Trong tháng 5, vào các ngày 02, 12 và 19, Nhật đã 3 lần phát hiện được tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập sát lãnh hải của họ, trong đó 2 lần phát hiện chính xác là tàu ngầm lớp Nguyên. Trong 3 vụ phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, vai trò của tàu đo đạc âm hưởng JDS Hibiki (AOS-5201) là rất quan trọng.
Trả lời phỏng vấn của chương trình “Giải mã tình hình quân sự” của Đài truyền hình Bắc Kinh, chuyên gia quân sự Trung Quốc Hứa Quang Dụ cho biết, tàu đo đạc âm hưởng JDS Hibiki (AOS-5201) của Nhật còn được gọi là tàu gián điệp, thời bình nó làm nhiệm vụ trinh sát, thu thập số liệu phục vụ cho thời chiến.
Hứa Quang Dụ cho biết, từ tên chủng loại “Tàu đo đạc âm hưởng” cũng có thể xác định được nhiệm vụ của nó chủ yếu là đo đạc âm thanh, tiếng động, đặc biệt là khả năng phát hiện, theo dõi, định hướng, đo đạc cự li và nhận dạng âm thanh của chân vịt và độ rung chấn của động cơ tàu ngầm.
Ngoài ra nó còn có khả năng phát hiện và đo đạc âm thanh tự nhiên dưới đáy đại dương bao gồm: các ngọn thủy triều, hải lưu và những rung chấn địa chất rất nhỏ. Tất cả những điều này được gọi là “âm thanh nền của đại dương”.
Nhận thức được những âm thanh này có vai trò vô cùng quan trọng vì giao thoa của tiếng động tàu ngầm và âm hưởng của đại dương rất khó phân biệt, cần một phương tiện chuyên dụng để xác định nó. Sau khi phát hiện được những số liệu thô, các số liệu này lập tức được chuyển về trung tâm số liệu qua vệ tinh để tiến hành phân loại, xác định và ghi nhận rồi nhập vào cơ sở dữ liệu. Điều này sẽ giúp Nhật Bản có được một kho số liệu mẫu khổng lồ.
Loại tàu này có thể chứa đựng rất nhiều dữ liệu về các loại tàu ngầm đối phương và số liệu về tiếng động của 1 loại tàu ngầm ở các khu vực biển khác nhau, hình thành một kho dữ liệu đối chiếu. Cơ sở dữ liệu sẽ được lập trình trong phần mềm, một khi phát hiện được tiếng động lạ, nó lập tức so sánh, đối chiếu và nhận biết ra đó là loại tàu ngầm nào, của quốc gia nào.
Ông Hứa Quang Dụ cho biết, JDS Hibiki (AOS-5201) là sản phẩm của sự hợp tác công nghệ quân sự Nhật - Mỹ chuyên thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở khu vực chuỗi đảo thứ nhất của Trung Quốc. Nó được gọi là “Tàu gián điệp” bởi trong thời bình, loại tàu này có thể trinh sát, thu thập thông tin tình báo phục vụ nhiệm vụ trước mắt hoặc để sử dụng trong thời chiến.
Hiện nay, Nhật Bản có 2 tàu thuộc loại này, được phỏng chế từ lớp tàu quan trắc biển T-AGOS của Mỹ. Chúng có lượng giãn nước từ 2800 - 3000 tấn, thiết kế kiểu 2 thân (Catamaran), chiều dài 70m, rộng 30m, hình dạng bên ngoài hoàn toàn khác biệt với các loại chiến hạm hải quân khác.
Con tàu được thiết kế chiều ngang rất rộng, ngoài mục đích mang theo và triển khai được nhiều thiết bị, nó còn giúp cân bằng tàu khi tiến hành đo đạc bằng sonar. Tàu chỉ cần mang theo 40 thủy thủ và nhân viên, trong đó có 5 nhân viên người Mỹ chuyên phụ trách xử lý các thiết bị nghe, nhìn và đo đạc.
Con tàu này là sản phẩm điển hình của hợp tác quân sự Mỹ - Nhật, các thông tin tình báo thu thập được đều được chia sẻ cho cả 2 bên, ngoài ra trên tàu Nhật còn có cả những người Mỹ tham gia theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Nó được Nhật - Mỹ mệnh danh là “cái chết bất ngờ trên mặt nước” đối với các loại tàu ngầm Trung Quốc.
Ngoài ra, hiện nay Mỹ cũng có 1 tàu thuộc loại này đang triển khai ở Nhật Bản, là Tàu quan trắc biển USNS Impeccable (T-AGOS-23) của hải quân Mỹ. Chính tàu này đã phối hợp với tàu của Nhật phát hiện ra Trung Quốc đã sử dụng 2 lần chiếc tàu ngầm lớp Nguyên và 1 lần chiếc tàu ngầm hạt nhân tiến sát vào khu vực tiếp giáp lãnh hải của Nhật vừa qua.