Trước khi xảy ra biến cố chính trị tại Kiev, Ukraine là nhà cung cấp công nghệ và trang thiết bị vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc. Ba tháng trước khi nổ ra cuộc bạo loạn chính trị ở Ukraine, Trung Quốc và một số nước Đông Âu đã có cuộc gặp gỡ cấp cao tại thành phố Bucharest, Romania. Sau cuộc họp này, Ngân hàng Grisons Peak có trụ sở tại Anh phát hiện ra rằng, tổng kim ngạch đầu tư và cho vay mà Trung quốc cam kết với các nước Trung, Đông Âu đã trên 19 tỷ USD, cao hơn bất cứ giai đoạn hợp tác kinh tế song phương nào trước đây.
Trong chiến lược của Trung Quốc ở Đông Âu, Ukraine chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Theo tờ RT News (Nga), trước khi cam kết đầu tư 8 tỷ USD, Bắc Kinh đã cung cấp khoản vay 10 triệu USD cho Kiev. Chính phủ của cựu Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và Ukraine được xem là một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng mà từ đó Trung Quốc có thể tiếp cận đến phía Tây Âu.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đang được đặt ra là: Sau cuộc bạo loạn chính trị ở Ukraine, quá trình hợp tác giữa Bắc Kinh và Kiev liệu có còn duy trì được như trước?
Rana Mitt, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Oxford nhận định: “Tôi nghĩ rằng sự thay đổi về chính trị ở Ukraine không ảnh hưởng nhiều đến chính sách đầu tư của Trung Quốc. Bắc Kinh đơn giản là một nhà đầu tư thương mại, họ quan tâm nhiều đến lợi ích chứ không thực sự quan tâm nhiều đến hình thức của chính phủ sở tại”.
Ngoài những nguy cơ về kinh tế, bất ổn chính trị tại Ukraine còn đe dọa một lĩnh vực vô cùng quan trọng của Trung Quốc là hợp tác kỹ thuật quân sự. Kiev đóng góp một vai trò rất quan trọng trong sự lớn mạnh của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Ukraine đang là nhà cung cấp chính các loại động cơ tuabin khí sử dụng cho các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, động cơ phản lực cho máy bay huấn luyện L-15. Tàu sân bay Liêu Ninh được hoàn thành với sự giúp đỡ rất lớn từ Ukraine. Trong suốt quá trình vận hành tàu sân bay này, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải cầu cạnh đến Kiev.
Chính Ukraine đã cung cấp nguyên mẫu tiêm kích trên hạm T-10K của Su-33 cho Trung Quốc để phát triển thành tiêm kích trên hạm J-15. Bên cạnh đó, Ukraine cũng đã bí mật cung cấp một số công nghệ và sản phẩm quan trọng cho Trung Quốc để họ phát triển công nghệ tên lửa, trong đó có tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 được phát triển dựa trên tên lửa Kh-55 của Liên Xô.
Ukraine và Trung Quốc cũng đang thực hiện dang dở hợp đồng đóng mới và chuyển giao công nghệ tàu đổ bộ đệm khí Bison. Khi biến động chính trị bắt đầu bùng phát ở Ukraine, đặc biệt là ở bán đảo Crimea, nơi đặt trụ sở của nhà máy Feodosiya, phía Trung Quốc đã vội vã yêu cầu chuyển gấp về nước tàu đổ bộ khí đệm Bison đang đóng ở đây. Động thái chuyển tàu về nước trước thời hạn đã cho thấy Bắc Kinh thực sự lo lắng về nguy cơ hợp đồng có thể không thể tiếp tục thực hiện.
Ngày 06/03, Quốc hội khu tự trị Crimea đã quyết định ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Như vậy, nhà máy đóng tàu Feodosiya có thể nằm dưới sự quản lý của Nga. Điều này dẫn tới nguy cơ hợp đồng chuyển giao công nghệ tàu đổ bộ Bison cho Trung Quốc có thể bị chấm dứt. Tàu đổ bộ đệm khí Bison Project 958 được cho là sản phẩm sao chép hoàn toàn thiết kế tàu đổ bộ Project 12322 Zubr thời Liên Xô. Vì vậy, từ lâu, Nga đã rất “cay cú” với việc Ukraine đồng ý bán và chuyển giao công nghệ đóng tàu này cho Bắc Kinh.
Hiện tại, chưa rõ nhà máy này đã chuyển giao được bao nhiều phầm trăm công nghệ đóng tàu đổ bộ đệm khí Bison cho Trung Quốc nhưng tình hình biến động hiện nay cho thấy Trung Quốc có thể không còn cơ hội tiếp tục hợp tác với nhà máy đóng tàu Feodosiya, nơi đang nắm giữ nhiều công nghệ đóng tàu quan trọng dưới thời Liên Xô.
Còn tại Kiev, một chính phủ thân NATO do Tổng thống lâm thời Olexsandr Turchynov đứng đầu đã được lập nên. NATO sẽ không thể để tình trạng hợp tác quân sự với Trung Quốc diễn ra như trước bởi khối quân sự lớn nhất thế giới này vẫn đang cấm vận vũ khí với Bắc Kinh.
Yang Cheng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải nhận định “Việc thay đổi chính phủ ở Ukraine tạo ra một sự không chắc chắn về việc liệu đà hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh và Kiev có còn mạnh như trước?".
Tuy vậy, ông Yang cho rằng, nếu chỉ hợp tác với một mình EU hay với Nga không đủ để vực dậy nền kinh tế méo mó của Ukraine nên dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vẫn tiếp tục được hoan nghênh. Trong khi đó, Zhang Shengjun Phó chủ nhiệm Viện khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế Đại học Bắc Kinh cho biết “Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc vào Ukraine trong phát triển quân sự nhưng sẽ tiếp tục đổ vốn đầu tư để duy trì ảnh hưởng của mình”
Có thể thấy rõ, biến cố chính trị tại Ukraine đang khiến Trung Quốc mất đi "mỏ vàng" công nghệ quân sự mà bấy lâu nay họ đang khai thác để phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước.