Trung Quốc lần đầu lộ diện thiết bị “bắt chết” tàu ngầm Mỹ

Thắng Nam |

Truyền thông Hồng Kông vừa tiết lộ việc Trung Quốc đã rải các thiết bị thu âm thanh thuộc hệ thống giám sát dưới đáy biển để bắt tàu ngầm Mỹ phải “ngoi lên mặt nước”.

Trung Quốc lợi dụng diễn tập để rải thiết bị giám sát âm thanh?

Theo thông tin trên tờ “The Sun” của Hồng Kông, quan hệ Trung-Mỹ đang ngày càng căng thẳng sau khi đích thân tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ lên máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon tuần tiễu Biển Đông, Quân đội Trung Quốc đã đáp trả lại bằng cuộc tập trận rất lớn.

“The Sun” cho biết, hơn 10 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận đổ bộ lập thể rất lớn trên Biển Đông. Đây là phương thức đổ bộ liên hợp gồm tàu đổ bộ cỡ lớn, trực thăng vận tải và các phương tiện vượt sóng cao tốc như tàu đổ bộ đệm khí.

Vừa qua, Cục Hải sự Trung Quốc đã phát đi bản tin “Cảnh báo hàng hải” cho biết hải quân nước này sẽ tiến hành một cuộc diễn tập quân sự từ ngày 22 đến 31/7, tại khu vực biển phía đông đảo Hải Nam, cấm toàn bộ tàu bè hành trình vào địa điểm này.

Thông tin chính thống của Trung Quốc cho biết, các binh chủng thuộc lực lượng hải quân nước này như lính thủy đánh bộ, tàu đổ bộ và trực thăng đổ bộ đã liên hợp tiến hành cuộc tập trận tác chiến, bao gồm các khoa mục đổ bộ lập thể.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, cuộc tập trận trên là lần đầu tiên hải quân nước này công khai sử dụng tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới Zubr, mua từ Ukraine.

Mô hình hệ thống giám sát tàu ngầm của Trung Quốc

Bức ảnh chụp mô hình hệ thống giám sát tàu ngầm của Trung Quốc

Tuy nhiên, một điểm đặc biệt quan trọng là trong cuộc tập trận này, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành xây dựng một bức “trường thành dưới đáy biển”.

Bài viết trên hàng loạt trang mạng gồm Đông Phương, Thời báo Hoàn Cầu, Chinanews cho biết, hải quân Trung Quốc đã rải các thiết bị thu âm thanh dưới đáy biển, nhằm xây dựng mạng lưới giám sát âm thanh rộng khắp, tàu ngầm Mỹ “thò đầu” khỏi Guam là lập tức bị phát hiện.

Cũng trong ngày 25/7, truyền thông nước này cũng tung ra một bức ảnh (chưa rõ chụp lúc nào) về hình mẫu “Mạng lưới quan trắc dưới đáy biển” Trung Quốc, ám chỉ việc Bắc Kinh đang xây dựng một mô hình hệ thống giám sát âm thanh dưới đáy biển.

Các chuyên gia quân sự Đại Lục bình luận, việc hệ thống giám sát âm thanh tàu ngầm dưới đáy biển được đưa vào sử dụng sẽ đưa khả năng trinh sát chống ngầm của Trung Quốc lên “một tầm cao mới”, mà không nhiều cường quốc hải quân trên thế giới làm được.

Thậm chí có chuyên gia bình luận, phối hợp với khả năng giám sát của máy bay tuần tiễu săn ngầm Cao Tân-6 (GX-6), các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles của Mỹ vừa “lò dò” ra khỏi căn cứ trên đảo Guam là bị hệ thống giám sát này bắt “nổi lên mặt nước”.

Xu hướng sử dụng hệ thống giám sát âm thanh tàu ngầm

Hiện nay, đa phần các quốc gia trên thế giới sử dụng mô hình trinh sát chống ngầm kết hợp giữa tàu hộ vệ săn ngầm, trực thăng chống ngầm và máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định.

Trong số này, 2 phương tiện trên xuất phát từ ngoài biển, còn phương tiện thứ 3 xuất phát từ các căn cứ trên bờ. Tuy nhiên, các phương tiện chống ngầm này cũng có những hạn chế nhất định:

2 loại đầu có phạm vi tác chiến và thời gian tuần tiễu ngắn, khả năng quan trắc của thiết bị cũng không xa, nên chỉ có hiệu quả chống ngầm tầm gần hay ở những khu vực đã nghi ngờ có sự xuất hiện của chúng.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm tuy có phạm vi hành trình xa, thời gian lưu không dài, nhưng với những vùng biển rộng, số lượng sonar khoảng 100 chiếc là khá ít ỏi, chỉ đủ rải trên những vùng biển quan trọng hay khu vực nghi ngờ có sự xuất hiện của tàu ngầm địch.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định cũng không đủ lấp kín các vùng biển
Máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định cũng không đủ lấp kín các vùng biển

Bởi vậy, một xu hướng mới (trừ Mỹ và Nga hiện đã có) đang xuất hiện là việc sử dụng các hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển để bảo vệ các khu vực quan trọng, hay những luồng đường chính yếu mà tàu ngầm phải đi qua. Và Trung Quốc cũng đã xây dựng hệ thống này.

Hệ thống bao gồm hàng nghìn thiết bị thu nhận âm thanh dạng sonar được rải khắp một hay nhiều vùng biển trên thế giới, được liên kết bởi hệ thống cáp điện hay cáp quang. Bất cứ âm thanh nào lọt vào khu vực phủ sóng của chúng đều được thu nhận, lọc và chuyển về trạm xử lý.

Đây là các trạm phân tích số liệu, với cơ sở dữ liệu âm thanh của nhiều loại tàu ngầm khác nhau, tại những vùng biển khác nhau.

Căn cứ vào thời gian và vị trí truyền tín hiệu về, các trạm này sẽ phân tích, so sánh mẫu và xác định nguồn âm thanh, vị trí và cự ly của chúng tới thiết bị cảm biến.

Sau khi đã xác định đúng âm thanh hoặc là những xung động từ chân vịt, động cơ… của tàu ngầm, các trạm này sẽ truyền dẫn số liệu đến trung tâm điều phối để chỉ huy, điều động phương tiện săn ngầm phù hợp nhanh chóng đến khu vực đó, bắt tàu ngầm “phải hiện nguyên hình”.

Việc sử dụng hệ thống thiết bị này để giám sát tàu ngầm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nó có thể bảo vệ những vùng biển và luồng tuyến giao thông quan trọng, chống lại sự xâm nhập của tàu ngầm đối phương một cách thường xuyên liên tục.

Đây chính là điều mà những phương tiện săn ngầm trên mặt nước không làm được.

Ngoài ra, việc rải các thiết bị này cũng rất đơn giản, không cần đến tàu chiến mà chỉ cần dùng những tàu mẹ đóng vai trò tàu buôn, tàu nghiên cứu khoa học lang thang trên các vùng biển… là có thể làm được.

Tuy nhiên điểm hạn chế lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là họ chỉ có khả năng tiến hành xây dựng hệ thống này ở những vùng biển gần, có thể dễ dàng lắp đặt hệ thống cáp truyền tải thông tin hay lợi dụng các đường truyền thông tin dân sự sẵn có.

Bởi vậy, việc chuyên gia Bắc Kinh tuyên bố có thể “bắt chết” tàu ngầm Mỹ ngay từ Guam, với khoảng cách xa hơn 3.000 km có thể là hơi khoa trương.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đã phát triển được hệ thống các thiết bị giám sát âm thanh dưới đáy biển ít nhất cũng khiến hải quân nước này đủ khả năng giám sát mọi tàu ngầm trên biển Đông hay biển Hoa Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại