Ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã tiếp Tham mưu trưởng Không quân Pakistan, Thống chế Tahir Rafique Butt đang ở thăm Bắc Kinh và thảo luận về các mối quan hệ quân sự song phương, trong đó có hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước.
Bộ trưởng Thường Vạn Toàn nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng đóng góp các nỗ lực chung với Pakistan để thực hiện sự đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước, xúc tiến xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan cũng như một "cộng đồng cùng chung vận mệnh" Trung Quốc-Pakistan.
Ông cho biết thêm quân đội Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực với quân đội Pakistan, như huấn luyện quân sự, trang thiết bị và chống khủng bố.
Về phần mình, ông Butt cho biết Pakistan hy vọng hai bên có thể tăng cường các hoạt động thông tin liên lạc chiến lược và tiến tới hợp tác hữu nghị giữa không quân hai nước.
Thống chế Butt cũng đã tham dự Triển lãm Hàng không và Không gian vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 10, được tổ chức tại thành phố cảng Chu Hải, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Không quân Pakistan
Mối quan hệ giữa Pakistan và Trung Quốc đang trong thời kỳ nồng ấm một cách toàn diện. Mới đầu tháng 11/2014, hai nước đã ký kết thúc đẩy những nỗ lực chung nhằm xây dựng một hành lang kinh tế song phương.
Cùng ngày này, hai bên cũng ký kết hơn 20 văn kiện hợp tác khác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ, năng lượng, tài chính, khu công nghiệp và truyền thông.
Lâu nay, Pakistan coi quan hệ với Bắc Kinh giúp nước này làm vô hiệu hóa sức mạnh quân sự vốn trội hơn hẳn của New Delhi. Trong khi đó, Trung Quốc cũng coi Islamabad là một đối trọng chiến lược quan trọng so với đối thủ lâu đời, Ấn Độ, và là một hàng rào chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ trên khắp khu vực. Bắc Kinh còn muốn dùng Pakistan làm cửa ngõ để tiếp cận thế giới Hồi giáo và cần sự trợ giúp của Islamabab để chiến đấu với các phần tử ly khai Hồi giáo tại Tân Cương trên biên giới chung giữa 2 nước.
Trung Quốc là nhà cung cấp chính các vũ khí quân sự cho Pakistan và cũng là một nhà đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực như viễn thông, hải cảng và cơ cở hạ tầng.
Trung Quốc thúc đẩy mối quan với Pakistan trong bối cảnh quan hệ Trung-Ấn đang nóng lên bởi ngày 22/10, tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập trái phép khu vực hồ Pangong, gần vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát, đồng thời triển khai quân đội vào sâu khoảng 5 km trên đất liền.
Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) đã chặn tàu thuyền Trung Quốc tại đường kiểm soát thực tế (LAC) nằm trong hồ Pangong. Nhóm binh sĩ Trung Quốc cưỡi xe địa hình cố gắng vượt qua LAC trên bộ cũng bị ITBP chặn lại.
Khi quân đội 2 bên đối mặt, họ cùng vẫy biểu ngữ khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Cuối cùng, tàu thuyền và binh sĩ Trung Quốc buộc phải rút lui sau khi ITBP kiên quyết không nhượng bộ.
Ấn Độ cũng đang có dự định xây 54 tiền đồn tại khu vực biên giới Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc cho rằng bao gồm cả biên giới vẫn còn tranh chấp ở miền Đông hai nước.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000 km2 lãnh thổ tại bang Arunachal Pradesh mà Bắc Kinh gọi là miền nam Tây Tạng. Trong khi đó Ấn Độ tuyên bố chủ quyền đối với 38.000 km2 lãnh thổ hiện do Trung Quốc kiểm soát tại vùng Aksai Chin ở phía tây, cũng như hơn 5.000 km2 đất tại Kashimir mà Pakistan chuyển cho Trung Quốc theo thỏa thuận biên giới 1963.
Thực tế, Ấn Độ và Pakistan luôn trong mối bất hòa và xung đột sâu sắc. Có điều, Ấn Độ được đánh giá là quốc gia có sức mạnh kinh tế quân sự cao hơn Pakistan. Trong mối quan hệ mâu thuẫn Ấn Độ - Trung Quốc, lợi dụng sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia, Bắc Kinh nhanh chóng lôi kéo Pakistan về phía mình.
Mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan ngày càng nồng ấm sẽ đẩy Ấn Độ vào một tình huống khó xử, khi một lúc phải đương đầu với hai quốc gia đối lập ngay sát biên giới.