Chèo kéo
Thông tin này được Tạp chí Intelligence Online cho biết, cụ thể, Trung Quốc có thể cho Turkmenistan vay tín dụng để nước này mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000).
Nguồn tin cho biết thêm, hiện Trung Quốc đang muốn thúc đẩy lợi ích của mình tại Trung Á, vì thế Bắc Kinh đang rất muốn có được hợp đồng FD-2000 với quốc gia Trung Á này.
Hiện Trung Quốc đang rất tự tin vào sự thành công của bản hợp đồng với Turkmenistan vì ngoài ưu thế tính năng kĩ chiến thuật của hệ thống FD-2000 thì còn điều kiện vốn vay ưu đãi mà Trung Quốc đưa ra.
Bởi trong bảng xếp hạng của cơ quan bảo hiểm tín dụng COFACE của Pháp thì hiện nay Turkmenistan nằm trong top các nước nguy hiểm nhất, vì Ashgabat không cung cấp dữ liệu vĩ mô về nền kinh tế của nước này cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngoài mục đích lợi nhuận mà Trung Quốc đang nhắm tới, nguyên nhân quan trọng hơn cả đó là Bắc Kinh đang rất muốn có người "mở hàng" hệ thống phòng không "hàng đầu thế giới" FD-2000, bởi trước đó hệ thống này đã khá vô duyên.
Hệ thống phòng không HQ-9.
Kém duyên với khách hàng
Khách hàng khiến Trung Quốc "đau" nhất chính là Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù đã quyết định ký hợp đồng để mua FD-2000, tuy nhiên sức ép từ Mỹ và phương Tây đã buộc nước này phải từ bỏ hợp đồng với Trung Quốc.
Cụ thể, cuối tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ không chỉ với Mỹ, NATO mà với cả thế giới khi quyết định mua hệ thống phòng không FD-2000. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và NATO.
Ngay sau khi Ankara đưa ra tuyên bố trên, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ dùng tiền Mỹ mua tên lửa Trung Quốc. Thông tin trên được báo Business Recorder ngày 15/12/2013 đưa tin.
Theo đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tiền của Mỹ để mua hệ thống tên lửa trị giá 4 tỉ USD từ một công ty Trung Quốc bị Washington liệt vào danh sách đen.
Dự luật cấp phép quốc phòng thường niên của Mỹ, được Hạ viện thông qua, bao gồm một điều khoản cấm sử dụng “kinh phí năm 2014 để tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”.
Không chỉ được Mỹ cấp kinh phí trong việc mua sắm quốc phòng, hiện nay khoảng 40% số tiền Thổ Nhĩ Kỳ dùng để xây dựng hệ thống phòng không là kinh phí do NATO cấp.
Ngoài những sức ép về kinh phí, NATO còn có thừa khả năng cô lập hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này mua FD-2000.
“NATO có đủ khả năng kỹ thuật để cô lập kiến trúc hệ thống phòng không/phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, tước quyền hội nhập những thông tin có liên quan của Ankara”, một quan chức NATO nói.
Trước sức ép từ nhiều phía, việc Ankara quyết định từ bỏ thương vụ FD-2000 với Trung Quốc để mua hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất không phải vấn đề gây bất ngờ.
Không chỉ thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến thời điểm đầu năm 2015, Trung Quốc đã hai lần chào mời Thái Lan mua hệ thống phòng không FD-2000. Cụ thể, lần đầu tiên Trung Quốc mời Thái Lan mua là tháng 11/2013, lần thứ 2 là vào tháng 8/2014.
Tuy nhiên, Bangkok đã đưa ra lý do giá thành quá cao và việc duy trì hoạt động là khá tốn kém. Vì vậy, đến nay phía Thái Lan vẫn chưa có phản hồi tích cực như Trung Quốc mong muốn.