Trung Quốc tính chế tạo sân bay di động trên biển

Việc TQ chế tạo một số cảng di động sẽ không chỉ phá “chuỗi đảo bảo vệ” che chở vùng lãnh thổ lục địa của Mỹ tại Thái Bình Dương, mà còn “buộc Mỹ phải chuyển sang kế hoạch 2”.

Trung Quốc, quốc gia phần lớn nằm trên lục địa với sức mạnh quân sự (ít nhất cho tới thời điểm này) chưa thể vượt Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cao, chủ trương cải cách quân đội và hiện đại hóa lực lượng vũ trang vẫn cho phép các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ tới việc tiến ra đại dương. Tư liệu trên các diễn đàn cho thấy Trung Quốc đang có những tiến bộ nhất định trong việc phát triển sân bay di động trên biển.

Theo một chuyên gia, việc Trung Quốc chế tạo một số cảng di động (có thể chuyển thành đường băng trên biển) sẽ không chỉ phá “chuỗi đảo bảo vệ” che chở vùng lãnh thổ lục địa của Mỹ tại Thái Bình Dương, mà còn “buộc Mỹ phải chuyển sang kế hoạch 2”.

So với các dự án của Mỹ, sân bay di động trên biển của Trung Quốc không có kết cấu modul và có kích thước bằng một nửa, dài 1.000m, rộng 200m, cao 35m (tương đương tòa nhà 10 tầng). Sân bay có mớn nước từ 4-6m và tổng lượng choán nước 800.000 tấn. Sân bay có hệ thống điện tự động song di chuyển bằng tàu kéo. Theo thiết kế, sân bay di động trên biển có khoảng gần 5.000 lính thủy đánh bộ (gấp 2,5 lần dự án căn cứ nổi của Mỹ).

Một sân bay như vậy có thể thay thế căn cứ không quân hiện nay ở Hong Kong, với 2 đường băng dài 1.000m. Về khả năng đảm bảo hoạt động cho Hải quân và không quân trực thuộc Hải quân, sân bay di động trên biển vượt trội so với bất cứ căn cứ trên bộ nào. Sân bay dự kiến sẽ sử dụng các vật liệu nhẹ hiện đại như bọt ceramic, hợp kim thép, polymer và vật liệu composite có khả năng chống ăn mòn tốt, khiến cho nó hầu như không thể chìm, kể cả trong trường hợp bị phá hủy nghiêm trọng.

Các tác giả của dự án cho biết đường băng sân bay nổi cho phép máy bay có thể cất hạ cánh mà không phụ thuộc vào tình trạng mặt biển.

Cũng như Mỹ, các chiến lược gia quân sự Trung Quốc hiểu rõ một sân bay như vậy không chỉ là “cảng” cho máy bay và tàu chiến mà còn là “pháo đài nổi” thực sự có thể kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn tàu sân bay hiện đại nhất.

Điểm khác biệt với Mỹ là dự án của Trung Quốc không quá hoành tráng. Điều này có thể đánh giá vì các tác giả dự án có kế hoạch sử dụng cơ sở cảng của sân bay di động trên biển, trước tiên như căn cứ phục vụ cho lượng lớn tàu trang bị tên lửa hành trình ứng dụng công nghệ tàng hình.

Sự hiện diện của các căn cứ này trên biển sẽ loại bỏ yếu điểm chính của hạm đội nhỏ - khả năng tự tác chiến thấp. Như vậy, sân bay di động trên biển sẽ là nguy cơ thực sự đối với các tàu sân bay, tàu chiến, tàu tuần dương và tàu khu trục.

Các nhà bình luận cho rằng với trình độ phát triển kinh tế và công nghệ như hiện nay, trong từ 2-3 năm, Trung Quốc có thể chế tạo một sân bay di động. Và việc Trung Quốc đưa một số “đơn vị” như vậy tới vùng biển trung lập ở Hoàng Hải, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân địa chính trị trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại