Trung Quốc bất lực trước 'cặp song sát' 22DDH và F-35B của Nhật

Ngày 16/07, trên website của lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản công bố thông tin, nghi lễ hạ thủy và đặt tên chính thức cho chiếc tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH đầu tiên của Nhật Bản sẽ được tổ chức vào ngày 06/08/2013.

Thông báo cho biết, buổi lễ hạ thủy và đặt tên chính thức sẽ được tổ chức lúc 15h15’ ngày 06/08/2013, tại Nhà máy đóng tàu Yokohama thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn liên hợp hải dương Nhật Bản. Tham dự buổi lễ có thượng tướng, Đô đốc hải quân Tomohisa Takei, đại diện của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đại biểu của lực lượng tự vệ trên biển và tổng cục trang bị Nhật Bản.

Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất lớp 22DDH được Nhật gọi là tàu khu trục chở trực thăng có lượng giãn nước tiêu chuẩn 24.000 tấn, tối đa 27.000 tấn, trang bị 3 hệ thống phòng không tầm gần Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không Ram.

Tàu có thiết kế mặt boong và nhà kho máy bay chứa được ít nhất 14 máy bay trực thăng hạng nặng, có thể cất, hạ cánh đồng thời 5 chiếc. Từ lượng giãn nước, bố cục cho đến chức năng của nó đều phù hợp với tiêu chuẩn của 1 tàu sân bay hạng nhẹ.

Trung Quốc bất lực trước 'cặp song sát' 22DDH và F-35B của Nhật
Tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH được thiết kế theo mô hình tàu đỏ bộ tấn công F-35B của Mỹ

Sau lễ hạ thủy và đặt tên, 22DDH sẽ tiếp tục các hạng mục thử nghiệm trên biển, dự kiến nó sẽ được đưa vào biên chế chính thức của lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản vào tháng 3/2015. Tàu sân bay trực thăng 22DDH chuyên chở trực thăng tấn công, nhưng được xây dựng theo mô hình các tàu đổ bộ tấn công Mỹ, nên có khả năng mang theo cả máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B.

Cuối tháng 5 vừa qua, Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền Nhật Bản đã đưa ra kiến nghị, sau khi duy trì chính sách phòng thủ hạn chế gần 70 năm qua, Nhật Bản nên phát triển năng lực “Tiên phát chế nhân” và khả năng tác chiến đổ bộ, đồng thời đẩy mạnh phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền và trên biển.

Vấn đề thú vị nhất và gây nhiều tranh cãi nhất là phát triển năng lực tấn công “Tiên phát chế nhân”. Để thực hiện được điều này thì Nhật Bản phải mua sắm vũ khí tấn công trực tiếp liên hợp (JDAMs), máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Nhật đặt mua của Mỹ cũng phải được cung cấp năng lực tiếp dầu trên không để tăng cường khả năng tấn công tầm xa.

Trung Quốc bất lực trước 'cặp song sát' 22DDH và F-35B của Nhật
Máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B

Song song với nó, để phát triển năng lực tấn công trên biển, Nhật cũng phải cân nhắc khả năng mua sắm máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B. Hiện Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định đóng 2 tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH, nên có đầy đủ phương tiện chuyên chở để làm bệ phóng cho loại máy bay này. Khi đó, 22DDH sẽ trở thành vũ khí mà Trung Quốc ngán ngại nhất trong tranh chấp biển đảo.

Rất có khả năng, trước sự gia tăng các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, Nhật sẽ mua F-35B để trang bị cho lực lượng hải quân đánh bộ. Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất 22DDH tuy được chỉ định chuyên chở trực thăng tấn công, nhưng nó được thiết kế, chế tạo theo mô hình các tàu đổ bộ tấn công Mỹ nên có khả năng mang theo tới 10 chiếc F-35B.

Tới thời điểm 22DDH được biên chế vào năm 2015 và sau đó có thể được trang bị F-35B, tàu sân bay Liêu Ninh và biên đội tiêm kích hạm của Trung Quốc chắc chắn chưa có khả năng tác chiến vì hiện tại Liêu Ninh vẫn đang trong giai đoạn huấn luyện hải hành dài ngày và mới có vài chiếc J-15 có thể cất, hạ cánh trên tàu sân bay, hơn nữa nó cũng chưa được trang bị bất cứ loại vũ khí nào. Đến lúc đó, lực lượng tự vệ trên biển của Nhật sẽ chiếm ưu thế trong tác chiến biển.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại