Trung Quốc làm được điều Đài Loan thành công từ 1975

Không quân Trung Quốc vừa tung hô ầm ĩ chuyến cất, hạ cánh thành công của máy bay chiến đấu trên đường cao tốc - điều mà Đài Loan đã làm được từ 39 năm trước.

Ngày 25/5, máy bay quân dụng của Đại lục đã cất, hạ cánh thành công lần đầu trên tuyến đường cao tốc Trịnh Châu - Dân Quyền thuộc tỉnh Hà Nam - Trung Quốc, đồng thời các trạm nghỉ dọc tuyến đường cũng được trưng dụng thành điểm tập kết trực thăng quân sự.

Để đảm bảo chiến đấu trong tình huống sân bay quân sự bị tấn công, Trung Quốc đã cho lực lượng chiến đấu cơ luyện tập cất - hạ cánh trên đường cao tốc tuyến Trịnh Châu - Dân Quyền, thuộc tỉnh Hà Nam ngày 25/5 vừa qua.

Sau cuộc thử nghiệm thành công này, con đường trên có thể được sử dụng làm đường băng quân sự dự bị cho các máy bay vận tải quân sự và dân sự sử dụng trong các tình huống khẩn cấp và trong các cuộc tập trận và huấn luyện cho máy bay quân sự.

Tham gia cuộc thử nghiệm lần này có các máy bay chiến đấu Su-27UBK, máy bay vận tải hạng nhẹ Y-7 (sao chép mẫu An-26 của Liên Xô), trực thăng quân sự Z-9. Tất cả các loại máy bay tham gia huấn luyện đều đã cất, hạ cánh thành công trên tuyến đường cao tốc này.

Máy bay chiến đấu Su-37UBK hạ cánh thành công

Máy bay chiến đấu Su-27UBK hạ cánh thành công

Tuy nhiên ít người biết rằng, thành công rực rỡ của không quân Trung Quốc đã được Đài Loan sớm thực hiện từ 39 năm trước.

Đài Loan có hệ thống quốc lộ dày đặc, tổng chiều dài hơn 20.000km. Trong đó, đường quốc lộ có 2 tuyến là đường cao tốc Trung Sơn và cao tốc Bắc Nghi, tổng chiều dài 481km.

Cao tốc Bắc Nghi (nằm trên tuyến quốc lộ 5) là tuyến đường cao tốc nối Đài Bắc và Nghi Lan, phía bắc bắt đầu từ khu Tịch Chỉ, thành phố Tân Bắc, kết thúc tại thị trấn Tô Áo của huyện Nghi Lan, với tổng chiều dài toàn tuyến là 108km.

Cao tốc Trung Sơn thông xe vào tháng 10 năm 1974, là huyết mạch chính của hệ thống giao thông trên bộ Đài Loan. Phía bắc bắt đầu từ thành phố Cơ Long kéo dài đến thành phố Cao Hùng ở phía nam với tổng chiều dài 373km, đi qua hơn mười huyện thị đồng thời kết nối ba hải cảng quốc tế Cơ Long, Đài Trung, Cao Hùng và hai sân bay quốc tế Đào Viên và Cao Hùng.

Máy bay chiến đấu Su-37UBK cất cánh thành công

Máy bay chiến đấu Su-27UBK cất cánh thành công

Theo tin của tờ “Vượng Báo” - Đài Loan, ngay từ ý tưởng xây dựng ban đầu tuyến đường cao tốc Trung Sơn trên quốc lộ 1 vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Đài Loan đã thiết kế những đường băng chiến đấu, chạy dọc từ bắc đến nam hòn đảo này.

Hệ thống đường quốc lộ có thể cất, hạ cánh máy bay chiến đấu trên tuyến cao tốc Trung Sơn như sau: Đoạn Trung Lịch thuộc huyện Đào Viên; đoạn Dương Mai (đã bỏ năm 2006); đoạn Hồ Khẩu thuộc huyện Tân Trúc; đoạn Hoa Đàn thuộc huyện Chương Hoa; đoạn Đại Lâm thuộc tuyến Dân Hùng, Gia Nghĩa; đoạn Ma Đậu và Nhân Đức thuộc Đài Nam.

Ngay sau khi hoàn thành đường cao tốc Trung Sơn, không quân hòn đảo này đã nhanh chóng thử nghiệm cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên đường băng quân sự dự bị thuộc đoạn Trung Lịch.

