Ngay trong những ngày đầu năm 2013, khi cả thế giới hân hoan đón chào năm mới trong hy vọng thì Trung Quốc liên tiếp có những hành động “khai màn” bằng những bước đi gây hấn báo hiệu một năm khó yên ả ở Biển Đông. Vùng biển nóng bỏng này chưa phải đã hết nguy cơ khi mà Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách lấn tới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông như hiện tại.
Diễn biến khó lường
Tàu chiến Liuzhou Type 054A đã được đưa vào biên chế hạm đội Nam Hải
Trong một động thái thể hiện quyết liệt trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa tàu chiến Liuzhou Type 054A hiện đại nhất của Trung Quốc vào biên chế của Hạm đội Nam Hải thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Vì Liuzhou được chỉ huy bởi Hạm đội Nam Hải đóng tại Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, các nhà phân tích cho rằng, nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lợi” của họ ở các khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Trung Quốc còn cấp thêm nhiều tàu cho đội hải giám ở Biển Đông và Hoa Đông.
Đúng ngày đầu năm, 1-1-2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành tuần tra vùng tranh chấp ở Biển Đông, chính thức thực thi luật gây tranh cãi trong đó cho phép lực lượng cảnh sát nước này chặn và bắt giữ tàu nước khác ở khu vực tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Trong một bước leo thang hơn nữa ở Biển Đông, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành một loạt cuộc tập trận tăng cường khả năng chiến đấu ở nơi mà nước này gọi là “thành phố Tam Sa” nhưng thực chất là bao gồm một loạt quần đảo tranh chấp trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việc Trung Quốc liên tiếp có những hành động “gây bão” làm nóng căng thẳng ở Biển Đông đã đem đến một dự báo diễn biến khó lường của các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển này.
Trong khi các nước có tranh chấp ở Biển Đông luôn tìm cách nỗ lực giải quyết các cuộc tranh chấp của mình thông qua con đường ngoại giao, hòa bình thì Trung Quốc liên tục có những động thái mạnh mẽ trong tranh chấp ở khu vực biển Đông khiến tình hình không thể êm ả.
3 kịch bản cho biển đông năm 2013
Năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục là năm sóng gió ở Biển Đông với sự “khuấy động” mạnh mẽ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, khả năng xảy ra xung đột là rất thấp bởi lẽ, mặc dù Trung Quốc là nước lớn và đang mạnh lên nhưng các đối thủ của Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường sức mạnh. Các đối thủ của Trung Quốc không chỉ tăng cường sức mạnh chiến đấu mà còn thể hiện một sự quyết tâm, cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền.
Trong khi ngang nhiên đưa tàu hải giám ra tuần tra vùng tranh chấp đồng thời thực thi một luật bị cộng đồng quốc tế phản đối, Trung Quốc vẫn ngang ngược yêu cầu Việt Nam không được áp dụng Luật Biển mới. Điều đáng kinh ngạc là Trung Quốc phản đối và bày tỏ lo ngại với Luật Biển của Việt Nam khi mà luật này được xây dựng tương thích cao với Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982.
Với những diễn biến ở trên, chắc chắn ai cũng có thể nhận thấy rõ, nước nào mới là nhân tố gây căng thẳng và làm leo thang tình hình ở Biển Đông. Việt Nam luôn thể hiện một lập trường chắc chắn, kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, tuân thủ nghiêm túc UNCLOS 1982 và không gây căng thẳng trong khu vực.
Trong diễn biến khác, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc DK Joshi khẳng định, nếu cần thiết, Hải quân nước này sẽ can thiệp để bảo vệ hoạt động đầu tư khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí ONGC Videsh ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
“Chúng tôi không phải là một bên liên quan trực tiếp. Không có lợi ích lãnh thổ của chúng tôi. Mối quan tâm chính của chúng tôi là tự do hàng hải. ONGC cũng tham gia đầu tư khai thác một số lô dầu khí ở Biển Đông. Việc triển khai lực lượng hải quân ở đây là để bảo vệ lợi ích quốc gia của Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải”, Đô đốc Joshi tuyên bố.
Tuyên bố này của ông Joshi đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa quân sự và liên tiếp có những hành động gây hấn ở Biển Đông, gây quan ngại, bất bình trong cộng đồng quốc tế và khiến các nước láng giềng phản đối mạnh mẽ.
Tờ Jakarta Post của Indonesia phân tích ba kịch bản có thể diễn ra ở biển Đông năm 2013, sau khi đã "dậy sóng" nhiều lần trong năm 2012: Kịch bản “Ngày tận thế”, “Giấc mơ” và “Nguyên trạng”. Kịch bản “Ngày tận thế” là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đó là cuộc xung đột nổ ra giữa các bên tranh chấp và sẽ có sự tham dự của cường quốc số một thế giới - Mỹ.
Kịch bản “Giấc mơ” là khi vấn đề chủ quyền lãnh thổ được giải quyết hoàn toàn một cách hòa bình và tất cả cùng có lợi. Để kịch bản này xảy ra, các bên tranh chấp sẽ phải có quan điểm thực tế và phải đạt được các thỏa thuận.
Kịch bản “Nguyên trạng” là kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong vòng 10 năm tới. Đó là các bên tranh chấp có thái độ không mặn mà lắm trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, giữ nguyên trạng và duy trì sự ổn định.
Những thông tin hiện nay cho thấy, khả năng xung đột lớn xảy ra là rất nhỏ. Theo các nhà phân tích quân sự thuộc IHS Jane’s, các nước Đông Nam Á, trong đó có những nước đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang mạnh tay tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Cụ thể, năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của các nước Đông Nam Á đã tăng 13,5% lên 24,5 tỷ USD. Con số này được cho là sẽ tăng lên 40 tỷ USD vào năm 2016. Điều này sẽ ngăn không cho nước lớn như Trung Quốc gây sức ép mạnh mẽ lên những nước nhỏ hơn đang có tranh chấp ở Biển Đông để chiếm khu vực lãnh thổ mà họ đòi chủ quyền.
Một yếu tố khác, đó là Mỹ. Chiến lược hướng trọng tâm của Mỹ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được khởi động từ năm 2009 đang được triển khai mạnh mẽ trong khu vực, bao gồm các cam kết giữ cho tất cả các bên đang có tranh chấp trong tầm kiểm soát vì Biển Đông là khu vực có giá trị về mặt kinh tế và chiến lược rất cao. Gần 1/3 các hoạt động thương mại hàng hải của thế giới phải đi qua khu vực này.
Thực tế, Trung Quốc không chỉ có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước Đông Nam Á, mà nước này còn có tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Việc Trung Quốc có quá nhiều cuộc tranh chấp trên biển như vậy khiến nước này buộc phải giữ cho mọi thứ không vượt quá khỏi tầm kiểm soát, bởi việc dính líu vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng không có lợi cho sự phát triển của họ.