Trung Quốc có vũ khí bí mật thay đổi cán cân quân sự châu Á?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Nếu dự án “supergun” thành công, Trung Quốc sẽ có trong tay thứ vũ khí tấn công chớp nhoáng có thể làm thay đổi cán cân quân sự tại khu vực châu Á.

Trong các bức ảnh vệ tinh được Mỹ công bố gần đây tại khu vực căn cứ quân sự gần thành phố Bao Đầu nằm ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc cho thấy nước này đang chuẩn bị thử nghiệm một loại vũ khí tiên tiến.

Vũ khí này là một khẩu pháo có chiều dài khoảng 33 mét và được gọi là “supergun”. Đây là một chương trình phát triển vũ khí bí mật nhất của Trung Quốc nhưng do kích thước quá lớn của nó nên không thể che giấu trước con mắt của các vệ tinh gián điệp Mỹ.

Bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang phát triển 2 loại
Bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang phát triển 2 loại "supergun" và chuẩn bị tiến hành thử nghiệm.

Theo quan sát từ bức ảnh cho thấy có 2 loại “supergun” đang được nghiên cứu phát triển. Theo một số thông tin mà tình báo Mỹ có được thì dự án này sẽ tạo ra một loại siêu vũ khí có khả năng tấn công tầm xa.

“Supergun” có thể được sử dụng để phóng vệ tinh hay bắn hạ vệ tinh nước khác hoặc sử dụng để tấn công mặt đất với hiệu quả tương đương như tên lửa đạn đạo nhưng với độ linh hoạt cao và chi phí thấp hơn. Thông tin về chương trình “supergun” hoàn toàn bí ẩn đối với bên ngoài, không rõ dự án này đang ở vào giai đoạn nào trong quá trình nghiên cứu.

Sự phát triển của dự án “supergun” tại Trung Quốc bắt nguồn từ chương trình High Altitude Research Project HARP (Dự án nghiên cứu độ cao lớn). Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Canada nhằm đưa vệ tinh về quỹ đạo thấp hơn với sự trợ giúp của một khẩu pháo khí nhẹ đặc biệt.

Pháo khí nhẹ có nguyên tắc hoạt động tương tự như một khẩu súng hơi. Nó bao gồm một piston đường kính lớn sử dụng để nén một chất khí hóa lỏng thông qua một nòng pháo có đường kính nhỏ hơn để tăng sức nén chứa viên đạn cần được đẩy đi.

Piston hoạt động nhờ vào một phản ứng hóa học (thường là thuốc phóng), chất lỏng để nén là một dạng khí hóa lỏng nhẹ như Heli hoặc Hydro. Khi thuốc phóng bị đốt cháy, piston bị đẩy về phía trước, nó tạo ra một lực nén rất lớn lên phần khí hóa lỏng phía trước. Lực nén càng tăng lên khi chất lỏng bị đẩy qua phần nòng pháo có đường kính nhỏ hơn.

Minh họa nguyên tắc hoạt động của pháo khí nhẹ.
Minh họa nguyên tắc hoạt động của pháo khí nhẹ.

Pháo khí nhẹ có thể đẩy một viên đạn đi với tốc độ lên đến 6km/s (22.000km/h), một tốc độ nhanh hơn bất cứ loại tên lửa nào trên thế giới. Loại pháo này cho phép thực hiện một cuộc tấn công với tốc độ kinh hoàng và gần như không thể đối phó.

Đầu tiên chương trình được thực hiện để nghiên cứu hành vi của các đối tượng đạn đạo ở thượng tầng khí quyển. Nhưng sau đó, họ nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng vào quân sự. Chương trình này mở ra khả năng phóng vệ tinh vào quỹ đạo thấp một cách nhanh chóng. Có tin đồn cho rằng, khẩu pháo này được thiết kế để bắn hạ vệ tinh nước khác.

Dự án HARP bị hủy bỏ vào năm 1967 mà không rõ lý do là gì. Đến cuối những năm 1980, kỹ sư Gerald Vincent Bull người được xem là cha đẻ của dự án HARP đã hợp tác cũng với Iraq để tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình bằng dự án phát triển loại “supergun” mới được gọi là Dự án Babylon.

Dự án Babylon triển khai phát triển 2 mẫu thử nghiệm “supergun”, một loại có đường kính 1.000mm có thể bắn một viên đạn pháo có trọng lượng 600kg đi xa tới 1.000km. Một loại khác có đường kính 350mm được gọi là “Baby Babylon” có tầm bắn tới 750km.

Mô hình siêu pháo Babylon của Iraq, nếu thành công Iraq đã có thể khống chế toàn bộ Trung Đông.

Mô hình siêu pháo Babylon của Iraq.

Khẩu pháo của Dự án Babylon có chiều dài tới 156 mét, nặng 1.520 tấn, để bắn khẩu pháo này cần tới 9 tấn thuốc phóng, khi bắn nó sẽ tạo ra một lực giật lên đến 27.000 tấn, tương đương với một quả bom hạt nhân và đủ sức để gây nên một cơn địa chấn lớn.

Trong khi đó khẩu pháo “baby Babylon” có chiều dài 40 mét, nặng tới 102 tấn, khẩu pháo này có tầm bắn thiết kế tới 750km.

Tuy nhiên, cha đẻ của dự án này Gerald Vincent Bull đã bị ám sát vào năm 1990 tại Brussels, Bỉ. Thủ phạm được cho là các thành viên của cơ quan tình báo Mossad, Israel. Dự án Babylon đã bị phá hủy trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Tuy tiềm năng của loại pháo khí nhẹ là rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa có quốc gia nào thành công với nó.

Nếu dự án “supergun” của Trung Quốc đạt được thành công, họ sẽ có trong tay thứ vũ khí tấn công chớp nhoáng có thể làm thay đổi cán cân quân sự tại khu vực châu Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại