Nhật đã quyết định mua tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ
Tờ “Sankei Shimbun” của Nhật ngày 3/8 đưa tin, Bộ quốc phòng nước này đã quyết định mua tàu đổ bộ tấn công (LHD) 4 vạn tấn thuộc lớp Wasp của Mỹ. Trong dự toán ngân sách quốc phòng Nhật năm 2014 đã có khoản chi điều tra hiệu quả sử dụng, sang năm 2015, Nhật sẽ chính thức ký hợp đồng với Mỹ về việc mua lại con tàu này.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất một số hạng mục cải tạo, nâng cấp, dự kiến đến năm 2019, tàu đổ bộ lớp Wasp sẽ được chính thức biên chế trong lực lượng tự vệ trên biển của Nhật. Là chiến hạm có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất, nó sẽ tăng cường rất mạnh năng lực bảo vệ các cụm đảo tây nam Nhật Bản cho hải quân nước này.
Hồi tháng 12/2013, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua kế hoạch điều chỉnh lực lượng phòng vệ giai đoạn trung hạn của nước này. Trong kế hoạch này, Bộ quõc phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các tàu đổ bộ đa chức năng để vận chuyển binh lực với quy mô lớn, nhằm tăng cường chi viện cũng như bảo vệ các đảo nhỏ xa xôi.
Trong chuyến thăm Mỹ ngày 6/7 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsuinori Onodera đã xuống thăm tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp LHD-8 USS Makin Island ở San Diego, bang California và biểu thị, Nhật Bản xem các tàu tấn công đổ bộ này như là những tàu vận tải đa năng để cơ động các đơn vị cần thiết nhanh chóng triển khai để bảo vệ các đảo.
Ông Onodera cho rằng, các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp được tích hợp tthêm tính năng của tàu đổ bộ trực thăng, tàu đổ bộ dock, tàu vận tải đổ bộ, tàu bệnh viện…, sẽ là công cụ đắc lực để ngăn chặn hành động xâm lược tiềm năng của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông.
Hiện nay Mỹ đang có 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp (LHD), bao gồm: USS Wasp (LHD-1); USS Essex (LHD-2); USS Kearsage (LHD-3); USS Boxer (LHD-4); USS Batan (LHD-5); USS Bonhomme Richard (LHD-6); USS Iwo Jima (LHD-7) và USS Makin Island (LHD-8).
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm tàu USS Makin Island
Các tàu lớp này có lượng giãn nước 41.150 tấn, chiều dài 253,2m, rộng 31,8m, mớn nước 8,1m, tốc độ 25 hải lý/h (41km/h), phạm vi hoạt động 9500 hải lý (17.600km) với tốc độ 33km/h, tổng biên chế 1894 người, chuyên chở thêm 1208 lính hải quân đánh bộ. Nó được trang bị cả hệ thống phóng tên lửa Mk-31 và hệ thống phóng thẳng đứng Mk-57.
Tàu này có thể mang theo từ máy bay phản lực cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) lẫn các máy bay trực thăng vận tải, săn ngầm…, chuyên chở cả các xe tăng, thiết giáp, xe tải lẫn các tàu, xuồng đổ bộ. Ngoài ra, nó còn có cả 6 phòng phẫu thuật, phòng điều trị bệnh nặng (17 giường) và 47 giường điều trị bình thường.
Năng lực chuyên chở máy bay của các tàu đổ bộ lớp Wasp bao gồm: 6 chiếc máy bay phản lực cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier II, 4 máy bay trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 12 máy bay trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc 4 chiếc máy bay vận tải cánh quạt lật MV-22 Osprey, 4 máy bay trực thăng CH-53 Sea Stallion, 3-4 trực thăng UH-1N Huey.
Máy bay chiến đấu trên tàu đổ bộ tấn công AV-8B Harrier II
Khi tham gia nhiệm vụ đổ bộ tấn công lính thủy đánh bộ, tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp sẽ thay đổi biên chế như sau: 42 chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc hơn 22 chiếc MV-22 Osprey. Còn khi đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát biển, các tàu lớp LHD sẽ mang theo 20 máy bay phản lực tấn công AV-8B Harrier II và 6 chiếc trực thăng chống ngầm SH-60F/HH-60H.
Tuy nhiên, nếu chỉ có như thế thì tàu đổ bộ lớp này cũng chẳng phải là quá mạnh. Những máy bay trực thăng vận tải, kể cả siêu máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 Ospey cũng không phải là cái gì quá đáng sợ với Trung Quốc, các máy bay phản lực cất, hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier II cũng thuộc hạng “quá date”, cái mà Trung Quốc sợ còn nằm ở phía trước.
Trung Quốc sợ cặp song sát F-35 Wasp - Izumo
Tháng 6/2013, Hải quân Mỹ đã chính thức xác nhận một thông tin rất đáng chú ý là họ đang tiến hành một loạt các cải tiến mặt boong chứa máy bay và các hạng mục khác trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp (LHD) để thay thế các máy bay thế hệ cũ AV-8B Harrier II bằng các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35B.
Máy bay vận tải cảnh quạt lật MV-22 Osprey hạ cánh trên tàu đổ bộ lớp Wasp
Trong một buổi họp báo bên lề Triển lãm quốc phòng hải quân quốc tế châu Á 2013 (IMDEX) tổ chức tại Singapore, Tư lệnh hải quân Mỹ - Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Mỹ đang sửa đổi thiết kế boong chở máy bay và đường băng của loạt tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp để có thể chuyên chở loại máy bay tấn công tàng hình thế hệ thứ 5, cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) F-35.
Các quan chức hải quân Mỹ cho biết thêm, nội dung chủ yếu trong phương án sửa chữa thiết kế tàu đổ bộ tấn công LHD là để giảm bớt áp lực xuống mặt boong và môi trường xung quanh do khí xả ở bụng máy bay tăng mạnh khi cất, hạ cánh tạo nên.
Mô hình thoát khí và đặc tính bay của F35B đòi hỏi phải tiến hành gia cố các hệ thống chịu lực trên tàu; di chuyển vị trí hoặc loại bỏ một số thiết bị không cần thiết tránh xảy ra trường hợp khi máy bay cất, hạ cánh hoặc tác chiến có thể gây tổn hại đến các hệ thống antena, xuồng cứu sinh, lan can mạn tàu, lưới bảo vệ và trạm nhiên liệu JP-5.
Các máy bay chiến đấu thế hệ cũ AV-8B Harrier II sẽ được thay bằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35B
Ngoài ra, đặc tính nhiệt độ cao của F-35B cũng đòi hỏi phải gia cố lại mặt boong, làm chậm các luồng khí phản lực để giảm áp lực. Đồng thời, cũng phải thay đổi lớp sơn phủ bề mặt boong vì lớp sơn cũ không có khả năng chống ăn mòn khi tiếp xúc với các luồng khí phụt từ bụng máy bay để tạo lực nâng. Ngoài ra, hải quân Mỹ còn phải lắp đặt thêm một số thiết bị ổn áp và hệ thống chỉnh lưu.
Do khả năng thực hiện nhiệm vụ của F-35B đã được mở rộng rất nhiều nên các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp cũng cần phải nâng cao năng lực kho chứa và hệ thống vận chuyển đạn dược, đồng thời cũng phải cập nhật thêm chức năng cho các hệ thống thiết bị bảo đảm khác có liên quan đến không quân hạm.
Ngoài ra, một số thiết bị khác cũng có sự điều chỉnh, bao gồm: Hệ thống pháo phòng không tầm gần Phalanx, hệ thống tên lửa Ram, lắp đặt thêm hệ thống phóng tên lửa Sea Sparrow và tăng thêm các biện pháp bảo vệ trạm nhiên liệu. Hệ thống antenna thông tin vệ tinh WSC-8 cũng phải di dời đến vị trí khác, đồng thời tăng cường sử dụng hệ thống tạo bọt chữa cháy AFFF.
Nhật đã khởi đóng tàu đổ bộ tấn công thứ 2 lớp 22DDH
Với lượng giãn nước ngang với các tàu đổ bộ tiến công thế hệ mới nhất lớp America (LHA), sau khi được cải tạo xong, tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp sẽ được trang bị 10 chiếc F-35B, còn khi tham gia chiếm lĩnh các đại dương nó có thể mang theo tới 20 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này, trở thành biên đội đổ bộ máy bay chiến đấu có sức mạnh khủng khiếp.
Được biết, theo kế hoạch đưa ra cuối năm 2013, Tokyo có kế hoạch mua tàu đổ bộ tấn công lưỡng thê USS Essex (LHD-2) lớp Wasp của Hải quân đánh bộ Mỹ. Bộ quốc phòng nước này đã quyết định sẽ mang tàu đổ bộ tấn công này về Nhật trước năm 2018. Việc chậm triển khai 1 năm của nó rất có khả năng là để cải tạo thiết kế để thay AV-8B Harrier II bằng F-35B.
Khi mua loại tàu đổ bộ tấn công này về, cả tàu đổ bộ lớp Wasp và tàu đổ bộ lớp 22DDH của Nhật đều có khả năng mang theo máy bay chiến đấu F-35B (10 chiếc), hình thành “cặp song sát F-35B” rất mạnh, nhiệm vụ đổ bộ trực thăng sẽ được bàn giao cho các tàu đổ bộ trực thăng lớp khác, ví dụ như lớp Hyuga.
Khi đó, với hàng loạt tàu đổ bộ tấn công mang theo F-35B (đang đóng chiếc thứ 2 lớp 22DDH), lực lượng tác chiến trên biển của Nhật sẽ áp đảo hoàn toàn Trung Quốc - vốn chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh chưa có khả năng tác chiến và chưa hề có tàu đổ bộ tấn công nào. Vì thế, khi Tokyo định “rước” "cá sấu thép" (Steel Alligator) USS Essex (LHD-2) về, người Trung Quốc đã bắt đầu lo lắng.
F-35B thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA