Theo tờ The Washington Free Beacon, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường khả năng tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ.
Việc thử nghiệm tên lửa DF-31B được tiến hành hôm 25/9 vừa qua, từ một trường bắn thử ở miền trung Trung Quốc. Cynthia O. Smith, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói như vậy với tờ The Washington Free Beacon nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết về cuộc thử nghiệm.
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, bao gồm các cuộc thử nghiệm tên lửa của nước này" - Smith nói.
Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa mới có thể là một vũ khí đã được tăng tầm bắn hoặc là được cải tiến về hoạt động, cũng có thể là một biến thể mang nhiều đầu đạn của DF-31.
Một trang mạng quân sự của Trung Quốc cho rằng DF-31B là một biến thể tên lửa di động được thiết kế đặc biệt để di chuyển trên những khu vực địa hình phức tạp hoặc những điều kiện đường xá khó khăn khác. Các tên lửa di động được coi là mối đe dọa đáng sợ hơn bởi theo dõi vị trí và tấn công chúng trong một cuộc xung đột là rất khó khăn. Chúng có thể được cất giấu trong ga-ra hoặc hang động để tránh bị các vệ tinh hoặc cảm biến phát hiện.
Trung Quốc đã tuyên bố trên các phương tiện truyền thông của nước này rằng lực lượng hạt nhân Trung Quốc đang được phát triển để đối phó Mỹ. Thời báo Hoàn Cầu hôm 28/10 đã đăng tải rằng một cuộc tấn công bằng tên lửa phóng từ tàu ngầm vào Mỹ có thể sẽ giết chết từ 5 đến 12 triệu người Mỹ.
Tên lửa DF-31 là sự bổ sung mới nhất vào kho tên lửa hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa DF-31A, đây được biết đến là lần thử nghiệm thứ tư của loại tên lửa này trong vòng 2 năm qua. Cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây nhất không được Chính phủ Trung Quốc công bố, điều này đã nhấn mạnh quá trình xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược bí mật của Bắc Kinh.
Rick Fisher, một nhà phân tích theo sát quân đội Trung Quốc tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế nhận định cuộc thử nghiệm biến thể DF-31 mới sẽ là nỗi lo đối với các quan chức an ninh Mỹ.
"Sự xuất hiện biến thể thứ ba của tên lửa DF-31 làm dấy lên câu hỏi liệu rằng có một biến thể mang nhiều đầu đạn hay không" - Fisher nói.
Theo Fisher, DF-31B có thể là tên lửa phóng từ silo hoặc là tên lửa được thiết kế đặc biệt dành cho một mạng lưới hầm ngầm và các cơ sở hạt nhân ngầm dài 3.000 dặm mới được tiết lộ vài năm trước đây.
"Sự xuất hiện của tên lửa liên lục địa DF-41 với khả năng mang nhiều đầu đạn chỉ ra rằng biến thể mới nhất của DF-31 cũng có thể được trang bị như vậy. Nếu đây là sự thật thì nó sẽ thúc đẩy sự gia tăng đầu đạn của Trung Quốc" - Fisher nói.
"Việc thử nghiệm biến thể thứ ba của DF-31 cùng với chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Nga đã đặt ra áp lực lớn hơn đối với Washington để tiến hành chương trình hiện đại hóa năng lực răn đe hạt nhân của mình" - Fisher cho hay.
Mark Stokes, một chuyên gia về lực lượng chiến lược của Trung Quốc cho rằng biến thể DF-31B có thể là một vũ khí đã được cải tiến về công nghệ.
Trước đó, bản báo cáo thường niên của của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc cho hay "Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân bằng cách tăng cường các ICBM phóng từ silo và bổ sung thêm nhiều hệ thống di động có khả năng sống sót cao. Trong những năm gần đây, tên lửa DF-31A đã đi vào hoạt động". Bản báo cáo cho biết thêm rằng "Trung Quốc cũng đang phát triển một ICBM mới với tên gọi DF-41, có khả năng mang nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV)".