Báo chí Trung Quốc cho biết ngày hôm nay, Ấn Độ đã chính thức hạ thủy tàu sân bay nội địa INS Vikrant tại thành phố cảng Kochi. Đây là thông tin được Bắc Kinh theo dõi rất sát sao và đã có những nhận định ban đầu đối với sự kiện trên.
Tàu sân bay INS Vikrant trước giờ hạ thủy
Tờ CNJ của Trung Quốc nhận định, báo chí Ấn Độ tỏ ra hào hứng tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ được hạ thủy vào ngày mai, kế hoạch này đã bị trì hoãn sau 4 năm. Tuy nhiên, tính tại thời điểm hạ thủy, chỉ có khung tàu và cấu trúc bên ngoài được hoàn thành, có nghĩa là chỉ đạt khoảng 30% tổng khối lượng công việc.
Điều này khẳng định rằng Ấn Độ sẽ không thể sớm đưa tàu sân bay tự sản xuất của mình biên chế trong quân đội. Việc hạ thủy thực chất chỉ là một khâu nghiệp vụ trong quá trình đóng tàu sân bay mà Trung Quốc cũng đã từng trải qua.
Dù là thông tin hết sức được chú ý của Ấn Độ, nhưng đối với truyền thông Trung Quốc thì việc New Delhi tuyên bố chính thức hạ thủy tàu sân bay chỉ là cách nói của giới truyền thông nhằm tăng sức mạnh quân sự của Ấn Độ đồng thời tạo thế và lực hơn cho quốc gia này trong tương lai.
Tờ chinamil của Trung Quốc khẳng định, sau khi hạ thủy, tàu INS Vikrant sẽ tiếp tục đưa về xưởng để hoàn thiện về lắp đặt hệ thống vũ khí, hoàn thiện kiến trúc thượng tầng.
Theo nguồn tin của một quan chức Bộ quốc phòng Ấn Độ, chiếc tàu này sẽ tiến hành chạy thử nghiệm vào năm 2016. Tuy nhiên, theo thông tin của Hải quân Ấn Độ thì chương trình chạy thử nghiệm sẽ thực hiện vào năm 2018 đến 2019.
Điểm khiến báo chí Trung Quốc quan tâm nhất chính là thông tin ngoài chiếc INS Vikrant, Ấn Độ đang tính tới khả năng tiếp tục đóng thêm một tàu thuộc lớp này nhưng có kích thước lớn hơn lên tới 64.000 tấn và có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tờ “Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa“ nhận định, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đầu tư phát triển tàu sân bay, do vậy Trung Quốc không thể xem nhẹ năng lực hải quân của nước này. Sau khi tàu sân bay mới đưa vào sử dụng, khả năng tác chiến tổng thể, năng lực tiếp tế viễn dương và phòng ngự của Ấn Độ đều được tăng lên rõ rệt.
Giới quân sự Trung Quốc cho rằng, New Delhi đang nỗ lực vươn lên khẳng định sức mạnh biển của mình, nhưng họ cũng cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài và Nga được xem là đối tác khá thân cận, đây chính là nguyên nhân không ít lần Bắc Kinh đã sử dụng những sức ép nhất định của mình để đưa lên bàn đàm phán với Moscow trong việc khống chế khả năng bổ sung sức mạnh cho New Delhi.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!