Trung Quốc muốn buộc Mỹ phải lựa chọn
Theo tờ Defense One (trụ sở tại Washington, DC), Trung Quốc đang cố tạo ra một tình huống mà trong đó Mỹ, vì để tôn trọng luật pháp quốc tế, sẽ phải nhượng bộ các yêu sách lãnh thổ vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc gây chiến.
Bắc Kinh đang đánh cược rằng Mỹ sẽ không chọn nước cờ thứ 2 và quyền kiểm soát Biển Đông, cũng như tất cả các nguồn tài nguyên tại đây sẽ thuộc về Trung Quốc, phá vỡ tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Năm 1996, Mỹ điều 2 tàu sân bay tới gần Đài Loan, dẫn đến việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21.
Giờ đây, quyết định của Tổng thống Barack Obama khi điều tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông lại kích động một phản ứng phức tạp khác từ phía Bắc Kinh.
Trung Quốc từng tuyên bố ý định chế tạo tàu hải cảnh cỡ lớn để tuần tra “lãnh hải”, “bảo vệ” ngư trường và “duy trì pháp luật” trên biển (Thực chất, chúng là công cụ để Bắc Kinh thực hiện tham vọng bành trướng, áp đặt chủ quyền phi lý trên biển - PV).
Trên thực tế, theo Defense One, đây là một con tàu khổng lồ, cấu tạo và chức năng của nó vượt xa so với tiêu chuẩn thông thường của tàu hải cảnh.
Tàu hải cảnh 10.000 tấn của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên lớp Legend của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ có chiều dài 127m và lượng giãn nước 4.500 tấn. Trong khi đó, con tàu của Trung Quốc dài tới trên 152m và có lượng giãn nước hơn 10.000 tấn.
Theo thông tin rò rỉ, chiếc tàu này sẽ trang bị pháo 76mm và một số vũ khí nhỏ khác nhưng điều cần cảnh giác ở đây chính là nhiệm vụ thực sự của nó.
Con tàu này và những chiếc tàu tương tự kế tiếp được Trung Quốc chế tạo nhằm một mục đích: Xua đuổi những chiếc tàu khác trong khu vực.
Hình ảnh Trung Quốc lắp pháo 76mm cho tàu hải cảnh.
Mưu đồ bành trướng với tàu hải cảnh
Với những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đang đối đầu với các quốc gia khác ở châu Á.
Theo Defense One, các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc đã có hành vi đe dọa, đâm va tàu thuyền của các quốc gia khác trong khu vực.
Việc sử dụng các tàu hải giám và hải cảnh dưới mác “tàu thực thi pháp luật dân sự” là một phần trong chiến lược của Trung Quốc để che mắt dư luận quốc tế.
Nước này vờ rằng đó là hoạt động thực thi pháp luật “không gây hấn”, ngay cả khi ngang nhiên đe dọa đâm chìm và phá hủy tàu thuyền của các quốc gia khác.
Cho đến nay, Trung Quốc đã khá thành công với chiến lược dọa dẫm của mình, ngoại trừ 2 trường hợp:
Tháng 10/2015, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Tàu Lassen mang theo thông điệp rằng Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.
Tàu khu trục USS Lassen.
Tới tháng 1/2016, tàu khu trục Curtis Wilbur đã thực hiện đợt tuần tra tương tự khi đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm trái phép) để thể hiện quyền tự do hàng hải mà Bắc Kinh nhăm nhe phá hoại.
Trong đợt tuần tra đầu tiên, Trung Quốc đã điều 2 tàu hải quân theo sát tàu chiến Mỹ nhưng không dám can thiệp. Lần tuần tra thứ 2 có vẻ khiến Trung Quốc bất ngờ và không thấy tàu chiến nào của nước này cản trở tàu Mỹ.
Với lượng giãn nước 9.500 tấn, chiến hạm Lassen và Wilbur khiến Hải quân Trung Quốc không dễ gì xua đuổi được nhưng lợi thế này không thể kéo dài lâu.
Đã có một bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán trên biển, trong đó phân định bên nào sẽ “nhường đường” cho bên còn lại để tránh va chạm.
Tuy nhiên, cũng có một quy tắc “bất thành văn” rằng các tàu cỡ lớn hơn thường kém cơ động hơn và các tàu cỡ nhỏ nên chủ động “nhường đường” để tránh chúng.
Có vẻ quy tắc này có cơ hội ứng dụng tại các đại dương trên thế giới và Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng điều đó để thực hiện mục đích của mình.
Defense One nhận định, rõ ràng Trung Quốc có ý định dùng các tàu hải cảnh gắn mác dân sự để đáp trả hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, bằng cách đâm va các tàu chiến kích cỡ nhỏ hơn của Mỹ, buộc chúng ra khỏi vùng biển mà nước này đang tuyên bố chủ quyền phi lý.
Những hành động này sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ yêu sách của Trung Quốc hoặc buộc phải động binh dù điều này cho Bắc Kinh cái cớ để đóng vai “nạn nhân”.
Defense One cho rằng, Mỹ nên cân nhắc cải tiến thiết kế của các tàu 60.000 tấn đang đóng tại San Diego, cho phép chúng đảm nhận nhiệm vụ “ngăn chặn” (tàu đối phương) để các tàu chiến khác của Mỹ duy trì hoạt động tự do hàng hải.
Dự đoán động thái tiếp theo của Trung Quốc và cân nhắc phương án để không phải động binh trước sẽ cho phép Mỹ duy trì vị thế và đảm bảo hòa bình trong khu vực.