Nhà nghiên cứu Lye cho rằng, những chiến lược mới do Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp tại Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết tranh chấp tại khu vực này và những nỗ lực để tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông mà Tổng Thư ký mới của ASEAN, ông Lê Lương Minh, đang thúc đẩy.
Một trong những chiến lược mới đó là việc thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu và khí đốt tại Biển Đông, kể cả tại những khu vực mà các nước ASEAN đòi chủ quyền, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thí dụ, vào tháng 9/2010, Chevron China và BP China đã được bật đèn xanh cho việc khai thác dầu khí tại ba khu vực biển sâu là 42/05, 64/18 và 53/30 tại Biển Đông.
Vào tháng 5/2011, Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24).
Vào tháng 6/2012, Trung Quốc lại kêu gọi nước ngoài tham gia liên doanh khai thác dầu khí tại 9 khu vực trong Vùng Kinh tế Đặc quyền của mình, trong đó có cả khu vực mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.
Ông Lye chỉ ra một chiến lược mới khác mà Trung Quốc áp dụng, đó là uy hiếp và đánh đuổi các tàu nước ngoài tiến hành khảo sát, thăm dò hoặc đánh cá tại Biển Đông.
Vào tháng 3/2011, Philippines lên tiếng phản đối tàu tuần tra của Trung Quốc uy hiếp tàu khai thác dầu khí đang hoạt động tại khu vực cách tỉnh Palawan của Philippines 50 dặm.
Cũng trong năm 2011, Philippines cáo buộc tàu cá của Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines. Tương tự, Việt Nam thông báo rằng tàu hải giám của Trung Quốc đã cố tình cắt cáp của tàu khảo sát tại vùng biển của Việt Nam vào tháng 5/2011.
Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng thông thạo trong việc dùng các biện pháp hành chính và pháp lý để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, như việc tổ chức lễ chính thức thành lập thành phố Tam Sa vào tháng 7/2012 và thông qua luật vào tháng 11/2012 cho phép cảnh sát lên tàu của nước ngoài và buộc tàu quay về vì đi vào vùng biển của tỉnh Hải Nam trái phép.
Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp, từ gây sức ép về chính trị và ngoại giao đến tăng cường năng lực hải quân và thậm chí áp dụng các biện pháp kinh tế nhằm buộc đối phương phải nhượng bộ.