Trung Quốc điều tàu chiến nào "giương oai diễu võ" ở Gạc Ma?

Ly Vy |

(Soha.vn) - Trung Quốc đã ngang ngược đưa 2 tàu hải quân ra bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ ý đồ xây dựng trái phép tại khu vực này.

Vừa qua trang mạng news.china.com đã đăng tải những hình ảnh về các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép.

Trong những bức ảnh đó xuất hiện 2 tàu của Hải quân Trung Quốc neo đậu gần Gạc Ma. Theo truyền thông Trung Quốc thì 2 tàu trên có nhiệm vụ "bảo vệ" cho công tác xây dựng của nước này tại đây.

2 tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực đảo Gạc Ma của Việt Nam.

2 tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực đảo Gạc Ma của Việt Nam. (Hình ảnh lấy từ trang news.china.com)

2 tàu xuất hiện tại vùng biển Gạc Ma gồm 1 tàu hộ vệ tên lửa và 1 tàu vận tải đổ bộ. Trong đó, đáng chú ý là tàu hộ vệ tên lửa Miên Dương (số hiệu 528).

Tàu Miên Dương thuộc lớp Giang Vệ II, được thiết kế dựa trên khung thân của tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Vệ I. Tàu có nhiệm vụ tuần tra, chống tàu nổi, phòng không, chống ngầm. Tổng cộng đã có 10 tàu lớp Giang Vệ II được đóng trong giai đoạn từ năm 1996-2005 và Miên Dương là con tàu cuối cùng trong số này. Tàu Miên Dương được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc năm 2006.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Vệ II có chiều dài 115m; rộng 14m; lượng giãn nước đầy tải 2.250 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ diesel 18E390VA giúp đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa 4.000 hải lý ở tốc độ 18 hải lý/giờ.

Tàu hộ vệ tên lửa Miên Dương tại khu vực đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa Miên Dương tại khu vực đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Vũ khí trang bị trên các tàu lớp Giang Vệ II bao gồm: 1 pháo hạm 2 nòng Type-79A cỡ 100mm có tốc độ bắn tối đa 18 phát/phút, tầm bắn tối đa 22 km; 4 pháo phòng không 2 nòng Type-76A cỡ 37mm, tốc độ bắn tối đa 180 phát/phút, tầm bắn tối đa 8,5 km; 2 cụm 4 ống phóng tên lửa chống hạm YJ-82 hoặc tên lửa chống hạm YJ-83 tầm bắn tối đa 180 km; 1 bệ 8 ống phóng tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-7 có khả năng tiêu diệt máy bay ở khoảng cách từ 8-12 km hoặc tên lửa chống hạm ở khoảng cách từ 4-6 km; 2 bệ phóng rocket chống ngầm Type-87 (bố trí phía trước tháp pháo chính) và 2x3 ống phóng ngư lôi. Ngoài ra tàu còn có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm Z-9C.

Việc Trung Quốc điều động tàu hộ vệ tên lửa trang bị hiện đại đến đóng quân tại khu vực bãi đá Gạc Ma cho thấy Bắc Kinh luôn sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để phục vụ cho tham vọng bành trướng và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

Bãi đá Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ bất hợp pháp từ năm 1988. Sau đó, Trung Quốc đã không ngừng gia cố các công trình trái phép, đưa binh sĩ tới đóng quân trên đảo.

Mới đây nhất, trang mạng Duowei News của người Hoa tại hải ngoại cho hay Trung Quốc có thể sẽ sớm xây dựng trái phép một sân bay mới ở Gạc Ma nhằm tăng cường khả năng triển khai lực lượng trên khu vực biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại