Trung tâm điều khiển phóng tên lửa hạt nhân Mỹ lạc hậu khó tin

Thiên Minh |

(Soha.vn)-Những nhân viên tại đây phải làm việc với máy tính lạc hậu, phụ thuộc vào đĩa mềm và những chiếc điện thoại cổ lỗ tới mức khó mà nghe thấy người ở đầu dây bên kia nói gì.

Đó là ghi nhận của phóng viên Lesley Stahl, Đài CBS (Mỹ) trong chuyến thăm hiếm có tới trung tâm điều khiển phóng tên lửa (LCC) tại căn cứ Không quân Mỹ đóng tại Wyoming.

Phóng viên Lesley Stahl (người mặc áo đỏ) tới thăm căn cứ không quân F.E. Warren ở Cheyenne, Wyoming

Phóng viên Lesley Stahl (người mặc áo đỏ) tới thăm căn cứ không quân F.E. Warren ở Cheyenne, Wyoming

Trong chương trình mang tên 60 Minutes của Đài CBS, Thiếu tướng Jack Weinstein, chỉ huy mới của lực lượng tên lửa đã chia sẻ với Stahl về những nỗ lực của anh nhằm cải thiện tình hình sau một chuỗi các vấn đề và bê bối liên quan đến lực lượng tên lửa Mỹ trong năm qua. Theo lời Weinstein, vài tuần trước, Không quân Mỹ đã phải sa thải nhiều sĩ quan chỉ huy tại căn cứ không quân Malmstrom ở Motana do 91 sĩ quan và quân nhân tại đây có liên quan tới một vụ bê bối gian lận trong đợt kiểm tra trình độ. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp khác đang bị điều tra vì tàng trữ ma túy.

Những sĩ quan đang làm việc tại trung tâm điều khiển chuyên chỉ đạo các vụ phóng tên lửa Minuteman III với đầu đạn hạt nhân ở căn cứ không quân Wyoming đã không phủ nhận về tình trạng cơ sở vật chất kém tại đây, đặc biệt là hệ thống điện thoại, tương tự như những lời phàn nàn mà 60 Minutes từng nhận được từ phía các cựu nhân viên ở căn cứ này.

Hệ thống điện thoại tại trung tâm cổ lỗ tới mức khó có thể nghe thấy người ở đầu dây bên kia nói gì

Hệ thống điện thoại tại trung tâm cổ lỗ tới mức khó có thể nghe thấy người ở đầu dây bên kia nói gì

“Chúng thật là tệ hại”, một nhân viên nói. “Bạn không thể nghe thấy người ở đầu dây bên kia nói gì. Đôi khi bạn không thể quay được số, điều này rất gây khó khăn cho công việc”.

Các trung tâm điều khiển dưới mặt đất của Mỹ được xây dựng từ những năm 1960 và được thiết kế để có thể chống đỡ trước một cuộc tấn công hạt nhân. Chúng được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc khác có độ an toàn cao để tiếp nhận lệnh phóng từ Tổng thống khi có chiến tranh. Tuy nhiên, các nhân viên tại đây sử dụng điện thoại để thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày liên quan tới việc duy trì và đảm bảo an toàn cho các loại vũ khí. Thiếu tướng Weinstein cho biết Không quân Mỹ “đang cân nhắc nâng cấp” hệ thống điện thoại “trong vài năm tới”.

Khi được hỏi về những chiếc máy tính lạc hậu vẫn còn sử dụng đĩa mềm, Weinstein nói với Stahl rằng các kỹ sư mạng đã phân tích hệ thống này vài năm trước đây và kết luận rằng nó “vô cùng an toàn”, có thể chống được tin tặc. Một phần là bởi nó đã quá cũ và không được kết nối với Internet. Theo tờ Daily Mail (Anh), những máy tính của trung tâm đều từ những năm 1960. Tờ Arstechnica cho hay hệ thống máy tính của trung tâm điều khiển này vẫn phụ thuộc vào loại đĩa mềm 8-inch được phát triển từ năm 1971. Các loại đĩa mềm phục vụ người dùng máy tính đến năm 2000 cho tới khi chúng dần bị xóa xổ bởi sự ra đời của đĩa CD và kế đến là DVD và ổ lưu trữ USB.

Tại trung tâm điều khiển, Stahl còn bắt gặp một số thiết bị đã xuống cấp khác. Cánh cửa lớn vốn được thiết kế để bảo vệ hành lang dẫn đến trung tâm điều khiển đã không còn hoạt động trong nhiều năm nay bởi bị hỏng một phần.

Không quân Mỹ gần đây đã cam kết chi 19 triệu USD trong năm 2014 để nâng cấp các trung tâm điều khiển phóng và các hầm phóng silo. Bên cạnh đó, Không quân Mỹ đã yêu cầu khoản chi 600 triệu USD trong năm tới để thực hiện các nâng cấp mở rộng.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III trong chương trình của 60 Minutes là một thành tố trong “bộ 3 hạt nhân” của Mỹ, 2 thành tố còn lại là lực lượng tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.

Tên lửa liên lục địa Minuteman III là một thành tố quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Mỹ.

Tên lửa liên lục địa Minuteman III là một thành tố quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Mỹ.

Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ đã ước tính sẽ mất khoảng 355 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để duy trì và nâng cấp tất cả các thành tố của bộ 2 hạt nhân. Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể không cần các tên lửa liên lục địa phóng từ mặt đất bởi vị trí của chúng dễ bị đối phương phát hiện một khi được phóng đi. Tuy nhiên, Thiếu tướng Weinstein không đồng tình với điều này: “Chúng ta sử dụng các loại vũ khí này hàng ngày để bảo vệ đất nước. Răn đe là một phương pháp hiệu quả. Nó có giá trị với quốc gia của chúng ta và đối với cả đồng mình của chúng ta nữa”.

Một số hình ảnh trung tâm điều khiển phóng tên lửa của Mỹ mà Lesley Stahl đã ghi nhận:

Hệ thống máy tính tại trung tâm điều khiển phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III của Mỹ vẫn sử dụng các đĩa mềm.
Hệ thống máy tính đã quá cổ lỗ và không được kết nối với internet. Điều này được các chỉ huy của Mỹ tin là một cách hiệu quả để phòng chống tin tặc.
Trung tâm được xây dựng từ những năm 1960
Đại úy Lauren Choate đang làm việc tại bảng điều khiển của một thiết bị mô phỏng phóng tên lửa được sử dụng để huấn luyện tại căn cứ không quân F.E. Warren

Đại úy Lauren Choate đang làm việc tại bảng điều khiển của một thiết bị mô phỏng phóng tên lửa được sử dụng để huấn luyện tại căn cứ không quân F.E. Warren

Một sĩ quan Không quân điều chỉnh núm vặn phóng tên lửa
Một sĩ quan Không quân điều chỉnh núm vặn phóng tên lửa

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại