Số vũ khí được chuyển đến cảng Tú Anh, TP Hải Khẩu, thuộc tỉnh Hải Nam gồm máy bay chiến đấu J-10, máy bay vũ trang hạng nặng WZ-10, xe tăng lội nước Type 63A, xe chở tên lửa chống tăng, xe chỉ huy bọc thép.
Theo Tân Hoa Xã, đảo Hải Nam nhiều khả năng trở thành căn cứ quân sự chính của PLA nếu nước này đối mặt một cuộc xung đột ở biển Đông.
Vì thế, Bắc Kinh muốn giúp người dân trên đảo sẵn sàng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự bằng cách phô trương những hệ thống vũ khí tiên tiến nói trên.
Trước đó, hôm 11-5, tàu chiến Mỹ USS Fort Worth đã bị một tàu hộ vệ trang bị tên lửa dẫn đường của Trung Quốc bám theo trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 20-5, một chiếc máy bay tuần tra P-8 của Hải quân Mỹ lại bị hải quân Trung Quốc cảnh báo 8 lần trong khi đang thực hiện chuyến bay nhằm giám sát hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh tại biển Đông.
Báo Global Times sau đó lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến nếu Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ hoạt động cải tạo đất nói trên.
Bắc Kinh cũng mạnh miệng nói rằng không có bất kỳ quốc gia nào, thậm chí là Mỹ, có thể ngăn cản sự bành trướng của nước này ở biển Đông.
Chính vì vậy, việc triển khai các hệ thống vũ khí ở Hải Nam được cho là một động thái chính trị nhằm cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào.