Trường SQKQ sắp mở chương trình đào tạo theo mô hình "Top Gun"?

Bạch Dương |

Đề án thành lập Đại học Hàng không Lê Hồng Phong trên cơ sở Trường Sĩ quan Không quân hiện đã chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai.

Top Gun là tên một chương trình bí mật của Không lực Mỹ, nhằm mục đích tạo nên những "phi công siêu đẳng" để đáp lại thực tế là trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, vũ khí của Liên Xô đặc biệt là không quân có chất lượng cực kỳ tốt.

Để mô phỏng một cuộc chiến trên không có thể xảy ra với máy bay Liên Xô, Mỹ đã đưa vào giáo án các bài huấn luyện để thực tập những trận không chiến quần vòng cự ly gần (hay còn gọi là dogfight) có thể xảy ra ngoài thực tế.

Đóng vai trò “quân xanh” là các phi công dày dạn kinh nghiệm, sử dụng máy bay Mỹ nhưng mô phỏng chiến thuật, công nghệ của đối phương nhằm đào tạo cho học viên phi công cách thức giao chiến.

Những thay đổi triệt để trong công tác huấn luyện đóng vai trò quyết định cho việc giành ưu thế trên không của Mỹ trong những cuộc chiến sau đó.

Nhận thấy tính ưu việt của mô hình trên, rất nhiều quốc gia khác đã học tập với hy vọng có được những phi công tiêm kích chất lượng cao.


Tiêm kích đánh chặn F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ trong khóa huấn luyện Top Gun

Tiêm kích đánh chặn F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ trong khóa huấn luyện Top Gun

Còn tại Việt Nam, sau hai năm đầu học cơ bản, phải đến năm thứ ba học viên phi công đào tạo tại Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) mới được làm quen với máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-52 tại Trung đoàn 920.

Tích lũy ít nhất 80 giờ bay trên Yak-52, đến năm thứ tư, những học viên xuất sắc nhất mới được chọn lọc và gửi đến Trung đoàn 910, bay huấn luyện với loại phản lực L-39.

Chỉ khi nào tốt nghiệp xong khóa huấn luyện với L-39, học viên mới có thể trở thành sĩ quan phi công. Bay xong với L-39 ở 910, phi công mới về các đơn vị chiến đấu để làm quen với những chiếc tiêm kích thực thụ.

Như vậy có thể dễ dàng thấy rằng do còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất mà phi công quân sự Việt Nam phải chịu thua thiệt khá nhiều so với những đồng nghiệp ở các nước phát triển.


Máy bay huấn luyện L-39 của Trường Sĩ quan Không quân

Máy bay huấn luyện L-39 của Trường Sĩ quan Không quân

Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, tại Hội nghị Quân chính diễn ra hôm 23/12, Trường SQKQ đã xác định chuẩn bị tốt mọi mặt để năm 2016 triển khai thực hiện đề án thành lập Đại học Hàng không Lê Hồng Phong.

Nếu được nâng cấp lên Đại học, chắc chắn Trường SQKQ sẽ nhận nguồn đầu tư mạnh nhằm tạo ra thay đổi về chất, học viên nhiều khả năng sẽ được tiếp xúc với các loại chiến đấu cơ hiện đại ngay tại nhà trường thay vì phải về các Trung đoàn chiến đấu như hiện nay.

Không loại trừ khả năng ngoài hệ đại học, nhà trường sẽ được cấp phép đào tạo sau đại học chuyên ngành sĩ quan chỉ huy tham mưu, hoặc các lớp nâng cao kỹ năng bay chiến đấu như các trường đại học khác của quân đội.

Do vậy ở tương lai không xa, trong biên chế của Trường Đại học Lê Hồng Phong sẽ xuất hiện những chiếc tiêm kích thế hệ 4 như Su-27/30 để làm nhiệm vụ huấn luyện thực tập không chiến nâng cao cho các phi công xuất sắc từ các đơn vị gửi về là hoàn toàn khả thi.


Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Viễn cảnh trên là điều rất đáng để mong đợi và gần như chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, do không quân vẫn luôn được xác định là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, ngoài trang bị tối tân thì yếu tố con người cũng phải có sự đầu tư tương xứng.

Nếu xây dựng được một chương trình đào tạo dựa trên mô hình "Top Gun" nổi tiếng của Mỹ, Không quân Việt Nam sẽ có thêm nhiều hơn những "phi công siêu hạng" để bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc cũng như chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại