Ngay từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ đã đưa ra phương thức chống ngầm thứ tư, tức là thiết lập một mạng lưới giám sát dưới đáy biển để ngăn chặn hạm đội tàu ngầm hạt nhân rất mạnh của Liên Xô.
Mạng lưới này đã được triển khai ở cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Mục đích triển khai kế hoạch này của cường quốc hải quân số 1 của thế giới là tìm một phương thức phát hiện sớm, từ rất xa những tàu ngầm thông thường và hạt nhân của đối phương.
Sau đó, hướng dẫn cho các phương tiện chống ngầm trên, hoặc bắt tàu ngầm nổi lên mặt nước, hoặc tấn công tiêu diệt chúng.
Hiện nay Mỹ và Nga là 2 cường quốc tàu ngầm số 1 và số 2 trên thế giới, ngoài ra Anh, Pháp, Đức cũng là những nước có công nghệ chế tạo tàu ngầm rất tiên tiến.
Để đối phó với những đối thủ mạnh mẽ như vậy, Hải quân Trung Quốc đã rất nỗ lực phát triển khả năng trinh sát, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định và mô hình mạng lưới giám sát tàu ngầm dưới đáy biển.
Đến nay, cả 2 kế hoạch đều đã đến đích, nâng khả năng tác chiến chống ngầm của Trung Quốc lên một tầm cao mới.
Bản Kế hoạch 861 trong “Chiến lược hải dương quốc gia”
Bắt đầu từ năm 1996, Trung Quốc đã đưa vào trong “Chiến lược hải dương quốc gia” bản kế hoạch mang mật danh số 861 nhằm phát triển các công nghệ giám sát trên biển.
Trong kế hoạch này, khả năng giám sát âm thanh bằng sonar dưới đáy biển đã đạt được những thành tựu to lớn. Trung Quốc đã thiết kế thành công mô hình giám sát 3 vùng biển với 3 trạm gốc đặt ở Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Năm 2005, Trung Quốc hoàn tất quá trình xây dựng và thực nghiệm “Hệ thống tìm kiếm và đo đạc tổng hợp cáp quang dưới đáy biển”.
Tuy nhiên, do vùng biển Hoàng Hải ở ngoài khơi Thanh Đảo có mực nước nông, cấu tạo địa mạo đáy biển tương đối bằng phẳng nên không thể kiểm nghiệm tối đa hiệu quả của hệ thống này, cần phải triển khai thực nghiệm ở những vùng biển khác.
Sau quá trình thăm dò kỹ lưỡng, các chuyên gia Trung Quốc đã xác định được khu vực ngoài khơi thị trấn Lê An của huyện Lăng Thủy, tỉnh Hải Nam là vùng biển gần Đại Lục nhất.
Nơi đây có độ sâu đạt yêu cầu, độ dốc lớn, cấu tạo đáy biển phức tạp, điều kiện thủy văn phong phú, là một trường thử nghiệm âm thanh và điều kiện hải dương rất tốt.
Tháng 4/2009, Viện nghiên cứu âm thanh thuộc Viện khoa học Trung Quốc chính thức thành lập “Trạm thực nghiệm âm thanh và quan trắc hải dương tổng hợp Nam Hải” (tên Trung Quốc đặt cho khu vực Biển Đông).
Không lâu sau, các kỹ sư công trình và kỹ thuật viên của Trung Quốc bắt đầu triển khai “Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ”, thuộc kế hoạch trọng điểm 863. Đến ngày 1/4/2010, việc triển khai hệ thống chính thức hoàn tất.
Sau khi xây dựng xong, Trung Quốc chính thức thành lập một mạng lưới trên không, trên biển và trên đất liền, được cấu thành bởi “Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ”.
Bên cạnh đó là các vệ tinh trinh sát, đo đạc và trạm tiếp nhận thông tin vệ tinh trên mặt đất, bao trùm toàn bộ cả các vùng biển sâu.
Trái tim của mạng lưới này là “Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ”, hay còn gọi là “Hệ thống kiểm tra, phân tích, đánh giá âm thanh dưới nước”, bao gồm hàng nghìn, hàng vạn sonar thu nhận sóng âm dưới đáy biển.
Hệ thống này bao gồm rất nhiều thiết bị thu nhận âm thanh dạng sonar được rải khắp một vùng biển hay nhiều vùng biển trên thế giới, được liên kết bởi hệ thống cáp điện hay cáp quang.
Bất cứ một âm thanh nào lọt vào khu vực phủ sóng của chúng đều sẽ được thu nhận, lọc và chuyển về trạm gốc. Đây là các trạm phân tích số liệu, với cơ sở dữ liệu âm thanh của nhiều loại tàu ngầm khác nhau, tại các vùng biển khác nhau.
Căn cứ vào thời gian và vị trí truyền tín hiệu về, các trạm này sẽ phân tích, so sánh mẫu và xác định nguồn âm thanh, vị trí và cự ly của chúng tới thiết bị cảm biến.
Sau khi đã xác định đúng âm thanh hoặc là những xung động từ chân vịt, động cơ… của tàu ngầm, các trạm này sẽ truyền dẫn số liệu đến trung tâm điều phối để chỉ huy, điều động phương tiện săn ngầm phù hợp nhanh chóng đến khu vực đó, bắt tàu ngầm “phải hiện nguyên hình”.
Hệ thống này có thể “chỉ điểm” cho các phương tiện chống ngầm như tàu ngầm, máy bay cánh cố định và chiến hạm mặt nước
Tuy hơi “nổ”, nhưng Trung Quốc đủ khả năng khống chế biển Đông
Các chuyên gia Mỹ từng thừa nhận, hệ thống này của Trung Quốc tương tự như hệ thống thiết bị cảm biến âm thanh mà Mỹ đã rải dưới đáy biển dọc vành đai “Chuỗi đảo thứ nhất” và “Chuỗi đảo thứ hai”, chuyên dùng để trinh sát phát hiện tàu ngầm đối phương.
Các chuyên gia quân sự Đại Lục bình luận, việc hệ thống giám sát âm thanh tàu ngầm dưới đáy biển được đưa vào sử dụng sẽ đưa khả năng trinh sát chống ngầm của Trung Quốc lên “một tầm cao mới”, mà không nhiều cường quốc hải quân trên thế giới làm được.
Họ cho rằng, kết hợp với những đột phá trong công nghệ tàu lặn ngầm, tương lai Trung Quốc còn có thể phát triển một hệ thống tương tự nhưng triển khai cơ động, khiến phạm vi bao phủ của hệ thống giám sát tàu ngầm Trung Quốc lên tới 15.000 km.
Với tầm bao phủ rất rộng, các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles của Mỹ chỉ cần “lò dò” ra khỏi căn cứ trên đảo Guam là sẽ bị hệ thống giám sát tàu ngầm này bắt “nổi lên mặt nước”.
Thậm chí, khả năng phát hiện tàu ngầm Mỹ của Trung Quốc còn có thể vươn tới tận bờ Tây Hoa Kỳ.
Theo truyền thông Trung Quốc, hệ thống này có thể phát hiện tàu ngầm ở khoảng cách 15.000 km
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cho rằng Trung Quốc đã “nổ” quá đà về khả năng của mình. Một sonar dưới nước tối tân nhất hiện nay, thông thường cũng chỉ có khả năng cảm nhận những xung động sóng âm của tàu ngầm hoạt động ở khoảng cách 10 km.
Bởi vậy, muốn giám sát được toàn bộ Thái Bình Dương thì Trung Quốc phải cần tới hàng chục vạn thiết bị và một hệ thống cáp triển khai rộng khắp đại dương.
Điều này là phi thực tế khi tàu thuyền Trung Quốc không thể tiếp cận gần các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh để rải thiết bị.
Hơn nữa, Trung Quốc hầu như không có đồng minh quân sự nào ở các vùng biển trên thế giới hay sở hữu những hòn đảo ở ngoài khơi Thái Bình Dương, nên họ không thể đặt các trạm gốc và trạm cung cấp điện năng cho một khối lượng thiết bị siêu lớn như vậy.
Vấn đề trạm gốc có thể giải quyết bằng những tàu kỹ thuật đặc chủng, giống tàu đo đạc âm hưởng loại AOS của Nhật Bản hay tàu quan trắc biển lớp T-AGOS của Mỹ, nhưng vấn đề cung cấp điện năng thì Trung Quốc không thể giải quyết được bằng bất cứ phương pháp nào.
Do đó, Bắc Kinh không thể có khả năng vươn xa tận khu vực trung tâm của Thái Bình Dương để do thám tàu ngầm Mỹ, viễn cảnh “bắt chết” tàu ngầm Mỹ tận Guam là chuyện hoang đường.
Nhưng trên biển Đông và biển Hoa Đông thì Trung Quốc hoàn toàn có thể xây dựng được hệ thống này, bởi Trung Quốc đang kiểm soát trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang nỗ lực xây dựng chúng thành các đảo nhân tạo lớn.
Một khi hoàn thành, với quân cảng, sân bay, trung tâm thông tin vệ tinh, hệ thống điện mặt trời… Trung Quốc hoàn toàn đủ điều kiện thiết lập hệ thống giám sát tàu ngầm dưới đáy biển, trên khu vực Biển Đông.
Do đó, thông tin do truyền thông Đại Lục và Hồng Kông vừa cho biết là Trung Quốc đã lợi dụng cuộc tập trận hải quân lớn hiện đang diễn ra để rải các thiết bị cảm biến âm thanh dưới đáy biển là điều rất đáng lo ngại, buộc các nước trong khu vực phải nâng cao cảnh giác.