Trung Quốc rêu rao J-20 đã đủ khả năng ’hải chiến Biển Đông’

Các chuyên gia phán đoán J-20 ít nhất còn phải mất 6-7 năm nữa mới tham chiến được. Nhưng đài CCTV4 đã tính đến khả năng một khi Biển Đông "hữu sự" có thể điều động J-20 cất cánh từ Tam Á - Hải Nam tung hoành 2000km biển trời.

Kênh CCTV-4 thời sự quốc tế đài truyền hình trung ương Trung Quốc trong chương trình "Tiêu điểm trong ngày" 23/6 đưa tin về hoạt động huấn luyện của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Trung Quốc J-20 được cho là có những bước tiến vượt bậc.

Đáng chú ý, CCTV-4 dẫn phân tích của giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng bán kính tác chiến của J-20 khoảng 2000 km, và CCTV-4 liên hệ đến khả năng một khi Biển Đông "hữu sự" có thể điều động J-20 cất cánh từ Tam Á - Hải Nam tham gia "hải chiến bãi Vạn An".

Cái gọi là "bãi Vạn An" là tên gọi phía Trung Quốc áp đặt một cách phi lý, phi pháp và vô hiệu đối với Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 229 hải lý về phía Đông Nam và Bắc Kinh đang cố gắng tuyên truyền cho cái gọi là "chủ quyền" phi pháp của mình tại đây.

Gần đây Trung Quốc đã liên tiếp bay thử nghiệm J-20 với các động tác bay thấp và xả xăng trên không trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp. Trong tháng 3 vừa qua Trung Quốc đã cho bay thử thành công J-20 với các bài tập mang bom và mở khoang đạn.

J-20 bay thử trên bầu trời Trung Quốc
J-20 bay thử trên bầu trời Trung Quốc

CCTV-4 cho rằng một khi xảy ra tình huống xung đột ở Biển Đông - Trường Sa thì J-20 có thể chi viện hiệu quả cho hải quân và tham gia tác chiến chống tàu ngầm.

Ngoài ra, giới quân sự Trung Quốc cho rằng nếu J-20 cất cánh từ đảo Phú Lâm (nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt phi pháp năm 1974 - PV) và bay ra Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) có thể rút ngắn được 1/3 hành trình so với bay từ Tam Á.

J-20 được Trung Quốc mệnh danh là thế hệ máy bay thứ 5, có thể sánh ngang với các máy bay hiện đại hàng đầu của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia vũ khí trên thế giới nhận định đây là một mẫu máy bay sao chép, thiết kế lai tạp với nhiều điểm giống Su-47 (cánh phụ), F-22 (cánh chính, mũi máy bay) và PAK FA(cánh đuôi song song và cánh tà).

J-20 cất cánh
J-20 cất cánh

Ngoài ra, J-20 còn tồn tại 2 điểm yếu chết người về phát triển động cơ và hệ thống radar. Giới chuyên gia Nga nhận định, để hoàn thiện được J-20, Trung Quốc cần ít nhất 8 năm nữa. Hành động chèo kéo Nga để mua một loạt Su-35 (Thế hệ máy bay thứ 4++ của Nga) của Trung Quốc cũng nhằm khắc phục quãng thời gian thiếu J-20 và dùng công nghệ của Su-35 bù đắp cho J-20.

Cách đưa tin của đài CCTV-4 truyền hình trung ương Trung Quốc khiến công luận phải lo ngại về những dấu hiệu tích tụ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm chuẩn bị cho âm mưu sử dụng vũ lực ở Trường Sa trong tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại