Trung Quốc "mượn tay" đồng minh Mỹ làm chủ công nghệ tàu ngầm

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Việc mua được các động cơ diesel từ Đức là một bước quan trọng để nâng cấp năng lực của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, giúp chúng trở thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ.

Hiện nay quân đội Trung Quốc đang xây dựng kho vũ khí của mình với sự hợp tác đắc lực của nhiều nước Châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Anh.

Công nghệ quan trọng nhất mà Trung Quốc có được từ Châu Âu là các động cơ diesel của Đức dùng cho các tàu ngầm diesel-điện. Giống như các cường quốc mới nổi trước đó đã từng làm, Trung Quốc đang tập trung xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh của riêng mình, bao gồm 12 chiếc tàu ngầm Kilo mua của Nga và 21 tàu chế tạo trong nước thuộc các lớp Song and Yuan. Trái tim của những tàu nội địa là những động cơ diesel hiện đại của hãng MTU Friedrichshafen GmbH, trụ sở tại Friedrichshafen, Đức.

Tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc
Tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc

Những tàu ngầm này là một trong những vũ khí đáng ngại nhất của Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh trong khu vực. Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thì tính đến cuối năm 2012, Hải quân Trung Quốc đã mua 56 động cơ diesel của MTU.

Thị trường quốc phòng béo bở

Theo Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, mức độ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài của Trung Quốc không nhiều như mọi người vẫn nghĩ. Tuy vậy, việc chuyển giao công nghệ quốc phòng của Châu Âu cho Trung Quốc đã được biết đến từ lâu và được theo dõi trong một thời gian dài.

Sự chuyển giao này rất cần thiết cho tham vọng tranh chấp lãnh thổ và thách thức ưu thế của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì thế giới, với tốc độ tăng trưởng chi tiêu quốc phòng hàng đầu. Do đó cũng dễ hiểu khi các tập đoàn quốc phòng Châu Âu không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của thị trường này.

Tàu hộ vệ Type 054A Trung Quốc được trang bị 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PA6V-280
Tàu hộ vệ Type 054A Trung Quốc được trang bị 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PA6V-280

Ngoài MTU, một nhà sản xuất động cơ lớn khác là Pielstick của Pháp cũng đang làm ăn với quân đội Trung Quốc. Động cơ của Pielstick được trang bị trên nhiều tàu chiến hiện đại của Trung Quốc.

Lệnh cấm vận lỏng lẻo

Chính thức thì Liên minh Châu Âu và Mỹ có áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn nhưng Mỹ có chính sách chặt chẽ hơn nhiều, Trung Quốc gần như chỉ có thể tiếp cận công nghệ Mỹ bằng cách hoạt động bất hợp pháp. Mặt khác, lệnh cấm vận của Châu Âu lại lỏng lẻo hơn, đặc biệt là liên quan đến các công nghệ ứng dụng kép, nghĩa là có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Theo Michael Mann, phát ngôn viên của EU, thì lệnh cấm vận vũ khí của Châu Âu không áp dụng cho các công nghệ ứng dụng kép, và việc kiểm soát các công nghệ này tùy thuộc vào từng quốc gia.

Trong đó, chính sách của Anh và Pháp được xem là dễ dãi nhất. Hai nước này chỉ cấm xuất khẩu các thiết bị có thể gây sát thương hay toàn bộ hệ thống vũ khí. Trong số giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, Pháp là nước Châu Âu hàng đầu, với 2 tỷ USD, Anh theo sau với 600 triệu USD, tiếp theo là Ý với 160 triệu USD. Trên thực tế, các con số này của Châu Âu chưa thực sự đầy đủ vì một số nước, trong đó có Đức, không báo cáo thông tin này.

Theo ước tính thì Đức xuất khẩu số lượng vũ khí tương đương 32 triệu USD trong vòng 10 năm tính đến 2011. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều, vì chưa tính đến các công nghệ ứng dụng kép, trong đó có động cơ diesel, hay các phần mềm thiết kế dùng cho hàng không dân dụng nhưng cũng có thể được sử dụng để thiết kế máy bay quân sự.

Nhiều chuyên gia phê phán các chính sách của EU liên quan đến buôn bán vũ khí với Trung Quốc vì không có sự thống nhất giữa các nước thành viên. Mỗi nước có cách hiểu khác nhau về chính sách này và tự đề ra các hướng dẫn chi tiết khác nhau tùy theo luật của mỗi nước. Ngoài ra, khoảng cách địa lý cũng đóng một vai trò lớn, các nước Châu Âu không xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa cho mình.

Xuất khẩu linh kiện

Lệnh cấm vận dù sao vẫn gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc, và nước này thường xuyên kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận, nhưng áp lực từ Mỹ khiến nó vẫn còn được duy trì. Do đó, Trung Quốc vẫn chưa thể mua các hệ thống vũ khí hoàn chỉnh như chiến đấu cơ Eurofighter, tàu ngầm, tàu sân bay từ Châu Âu. Tuy nhiên, các công ty Châu Âu vẫn có thể lách luật bằng cách bán từng linh kiện.

Những nhà sản xuất vũ khí Châu Âu đã được cấp số giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 4,1 tỷ USD trong vòng 10 năm từ 2001-2011. Các chủng loại vũ khí được phê chuẩn rất đa dạng, gồm máy bay, xe tăng, tàu chiến, thiết bị nhìn đêm, đạn dược…

Với chính sách phát triển khoa học công nghệ dài hạn, chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty quốc phòng trong nước nhập khẩu các công nghệ mà mình còn thiếu. Vấn đề là làm cách nào để tích hợp các công nghệ này vào vũ khí được chế tạo trong nước. Một ví dụ tiêu biểu là cách công nghệ động cơ Đức được dùng để tăng năng lực các đội tàu giám sát vệ tinh và tên lửa của Trung Quốc.