Năm 1974, đoạn Tam Trọng - Trung Lịch trên cao tốc Trung Sơn được thông xe thì đến tháng 11 năm 1975, không quân Đài Loan điều khiển máy bay chiến đấu F-5E, máy bay huấn luyện T-33A hạ cánh an toàn tại đường băng dự bị Trung Lịch. Năm đó, căn cứ không quân Tân Trúc đã điều động máy bay thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sức chịu tải của “đường băng”.

Máy bay vận tải Y-7 chuẩn bị tiếp đất

Máy bay vận tải Y-7 chuẩn bị cất cánh

Năm 2004, trong cuộc diễn tập “Hán Quang 20”, quân đội Đài Loan đã lần đầu tiên phong tỏa đoạn đường cao tốc Nhân Đức, hạ cánh thử hai máy bay chiến đấu Mirage-2000 sau khi hạ cánh lập tức tiến hành tiếp dầu, lắp bom đạn rồi tiếp tục cất cánh.

Trong cuộc diễn tập “Hán Quang 23” năm 2007, máy bay chiến đấu Mirage-2000, F-16 và máy bay “Kinh Quốc” cũng đã hoàn thành diễn tập cất hạ cánh trên đường quốc lộ tại đoạn Hoa Đàn.

Đặc biệt là, sau khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008, liên tiếp ba cuộc diễn tập quân sự “Hán Quang” đều có các khoa mục huấn luyện máy bay chiến đấu cất, hạ cánh, tiếp liệu và lắp ráp bom đạn trên đường cao tốc, được Tạp chí Địa lý quốc gia ghi nhận kỷ lục.

Máy bay trực thăng Z-9 hạ cánh tại điểm dừng xe

Máy bay trực thăng Z-9 hạ cánh tại trạm nghỉ dọc đường

Năm 2011, không quân Đài Loan đã tiến hành 2 cuộc diễn tập, lần lượt tiến hành cất, hạ cánh máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng vận tải hạng nặng bổ sung vật tư bằng phương pháp cẩu treo, tại đường băng Ma Đậu trong khuôn khổ diễn tập “Hán Quang 27” và đoạn Giai Đông thuộc tỉnh lộ số 1, trong cuộc diễn tập “Trường Thanh 12”.

Trong trong cuộc diễn tập “Trường Thanh 12”, không quân Đài Loan đã lần đầu tiên tiến hành tập luyện hạ cánh máy bay chiến đấu, máy bay vận tải cỡ lớn trên đoạn Giai Đông, kể từ khi đoạn đường tỉnh lộ này được xây dựng.

Ngoài ra, vào tháng 9 năm nay, Đài Loan cũng có dự định tổ chức huấn luyện cất, hạ cánh cho máy bay chiến đấu tại đoạn Đại Lâm thuộc Dân Hùng, Gia Nghĩa trong khuôn khổ cuộc diễn tập quân sự “Hán Quang 30”.

Máy bay trực thăng Z-9 hạ cánh trên đường

Máy bay trực thăng Z-9 hạ cánh trên đường

Yêu cầu về đường băng quân sự dù thời bình hay thời chiến đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn là sức chịu tải 100 tấn, độ dốc nhỏ hơn 1 độ, độ dài ít nhất là 2km. Nền đường băng quân sự Đài Loan được làm hoàn toàn bằng xi măng, độ dày hơn 40cm, tính năng thoát nước ưu việt hơn mặt đường bình thường.

Ngoài ra nó còn thỏa mãn một số tiêu chí quan trọng khác như: Các giao lộ lân cận đều có nền đường cao, để khi có chiến sự, máy bay hạ cánh xong có thể di chuyển xuống hầm trú ẩn ở phía dưới là các cầu cống, sử dụng như một lô cốt trú ẩn tạm thời.

Ở giữa đường và hai bên lề đường không được lắp đặt hệ thống cột đèn. Trên mặt đường có hệ thống đèn đường băng kiểu che dấu, sử dụng khi máy bay cất, hạ cánh ban đêm. Tuy nhiên, các đường băng quân sự phải gần các căn cứ không quân để tiện vận chuyển bổ sung, tiếp dầu và lắp đặt bom đạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại