Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku tranh chấp ở biển Hoa Đông vào tháng 9.2012, vai trò của UAV trong quân đội Trung Quốc đã dần dần tăng lên.
Đáp lại tuyên bố gần đây của chính phủ Nhật Bản rằng bất kỳ UAV Trung Quốc nào xâm nhập vào không phận Nhật sẽ bị bắn hạ, viên tướng quân đội Trung Quốc Wang Hongguang cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục phái UAV đến khu vực quần đảo tranh chấp. Wang cũng cho biết, máy bay tiêm kích của quân đội Trung Quốc cũng có thể được phái đi hộ tống các UAV nếu chúng bị bắn.
Theo báo Quân giải phóng, các UAV được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau đã được triển khai cho toàn bộ 7 đại quân khu của Trung Quốc là: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô. Hầu hết các UAV quân đội Trung Quốc hiện đang sử dụng được thiết kế cho nhiệm vụ không thám, quan sát chiến trường và đánh giá tổn thất. Vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có các UAV có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát tầm xa hoặc tấn công hay không.
Một UAV mới có tên là Changhang gần đây đã được giới thiệu trên trang web của quân đội Trung Quốc có thiết kế tương tự như UAV trinh sát tầm xa Global Hawk của Mỹ. Mặc dù thông tin chi tiết về UAV này vẫn được giữ bí mật, Changhang cùng với các UAV khác như Wing Loong, Soar Dragon và Lijian là bằng chứng cho thấy, Trung Quốc có khả năng thiết kế và sản xuất các UAV tiên tiến như Mỹ và Israel .
Wang Yanan, tổng biên tập tạp chí Kiến thức Hàng không vũ trụ có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, UAV Wing Loong được thiết kế bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc AVIC rất giống với khái niệm MQ-1 Predator của Mỹ. Nó không chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chiến trường mà còn có thể thực hiện các cuộc tiến công bằng tên lửa chiến thuật. Vì thế, Wang nói là không có vấn đề đối với Trung Quốc để phát triển một UAV tầm trung có khả năng tấn công đẳng cấp thế giới.