Trung Quốc đi trước trong thương vụ S-400
Ngày 12-11, Hãng thông tấn Nga TASS tham khảo nguồn tin riêng cho biết, sớm nhất là 1 năm nữa, thậm chí có thể là 1 năm rưỡi nữa, các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumf mới bắt đầu được chuyển giao cho quân đội Trung Quốc.
Nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ, việc bàn giao cho Trung Quốc các tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf do Tập đoàn chế tạo tên lửa phòng không Almaz-Antey sản xuất sẽ được bắt đầu thực hiện nhanh nhất là vào năm 2017.
TASS cho biết, hợp đồng chính thức bán S-400 đã được Moscow và Bắc Kinh ký kết vào tháng 4 năm nay, sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc đã dạm mua ngay từ năm 2012 và chính thức đề xuất đàm phán hồi đầu năm 2014.
Tuy Công ty Rosoboronexport của Nga không tiết lộ khối lượng, thời hạn và trị giá giao dịch nhưng theo nguồn tin riêng, quân đội Trung Quốc đã đặt mua 6 tổ hợp S-400, mỗi tổ hợp gồm 8 bệ phóng và một số lượng đạn không xác định. Hợp đồng đã ký có trị giá tới hơn 3 tỷ USD.
Sau khi hợp đồng được ký kết, ông Anatoly Isaykin, giám đốc điều hành Rosoboronexport, khẳng định chắc chắn rằng, dù nhiều quốc gia" muốn mua S-400, nhưng Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên được Nga chấp thuận bán hệ thống phòng không siêu tiên tiến này.
Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf của Nga
Khi được nhật báo Kommersant của Nga hỏi về ý nghĩa của việc Moscow và Bắc Kinh ký hợp đồng mua bán các hệ thống S-400, ông Isaykin bình luận rằng, “điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm chiến lược trong mối quan hệ giữa 2 nước, Trung Quốc sẽ là khách hàng đầu tiên".
Ông Isaykin cho biết, dù khả năng sản xuất đã mở rộng nhưng việc cung cấp hệ thống phòng không S-400 tới một số quốc gia vẫn còn khó khăn.
Đơn vị sản xuất là Tập đoàn chế tạo các hệ thống phòng không VKO Almaz-Antey có nghĩa vụ phải cung cấp hệ thống này trước tiên cho Bộ Quốc phòng Nga.
Được biết, S-400 Triumf là hệ thống phòng không thế hệ mới, sử dụng nhiều loại tên lửa đa tầng, đa lớp; có khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, bao gồm máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật có vận tốc 4.800 m/s.
Theo Itar-Tass, S-400 có thể phóng 72 tên lửa và tiêu diệt 36 mục tiêu cùng lúc. Hệ thống đầu tiên được đưa vào sử dụng vào tháng 4-2007, đến nay đã có 9 trung đoàn tên lửa phòng không Nga được trang bị S-400, để dần dần thay thế cho các hệ thống tiền nhiệm là S-300.
Trung Quốc về sau trong thương vụ S-400
Tháng 7 vừa qua, Blog quân sự Algeria “Secret Difa3” đã công bố những bức ảnh đầu tiên của hệ thống phòng không mới trong trang bị của lực lượng vũ trang nước này, được cả các chuyên gia quân sự nhận dạng đúng là hệ thống tên lửa phòng không Nga S-400.
Thông tin xác thực là bức ảnh được chụp hồi mùa xuân năm 2015 trong quá trình kiểm nghiệm vũ khí. Hệ thống này được xác định chính xác nhờ nhãn hiệu của cơ sở sản xuất khung gầm là Nhà máy ô tô Bryansk (các hệ thống S-300PMU2 xuất khẩu dùng khung gầm KrAz).
Blogger này dẫn nguồn tin quân sự thông báo rằng hợp đồng cung cấp S-400 cho Algeria đã được ký kết từ một năm trước.
Bằng chứng khẳng định sự kiện Nga đã giao hàng cho Syria là bức ảnh chụp chiếc máy kéo BAZ-64022 với dàn phóng phủ vải bạt. Khối lượng giao hàng, theo quan điểm của tác giả, là 3 - 4 trung đoàn, trong đó, mỗi tiểu đoàn được biên chế từ 6 - 8 dàn phóng.
Như nhận xét của blog quân sự Nga “bmpd”, từ năm 2003 trong lực lượng vũ trang của Algeria có 3 trung đoàn trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2, đảm nhận bao quát vùng phòng không gần như trọn miền bắc Algeria, biên giới với Morocco và vùng bờ biển.
Theo ý kiến của tác giả bmpd, việc chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 chẳng những giúp Algeria tăng cường phòng không mà còn cung cấp thêm khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa.
Như vậy, Algeria mới chính là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400 của Nga. Còn Trung Quốc có thể nhận S-400 rất muộn, ngang với “địch thủ” Ấn Độ đang đàm phán ký kết một hợp đồng tương tự. New Dehli dự kiến đặt mua 12 tổ hợp Triumf và sẽ ký hợp đồng vào tháng 12 tới.
Hệ thống phòng không S-400 đã được Nga giao cho Algeria
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, tại cuộc họp gần đây của Ủy ban liên chính phủ Nga - Ấn về hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga đã nhất trí thông qua quyết định bán 10 hệ thống phòng không S-400, do do hãng Almaz-Antey sản xuất cho Ấn Độ, hợp đồng trị giá tới 6 tỷ USD.
Nguyên nhân của việc chậm trễ này là trong năm tới, Nga sẽ dồn lực thay thế đại trà các hệ thống S-400 cho lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ.
Hiện lực lượng phòng không nước này cũng chỉ mới nhận được 9 tổ hợp và dàn mỏng trang bị cho 9 trung đoàn (tổ hợp thứ 9 mới bàn giao vào tháng 9 vừa qua).
Trong đó, Nga đã tập trung biên chế cho khoảng 4 - 5 trung đoàn phòng không đang làm nhiệm vụ bảo vệ Moscow. Ngay cả Hạm đội phương Bắc của Nga cũng mới chỉ nhận được hệ thống đầu tiên vào tháng 3 năm nay. Tính ra, ít nhất Nga cần phải trang bị tới vài chục trung đoàn nữa.
Bắt đầu từ năm nay, được sự hỗ trợ của ngân hàng quốc gia, Nga sẽ tiến hành xây mới 3 nhà máy sản xuất vũ khí mới thuộc Tập đoàn Almaz-Antey ở 3 địa điểm là St.Peterburg, Nizhny Novgorod và Kirov để phục vụ nhu cầu cung cấp cho quân đội Nga và các hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nhà máy này hiện vẫn chưa bước vào hoạt động nên công suất của nhà máy hiện nay chỉ đủ đáp ứng yêu cầu biên chế nội bộ, nên ít nhất là 1 năm nữa các hợp đồng xuất khẩu mới được thực hiện.
Do vậy, Trung Quốc tuy đi trước nhưng có thể cũng sẽ nhận S-400 cùng với Ấn Độ và những khách hàng khác.