Các thỏa thuận sơ bộ giữa Trung Quốc và Uruguay về vấn đề này cơ bản đã hoàn tất, tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào Không quân Uruguay.
Trước đó, Trung Quốc từng đề nghị cung cấp máy bay vận tải cho Uruguay nhưng bị từ chối bởi Quân đội Uruguay cho rằng kết hợp một chiếc vận tải cơ Y-12 đơn lẻ với máy bay hiện có của Không quân Uruguay quá phức tạp. Do đó, nhận quà tặng từ phía Trung Quốc là hoàn toàn không mang lại lợi ích thiết thực.
Hiện tại, Không quân Uruguay chưa trang bị máy bay nào của Trung Quốc, mà sử dụng 3 loại máy bay vận tải chính là C-130B, C212 và EMB-110.
Máy bay vận tải Y-12 do Trung Quốc chế tạo có thể đạt tốc độ tối đa là 328 km/h, quãng đường di chuyển tối đa là 1.300 km. Y-12 có thể chở 17 hành khách hoặc hàng hóa nặng tới 1, 5 tấn. Máy bay sử dụng động cơ PT6A-27 do chi nhánh công ty Pratt & Whitney của Mỹ ở Canada sản xuất.
Theo phân tích của một số chuyên gia, Trung Quốc quyết định tặng máy bay vận tải cho Uruguay để có thể giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu cung cấp máy bay huấn luyện - chiến đấu cho Không quân nước này. Hiện nay, có 2 loại máy bay tham gia cuộc đấu thầu là máy bay huấn luyện L-15 của Trung Quốc và Yak-130 của Nga.
Yak-130 của Nga là sản phẩm do Công ty Yakovlev của Nga và công ty Aermacchi của Ý hợp tác thiết kế chế tạo. Máy bay được trang bị hệ điện tử hàng không có cấu trúc mở, cho phép sử dụng rộng rãi các loại vũ khí phương Tây và tên lửa dẫn đường AIM-9L Sidewinder, Magic 2 và AGM-65 Maverick.
Ngoài ra, chiếc máy bay còn có thể sử dụng tên lửa dẫn đường bằng laser Vikhr, tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại R-73, tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser Kh-25ML và tên lửa dẫn đường KAB-500Kr.
Trong khi đó, L-15 là máy bay chiến đấu đạt tốc độ siêu âm đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, dưới sự giúp đỡ từ cục thiết kế Yakovlev (Nga) nên có những nét tương đồng nhất định với mẫu máy bay huấn luyện Yak-130.
Máy bay huấn luyện L-15
L-15 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực AI-222K-25F của Ukraine cho phép đạt tốc độ vượt âm thanh Mach 1,4, bán kính bay chiến đấu 550km, trần bay 16.000m. Bên cạnh đó, L-15 còn được tích hợp nhiều hệ thống điện tử tiên tiến như hệ thống lái fly-by-wire hay hệ thống điều khiển bay HOTAS. Tuy nhiên, dù ra đời đã lâu nhưng không hiểu vì lý do gì, Không quân Trung Quốc lại không hề đoái hoài tới việc đặt mua L-15.
Uruguay dự kiến trang bị 6-12 chiếc máy bay huấn luyện cho quân đội. Theo một số nguồn tin chưa chính thức, hợp đồng cung cấp máy bay huấn luyện có thể sẽ tiếp tục được mở rộng sau khi máy bay được chọn bắt đầu bàn giao. Trước đó, có thông tin cho biết Uruguay đang nghiêng về mua sắm máy bay Yak-130 do Nga chế tạo.
Theo kế hoạch, không quân Uruguay dự kiến sử dụng máy bay huấn luyện mua mới để đào tạo phi công và làm máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Tổng trị giá hợp đồng chưa được công bố. Trước đó, Bộ Quốc phòng Chile từng 'chào hàng' Uruguay 12 chiếc chiến đấu cơ F-5E Tiger III với giá 80 triệu USD.