Theo phóng viên của “Thời báo Hoàn Cầu” tham dự tại triển lãm, các loại máy bay huấn luyện tương tự có khả năng cạnh tranh với Yak-130 gồm có: Máy bay huấn luyện cao cấp của Công ty hàng không Xương Hà, thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc; máy bay huấn luyện cao cấp M-346 của Công ty Alenia Aermacchi - Italia và máy bay huấn luyện cao cấp T-50 của Công ty công nghiệp hàng không Hàn Quốc.
Về máy bay huấn luyện L-15, tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012, phóng viên của “Thời báo Hoàn Cầu” đã phỏng vấn ông Mã Chí Bình - Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc. Ông này cho biết, sang năm 2013, L-15 sẽ tìm được khách hàng quốc tế đầu tiên, Tập đoàn của ông hy vọng trong vòng 3 năm nữa sẽ tìm kiếm được ít nhất là 3 khách hàng.
Trong số các máy bay huấn luyện hiện diện tại Triển lãm hàng không Paris 2013, Yak-130 của Nga đang chiếm ưu thế rất lớn, loại máy bay này đã từng giành được nhiều hợp đồng trong và ngoài nước. Từ khi chính thức trang bị cho lực lượng không quân Nga vào tháng 2 năm 2010, không quân Nga đã đặt mua 55 chiếc, 12 trong số này đã được bàn giao trong năm 2012. Hiện nay, không quân Nga tiếp tục đặt mua thêm 65 chiếc nữa, giao hàng trước năm 2020.
Hiện nay, Ấn Độ và rất nhiều quốc gia khác đang bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến loại máy bay chiến đấu - huấn luyện này bởi vì, ngoài chức năng huấn luyện cho phi công máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 và thứ 5 ra, nó còn được trang bị rất nhiều loại vũ khí để nhanh chóng biến thành một loại máy bay tiến công có uy lực.
Yak-130 được triển khai 9 điểm treo vũ khí với tải trọng bom đạn mang theo hơn 3 tấn, có thể nhanh chóng lắp đặt vũ khí để biến thành một máy bay tiêm kích hạng nhẹ hiện đại. Chính điều này đã tạo nên sức hút rất lớn với không quân các nước có ngân sách eo hẹp như Algeria, Indonesia, thậm chí là cả Ấn Độ.
Đến nay, cùng với khoảng 120 chiếc được không quân trong nước đặt mua, Nga đã giành được ít nhất là 3 hợp đồng xuất khẩu loại máy bay này ra nước ngoài. Ngoài hợp đồng đầu tiên năm 2011 không được công khai, trong năm 2012, Nga đã bán cho không quân Algeria 16 chiếc và được không quân nước này đánh giá rất cao. Tháng 3 năm nay, không quân Bangladesh cũng đã đặt mua 24 chiếc máy bay huấn luyện này.
Trong kế hoạch xuất khẩu trung hạn, Nga đã đặt mục tiêu xuất khẩu ít nhất 250 chiếc máy bay chiến đấu - huấn luyện Yak-130. Hiện nay, Công ty Irkut đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh để tăng cường tiêu thụ ở thị trường Nam Mỹ. Hiện họ đang đề xuất 1 gói khuyến mãi rất hấp dẫn cho không quân Brazil là bán 1 lô với số lượng nhỏ, còn lại sẽ chuyển giao công nghệ và cấp giấy phép cho nước này tự sản xuất.
“Thời báo Hoàn Cầu” lo lắng, nếu như kế hoạch này được thực hiện, Công ty Irkut lại gây dựng được một mô hình “Ấn Độ mua quyền sản xuất Su-30MKI” thứ 2 ở Nam Mỹ, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu công nghiệp quốc phòng Nga tiếp tục bành trướng thế lực tại khu vực này, tiếp theo sự thành công của máy bay S-30, MiG-29, MiG-31 và các loại máy bay trực thăng khác.