ áp chế điện tử như EA-18 Growler, EC-130H Compass, EA-6B Prowler... Một loại máy bay khác cũng có khả năng thực hiện nhiệm vụ áp chế điện tử là UAV RQ-4 Global Hawk.

Đáng tiếc là hệ thống phòng không Syria thiếu những bộ khí tài chỉ huy đồng bộ như 83M6E để kết nối các hệ thống cũ và mới.
Đáng tiếc là hệ thống phòng không Syria thiếu những bộ khí tài chỉ huy đồng bộ như 83M6E để kết nối các hệ thống cũ và mới.

Những loại máy bay này có thể tung ra đòn áp chế điện tử làm “mờ mắt” hệ thống cảnh báo sớm của phòng không Syria, nếu không thể “vạch nhiễu tìm thù” thì đó thực sự là thảm họa đối với khả năng bảo toàn lực lượng chiến đấu của Syria.

Một điểm yếu khác của phòng không Syria là hệ thống quản lý chiến đấu. Những hệ thống kiểm soát thông tin chiến thuật chiến trường của Syria được xây dựng dựa trên những hệ thống cũ đã ra đời cách đây nửa thế kỷ.

Những hệ thống này thiếu khả năng đồng bộ cao và không có khả năng tự động hóa trong việc kết nối thông tin chiến thuật và xử lý mục tiêu. Mặc dù hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp của hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E có khả năng rất cao trong tự động hóa bám bắt và xử lý mục tiêu nhưng phạm vi kiểm soát của hệ thống tương đối ngắn, không đủ để tạo nên khả năng can thiệp từ xa.

Một hạn chế trầm trọng tiếp theo trong hệ thống phòng không Syria là không có khả năng tương tác trong việc xử lý thông tin mục tiêu giữa những hệ thống cũ và mới. Các radar cảnh giới của Syria chỉ phù hợp với các hệ thống tên lửa cũ như S-75, S-125, S-200 và SA-6, đối với các hệ thống hiện đại hơn như Buk-M2E và Pantsir-S1 lại tạo ra một sự “lạc nhịp”.

Hệ thống phòng không Syria thiếu bộ khí tài chỉ huy đồng bộ để có thể kết nối các hệ thống cũ, mới trong một môi trường tác chiến phòng không thống nhất. Nếu hệ thống phòng không tầm xa S-300 đã được chuyển giao cho Syria, đi kèm với bộ khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E thì mọi chuyện có thể sẽ khác đi nhưng đáng tiếc S-300 vẫn chỉ là một lời hứa “hão” của Moscow.

Tiềm năng thì có nhưng nó chưa đủ để bù đắp những hạn chế trong hệ thống phòng không Syria.
Tiềm năng thì có nhưng nó chưa đủ để bù đắp những hạn chế trong hệ thống phòng không Syria.

Một hạn chế khác của hệ thống phòng không Syria chính là hệ thống liên lạc vô tuyến. Có một thực tế phũ phàng là có đến 50% các hệ thống liên lạc vô tuyến được sử dụng trong các hệ thống radar cảnh giới của Syria cần được sữa chữa lớn, 20% hệ thống liên lạc vô tuyến không hoạt động.

Như vậy, có thể thấy ngay việc đảm bảo thông tin liên lạc giữa các hệ thống radar cảnh giới và các hệ thống tên lửa, cũng như những vũ khí phòng không khác của Syria có vấn đề. Nếu bị tấn công, sự hạn chế trong việc đảm bảo thông tin liên lạc sẽ càng làm trầm trọng thêm nỗ lực đảm bảo khả năng chiến đấu của các hệ thống phòng không Syria.

Hệ thống phòng không Syria có một tiềm năng rất lớn nhưng tiềm năng sức mạnh từ những hệ thống như Buk-M2E, Pantsir-S1, S-200 và SA-6 không thể bù đắp được cho sự hạn chế trong năng lực cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và thông tin liên lạc.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại