Trung Quốc đánh lạc hướng lối vào Biển Đông của J-31?

Ngày 25/9, Trung Quốc thông báo J-31 chỉ dành cho xuất khẩu mà không được trang bị cho quân đội nước này.

Tuy nhiên, chính việc gấp rút hoàn thiện thế hệ tiêm kích tàng hình thứ 2 này trong khi vẫn dùng ngoại giao pháo hạm để thương thuyết trên Biển Đông đã khiến tuyên bố trên trở nên lạc lõng và khó ngờ.

Ảnh: Want China Times

Theo Nhân dân Nhật báo, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Trương Thiệu Trung khẳng định chưa có thông tin về việc J-31 sẽ phục vụ trên tàu sân bay của nước này. Ông khẳng định: J-31 là mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm chưa bao giờ nằm trong chương trình phát triển dành cho quân đội Trung Quốc.

Thay vào đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sản xuất và xuất khẩu J-31 cho các nước đồng minh cũng như các đối tác chiến lược như Pakistan, Triều Tiên và Iran.

Nhân cơ hội tuyên truyền này, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã tự tin quảng cáo rằng sự xuất hiện của J-31 sẽ có thể khiến F-35 của Mỹ “ế ẩm” trên thị trường, với lý do có thể đúng khi vận hành trong nền kinh tế bán lẻ phát triển song lại khó lòng áp dụng cho một thị trường chuyên biệt như quân sự: J-31 được thiết kế giống với F-35 nhưng giá thành thì rẻ hơn

Tuy vậy, nhà phân tích quốc phòng Vinayak Shetty của Ấn Độ lại có nhận xét khác rằng: J-31 sẽ không ảnh hưởng gì tới khả năng xuất khẩu của F-35 bởi phải mất ít nhất 7 - 8 năm nữa nó mới có thể được sản xuất hàng loạt, trong khi hiện nay F-35 đã đáp ứng tất cả các điều kiện để tiến hành sản xuất quy mô lớn. Hơn thế nữa, theo các nguồn tin quân sự Trung Quốc từng tiết lộ trước đó, J-31 chỉ sử dụng động cơ RD-93 do Nga chế tạo – động cơ khá lỗi thời so với các máy bay thế hệ thứ 5 hiện nay. Hầu hết các nhà phân tích quân sự quốc tế cũng chưa từng đánh giá J-31 cao hơn F-35. Theo chuyên gia quân sự Bill Sweetman (Anh), J-31 còn không có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35 cũng như không được trang bị các thiết bị tối tân như radar AESA L-band hay các hệ thống yểm trợ, ném bom chiến thuật…

Tuy nhiên, khi xét lại tuyên bố từ phía Trung Quốc rằng J-31 chỉ sử dụng cho xuất khẩu có thể thấy điều không hợp lý. Bởi hiện nay Bắc Kinh đang liên tiếp củng cố sức mạnh cơ bắp nhằm dồn ép và cô lập các quốc gia nhỏ bé trên Biển Đông. Nhận định về điều này, tờ Strategy Page của Mỹ cho rằng: J-31 rất có thể trở thành một máy bay chiến đấu trên các tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc, để sát cánh cùng với mẫu J-20 mà truyền thông Trung Quốc từng dọa nạt sẽ tung vào Biển Đông.

Wall Street Journal cũng đánh giá không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh vào các tranh chấp trên biển mà Trung Quốc đang quyết liệt theo đuổi, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông. Do đó, đòn “tung hỏa mù” lần này chỉ khiến cho tình hình Biển Đông càng thêm rối ren, trong bối cảnh một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý hơn tuyên bố DOC còn quá xa vời.

J-31 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 do công ty hàng không Thẩm Dương của Trung Quốc phát triển. Đây là mẫu chiến đấu cơ tàng hình thứ hai của Trung Quốc, sau J-20 . Nó được trang bị 2 động cơ 1 chỗ ngồi, thân hình thoi, cánh tam giác cao, 2 đuôi đứng xiên cố định. J-31 có trọng lượng cất cánh là 17,5 tấn, dài 16,9 m, cao 4,8 m, sải cánh 11,5 m. Giới phân tích đánh giá: nhìn từ bên hông, J-31 rất giống mẫu F-22 của Mỹ, trong khi nếu nhìn trực diện, đây không khác gì một bản sao của F-35.

 

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại