Trung Quốc: Tướng tham gia chiến tranh biên giới Việt -Trung được trọng dụng

Bảo Vĩnh |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng công cho tướng trung thành cũng là một cách để ông đạt nhiều mục tiêu chính trị, theo các nhà quan sát.

Ông Tập Cận Bình thưởng công cho tướng trung thành Lý Tác Thành (62 tuổi), bằng cách phong ông là chỉ huy đầu tiên của Lực lượng hỗ trợ chiến lược.

Theo báo New Straits Times, tướng Lý là một trong 7 vị tướng đủ kinh nghiệm chiến đấu thật sự. Ông đi lính từ năm 1970 khi mới 17 tuổi, từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Việt Nam và bị thương nặng ở cánh tay và bàn tay phải.

Cuộc chiến này do Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ra lệnh "dạy cho Việt Nam một bài học", để trả đũa việc Việt Nam mở chiến dịch Tây Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ thân Trung Quốc tại Campuchia vào tháng 1/1979.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Việt Nam, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Nhưng dù được phong là chiến sĩ anh hùng lúc 26 tuổi, đường binh nghiệp của tướng Lý ì ạch suốt hơn 10 năm kể từ năm 2000, vì ông đã chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là ông Giang Trạch Dân.

Theo tờ The Straits Times, tướng Lý đã gỡ bỏ một chữ thư pháp do ông Giang Trạch Dân viết khi thăm một học viện quân sự Trung Quốc.

Các nhà quan sát nói rằng việc tướng Lý được phong làm chỉ huy một đơn vị mới, là dấu hiệu ông Tập nắm quyền kiểm soát Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và sẽ thưởng cho người trung thành với ông, bao gồm những người từng bị các lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập gạt sang bên lề.

Việc chỉ định thượng tướng Tần Thiên làm chỉ huy lực lượng Công an nhân dân vũ trang Trung Quốc hồi tháng 12, chính là sự thưởng công cho gia đình tướng Tần bị thất sủng vào thời ông Giang Trạch Dân.

Tướng Lý người Hồ Nam, được phong thượng tướng (hàm cao nhất trong PLA) ngày 31/7/2015. Các cựu quân nhân nói ông rất can đảm, trong sạch, không chấp nhận những vụ “đi đêm”.

Việc ông Tập thưởng công cho một tướng trung thành như ông Lý cũng nhằm các mục tiêu chính trị: chuyển PLA thành một lực lượng quân sự thật sự có khả năng chiến đấu.

Chuyện này cũng được dùng làm ví dụ chứng minh rằng "cần cù thì được thưởng công", thay vì nạn “chạy chức hàm” trong PLA.

Trước đó, 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) Quách Chánh Cương và Từ Tài Hậu đã bị bắt điều tra vì nhận tiền “mua hàm” của các sĩ quan PLA. Từ Tài Hậu đã chết trong tù vì ung thư bàng quang.

Nhà quan sát chính trị Willy Lam (ở Hồng Kông) nói lý lịch "không tì vết" của tướng Lý giúp ông có uy tín trong quân đội, điều giúp ông Tập duy trì sự đạo đức vào lúc ông đang cải tổ quân đội.

Giáo sư Lam nói với tờ The Straits Times: “Cuộc cải tổ này khiến bộ binh Trung Quốc mất vị thế là lực lượng hàng đầu vào tay không quân và hải quân”.

Ông Lâm còn nói lẽ ra chức vụ mới của tướng Lý thuộc về tướng Thái Anh Đình, chỉ huy quân khu Nam Kinh, nơi được xem là hậu cứ của ông Tập để giám sát 3 tỉnh ông từng làm việc là Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải.

Giáo sư Lam giải thích tướng Thái không được chọn vì ông Tập muốn hưởng tiếp sự ủng hộ ông ở Nam Kinh, vào lúc ông kiêm cả chức chủ tịch CMC.

Chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng (ở Thượng Hải) nói với The Straits Times rằng tướng Lý được thưởng công vì trung thành với ông Tập, vào lúc xảy ra vụ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị thất sủng năm 2012.

Bạc đã bị kết án tù chung thân hồi năm 2013 vì tội nhận hối lộ, lạm quyền và “rút ruột” công quỹ.

Bạc bị cho là từng tìm sự ủng hộ ở quân khu Thành Đô, trong mục tiêu được kết nạp làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ (CPC) lúc diễn ra cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo từ ông Hồ Cẩm Đào sang ông Tập hồi cuối năm 2012.

Tướng Lý từng là Phó trưởng quân khu Thành Đô từ tháng 1/2008 đến tháng 7/2013 thì lên chức trưởng quân khu khi ông 60 tuổi.

Lính Trung Quốc chuẩn bị tập hành quân
Lính Trung Quốc chuẩn bị tập hành quân

Tướng Lý được giao nhiệm vụ mới hôm 2/1/2016. Lực lượng hỗ trợ chiến lược của ông là đơn vị “mũi nhọn” trong cuộc chiến tranh công nghệ, trong đó có chiến tranh không gian và chiến tranh mạng.

Bắc Kinh quan ngại cuộc chạy đua không gian toàn cầu và chiến tranh mạng và để đối phó hai mối đe dọa này, Trung Quốc đã lập một đơn vị mới là Lực lượng tên lửa đạn đạo do tướng Uy Phong Hòa, 61 tuổi, chỉ huy.

Hai lực lượng mới tách khỏi sự chỉ huy của bộ binh và Lực lượng tên lửa đạn đạo có nhiệm vụ phát triển tên lửa cùng đóng tàu vũ trụ.

Theo báo Macau Daily Times, ông Tập còn lập Cơ quan tổng chỉ huy PLA. Ông nói 3 đơn vị mới thuộc chương trình hiện đại hóa quân đội nhằm “thực hiện giấc mơ Trung Hoa về một đạo quân mạnh mẽ”.

Theo hãng tin Fox News, cuộc hiện đại hóa PLA vào lúc Trung Quốc nỗ lực thực hiện ý đồ độc chiếm 90% Biển Đông.

Hồi tháng 9/2014, ông Tập tuyên bố giảm 300.000 quân trong tổng số 2,2 triệu quân, nhằm chứng minh Trung Quốc không có kế hoạch tăng quân. Nhưng PLA vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại