Trong ngày 7/3, hai chiếc tàu chiến của Hải quân Myanmar, một khinh hạm và một hộ tống, sẽ đến cảng Visakhapatnam của Ấn Độ và ở lại đó trong 4 đến 5 ngày, trong thời gian này, thủy thủ trên tàu sẽ giao lưu với các sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh Hải quân miền Đông Ấn Độ.
Sau đó, hai tàu Hải quân Myanmar, cùng với hai tàu chiến của Ấn Độ sẽ tiến hành phối hợp tuần tra chung tại khu vực gần quần đảo Coco, quần đảo được cho một địa điểm quan sát của Trung Quốc.
Mặc dù có những tranh cãi xung quanh quần đảo Coco, nhưng cuộc tuần tra chung vẫn sẽ được tiến hành tại khu vực này vì nó nằm gần đường hải giới giữa Ấn Độ và Myanmar. Cuộc tuần tra sẽ kiểm tra các ngư dân hoạt động bất hợp pháp, bọn buôn lậu và các nhóm chống đối.
Theo ANTĐ, cuộc diễn tập song phương này diễn ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony đến Myanmar hồi tháng 1 với mục đích là tiếp cận sâu hơn vào một nước đang chịu ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc.
Cảng Sittwe của Myanmar được cho là một trong những mắt xích trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc, với chiến lược này Trung Quốc được cho là có kế hoạch sử dụng các cảng Gwadar (Pakistan), Hambantota (Sri Lanka) và Sittwe để giám sát Ấn Độ.
Việc bàn giao quản lý cảng Gwadar gần đây cho một công ty Trung Quốc đã được ông Antony miêu tả là một vấn đề đặc biệt quan tâm đối với chính phủ Ấn Độ. Cảng Gwadar nằm ở cửa Vịnh Persian và cách Eo biển Hormuz khoảng 400 km, một tuyến đường cung cấp dầu quan trọng của thế giới.
Trong khi đó, quan hệ Myanmar - Nga ngày càng được củng cố khi trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 4/3 vừa qua, hai bên đã cam kết thúc đẩy mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, và đặc biệt là hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Quân đội Myanmar được trang bị chủ yếu vũ khí các loại vũ khí do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất, nhưng phần lớn đã cũ.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ quân sự giữa hai nước tiếp tục được cải thiện. Myanmar cũng đã đặt nhiều đơn hàng mua máy bay chiến đấu và trang thiết bị quân sự của Nga.
Trong một diễn biến khác, Mỹ cũng đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ đồng minh chiến lược thân thiết về lâu dài với Ấn Độ. Ngày 5/3 vừa qua, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Samuel J. Locke Lyle cho biết, chỉ có Ấn Độ mới đủ khả năng trở thành “người bảo hộ” an ninh trong khu vực của chính họ, tức Ấn Độ Dương, mà Mỹ lại rất hoan nghênh điều đó.
Xây dựng mối quan hệ đồng minh thân thiết với Ấn Độ hiện đã trở thành vấn đề có tính cấp thiết, vừa giúp ích cho Ấn Độ mà cũng có lợi cho Mỹ, Tư lệnh Locke Lyle chốt lại.