Theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada), 24 máy bay chiến đấu-ném bom JH-7A của quân đội Trung Quốc hiện đang đồn trú tại căn cứ không quân Duy Phường ở tỉnh Sơn Đông. Đây là căn cứ không quân của Trung Quốc gần nhất với Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.
Đơn vị không quân tại căn cứ Duy Phường thuộc về Trung đoàn số 14 của Sư đoàn không quân số 5. Các máy bay chiến đấu-ném bom JH-7A mang tên lửa chống hạm YJ-83 là một đe dọa đối với các phương tiện hải quân Nhật Bản, nhất là khi xung đột giữa Bắc Kinh và Tokyo xảy ra do quần đảo tranh chấp nằm trong Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới của Trung Quốc. Tầm bắn của C802AKD, phiên bản xuất khẩu và nâng cấp của tên lửa YJ-83, được ước tính khoảng hơn 250 km.
Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defense Review, Pinkov cho biết Trung Quốc và Nga là 2 cường quốc duy nhất trên thế giới vẫn đang phát triển máy bay chiến đấu-ném bom như Su-34 và JH-7A, trong khi Mỹ và Anh đã ngừng phát triển loại máy bay này sau khi thành công với F-111 và Tornado trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review cho biết Không quân Trung Quốc hiện có khoảng 96 máy bay chiến đấu-ném bom JH-7A, trong khi lực lượng không quân hải quân đang biên chế 96 chiếc khác. Tổng cộng, Trung Quốc có ít nhất 200 máy bay JH-7A. Loại máy bay này cũng đã được điều tới vùng Urumqi ở phía tây bắc của Trung Quốc để tham gia cuộc tập trận chung Sứ mệnh hòa bình 2013 với Không quân Nga vào đầu năm nay.
Máy bay chiến đấu-ném bom JH-7A cũng có khả năng được triển khai tới Sư đoàn không quân số 37 ở tây bắc Trung Quốc nhằm mục đích ngăn chặn một cuộc tấn công có thể xảy ra từ lực lượng NATO tại Afghanistan.
Cùng với tên lửa đất đối không HQ-9 được triển khai tại các thành phố lớn như Tây An và Lan Châu, máy bay chiến đấu-ném bom JH-7 có vai trò quan trọng đối với Không quân Trung Quốc trong việc bảo vệ biên giới phía tây bắc, chống lại những chính sách ngăn chặn của Mỹ cũng như ở khu vực Thái Bình Dương.