Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 26/3 thông báo đã gửi một đội tàu chiến gồm tàu hộ vệ tên lửa Weifang và tàu cứu hộ Changxingdao đến Indonesia tham gia tập trận chung. Hai chiếc tàu này đã rời cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông vào ngày 26/3.
Cuộc tập trận do Hải quân Indonesia tổ chức với 48 tàu, 8 trực thăng và 4 máy bay của 16 nước, có cả Mỹ, Nga và Pháp tham gia. Theo kế hoạch, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 12-15/4 tại tỉnh Padang và các đảo xung quanh; gồm các hoạt động huấn luyện, tập trận và thực hiện cứu hộ thiên tai.
Theo thông tin công khai, hộ vệ hạm tên lửa Weifang là lớp chiến hạm mạnh và đông đảo nhất hiện nay của Hải quân Trung Quốc.
Theo thiết kế, tàu hộ vệ Weifang có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên biển, trên không và dưới mặt nước bằng hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không và hệ thống ngư lôi chống ngầm và hệ thống pháo tự động, đánh chặn tên lửa chống hạm tầm gần.
Hệ thống trang bị, vũ khí chính trên tàu bao gồm: 1 bệ pháo 100 mm, 4 hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần AK-630, 2 hệ thống tên lửa chống hạm YJ-83 (C-802), 1 máy bay trực thăng chống ngầm Z-9C, 1 hệ thống sonar MGK-335…
Khả năng chống hạm của tàu Weifang không quá mạnh với hệ thống tên lửa hạm đối hạm YJ-83 (Ưng Kích-83), được chế tạo trên cơ sở công nghệ thập niên 70, thế kỷ trước của Nga. Loại tên lửa này có chiều dài 6,392m, đường kính 0,36m, trọng lượng 715 kg, tầm bắn tối đa chỉ đạt 120km.
Mặc dù YJ-83 có trọng lượng không phải là nhẹ nhưng riêng tầng đẩy đã nặng tới 530kg, đầu nổ vẻn vẹn 165kg, sức công phá rất thấp, trong khi các loại tên lửa chống hạm hiện đại có đầu nổ thông thường ít nhất là 200kg, thậm chí có loại đầu nổ tới 450kg.
Hơn nữa, tên lửa chỉ có khả năng bay với vận tốc hành trình hạ âm, 30 km cuối bay với vận tốc siêu âm 1,3 - 1,5Mach. Kích thước lớn, tốc độ chậm, khả năng điều khiển, dẫn đường kém khiến YJ-83 rất dễ bị các hệ thống phòng thủ tên lửa trên hạm bắn hạ.
Điểm đặc biệt nhất là thiết kế hệ thống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng với 32 ống phóng loại HHQ-16, là phiên bản của hệ thống tên lửa đất đối không tầm thấp, cận trung HQ-16, có tầm phóng 45km, độ cao tối đa 25km.
Phiên bản trên hạm có chiều dài 2,9m, đường kính thân 0,232m, trọng lượng 165kg, đầu nổ 17kg, vận tốc 2,8Mach (khoảng trên 3000km/h). Thực tế, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, độ cao đánh chặn của HHQ-16 chỉ có hiệu quả từ 16km trở xuống, tầm bắn hiệu quả 30km.
Theo Want China Times, không giống như chiến hạm Type 052C nhiều tai tiếng, tàu Weifang sở hữu khả năng công – thủ toàn diện.
Được biết, ngay trước khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông báo điều tàu đến Indonesia diễn tập chung, quan hệ giữa Bắc Kinh và Jakarta đã rất căng thẳng liên quan đến việc xâm phạm lãnh hải của tàu Trung Quốc.
Vụ việc xảy ra gần quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông. Indonesia ngày 21/3 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối hành động trên. Vụ tranh cãi căng thẳng đến nỗi Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải Indonesia còn nói có thể kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng cho rằng các tàu của nước này vẫn hoạt động tại “ngư trường truyền thống” và tàu hải cảnh không hề xâm phạm lãnh hải Indonesia.
Tuy nhiên, trong khi căng thẳng chưa lắng xuống thì bất ngờ Trung Quốc điều dàn chiến hạm cực mạnh của mình đến diễn tập chung với Indonesia – một động thái mang nhiều dụng ý của Trung Quốc.