Theo đó, năm ngoái, Man Diesel & Turbo thông báo việc 250 động cơ của hãng này sẽ được lắp ráp tại Trung Quốc và sau đó trang bị cho các tàu chuyên dụng thuộc Cục theo dõi và kiểm soát vệ tinh, thuộc Tổng cục quân khí, Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc. Hãng này cũng cung cấp hộp số, chân vịt và hệ thống điều khiển từ nhà máy của của mình ở Đan Mạch.

Theo người phát ngôn của hãng thì tất cả hoạt động này đề phù hợp các quy định của Đức và EU, vì các động cơ này không được thiết kế chuyên biệt cho mục đích quân sự.

Trái tim của tàu ngầm

Trong số các công nghệ quân sự mà Trung Quốc thèm khát, động cơ cho tàu ngầm đứng đầu danh sách, với lí do chính đáng. Năm 2003, một tàu ngầm thuộc lớp Ming mang số hiệu 361 được phát hiện đang trôi dạt ngoài khơi biển Bột Hải, bắc Trung Quốc. Bên trong là xác của 70 người thuộc thủy thủ đoàn.

Nguyên nhân chính xác của tai nạn chưa bao giờ được công bố. Tuy vậy, theo phỏng đoán thì nhiều khả năng là do động cơ diesel. Một giả thuyết là nó vẫn còn hoạt động khi tàu đã lặn, và hút hết khí oxy bên trong tàu. Hoặc khí thải của nó bị rò rỉ vào trong tàu thay vì được dẫn ra ngoài. Đây là một trong những thảm họa thời bình nghiêm trọng nhất của quân đội Trung Quốc.

Tàu ngầm Type 035 lớp Minh số hiệu 361

Tai nạn của tàu ngầm Type 035 lớp Minh số hiệu 361 được cho là do động cơ diesel

Do đó, việc mua được các động cơ diesel MTU từ Đức là một bước tiến quan trọng để nâng cấp năng lực chiến đấu của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc. Công ty mẹ của MTU, Tognum Group, là một liên doanh giữa Rolls-Royce Group của Anh và Daimler AG của Đức. Hợp đồng với hải quân Trung Quốc giúp MTU và các công ty mẹ có lợi thế trong việc tiếp cận thị trường động cơ dân sự khổng lồ tại Trung Quốc.

Ngay từ 1986, MTU đã cung cấp bản quyền để Norinco, tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất Trung Quốc, lắp ráp động cơ diesel trong nước. Năm 2010, Tognum Group và Norinco thành lập một liên doanh để lắp ráp các động cơ diesel cỡ lớn, dùng cho các máy phát điện dự phòng tại các nhà máy điện hạt nhân.

So với các động cơ diesel thông thường, động cơ dùng trên tàu ngầm phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nhiều. MTU đã có hơn 50 năm kinh nghiệm sản xuất loại động cơ đặc biệt này. Động cơ trang bị trên các tàu Song và Yuan là MTU 396 SE84, một trong những loại phổ biến nhất trên thế giới. Trên mỗi tàu ngầm Song và Yuan có 3 động cơ MTU 396 SE84.

Theo MTU, họ đã cung cấp hơn 250 động cơ diesel cho tàu ngầm trên khắp thế giới, phần lớn đã đạt đến mốc 310.000 giờ hoạt động. Một số còn được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân để làm động cơ dự phòng.

Mối đe dọa thầm lặng

Những động cơ cao cấp như của MTU giảm thiểu rung động và tiếng ồn, qua đó giúp giảm nguy cơ bị sonar của đối phương phát hiện. Nếu chỉ chạy bằng động cơ điện, các tàu ngầm diesel-điện có thể yên lặng hơn tàu ngầm hạt nhân. Những tàu ngầm này có thể đánh chìm những tàu chiến đắt giá hơn nhiều, như các tàu sân bay.

Hải quân Trung Quốc trông cậy vào những tàu ngầm mới của mình có thể ngăn hải quân Mỹ áp sát vùng biển quanh nước này, như eo biển Đài Loan, hay Biển Đông. Cách thức tiến hành chiến tranh quen thuộc của người Mỹ, dựa vào không lực từ tàu sân bay, sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Kitty Hawk đã bị một tàu ngầm lớp Song đeo bám đến khoảng cách 9 hải lý

Tàu ngầm lớp Song đã bám sát tàu sân bay USS Kitty Hawk một thời gian dài mà không bị phát hiện

Mối đe dọa này đã từng được thể hiện trong thực tế, khi vào năm 2006 một tàu ngầm Song nổi lên cách tàu sân bay Kitty Hawk chỉ 8km, bên trong tầm bắn của ngư lôi, ngoài khơi Okinawa. Rõ ràng tàu ngầm này đã theo đuôi Kitty Hawk trong 1 thời gian dài mà không bị phát hiện.

Từ đó đến nay, các tàu ngầm Trung Quốc ngày càng mở rộng hoạt động của mình. Theo dự liệu của tình báo hải quân Mỹ thì số chuyến tuần tra của tàu ngầm Trung Quốc tăng từ 4 năm 2001 lên 18 lần năm 2011.

Hải quân Mỹ từ chối bình luận về việc Đức cung cấp các động cơ diesel cao cấp cho Trung Quốc, nhưng cho biết họ ý thức rõ những ưu thế mà công nghệ này có thể đem lại cho đối phương, và vẫn đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ của riêng mình để giúp các tàu ngầm Mỹ yên lặng hơn nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại