Theo quan chức quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên có thể đã bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02 hoặc đạn rocket của hệ thống pháo phản lực cỡ 300mm, nó được cho là có thể đạt được tới phạm vi 120km. Cự ly đó đủ để bắn trúng các mục tiêu thành phố Hàn Quốc gần biên giới Triều Tiên.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min-seok tuyên bố, có vẻ như hệ thống pháo phản lực của Triều Tiên chưa sẵn sàng trong điều kiện chiến đấu thực tế.
“Có khả năng chúng đang ở trong giai đoạn phát triển”, ông Kim nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kim, Trung quốc và Nga đã hoàn thành hoặc phát triển được một phần pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng lớn. Còn Triều Tiên, dù có thể tiếp thu công nghệ từ 2 quốc gia trên nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.
Các vụ phóng tên lửa bất ngờ của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên Triều vừa có dấu hiệu lắng dịu. Seoul cáo buộc, Triều Tiên đang có ý địch tái kích hoạt lại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc mạnh mẽ chỉ trích, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên “đáng lên án” đồng thời yêu cầu “Bình Nhưỡng hành động có trách nhiệm”.
Hiện nay, loại pháo phản lực cỡ nòng lớn nhất trong biên chế Lục quân Triều Tiên gồm: M1985 12 nòng cỡ 240mm và M1991 22 nòng cỡ 240mm. Hai loại pháo này đều có khả năng đạt tầm bắn 43km.
Loại pháo phản phản lực cỡ nòng 300mm chỉ có một số ít quốc gia phát triển thành công, đó là Trung Quốc và Nga. Nước Nga – “cha đẻ” pháo phản lực đã cho ra đời loại BM-30 Smerch từ những năm 1980. BM-30 Smerch trang bị giàn phóng 12 nòng cỡ 300mm có thể bắn viên đạn nặng 800kg đi xa 70km.
Còn Trung Quốc, dựa trên công nghệ BM-30 Smerch của Nga, nước này đã phát triển thành công pháo phản lực phóng loạt PHL-03. Pháo cũng được trang bị giàn phóng 12 nòng cỡ 300mm và bắn các loại đạn nặng 800kg. Về tầm bắn, theo một số nguồn tin PHL-03 có thể đạt tới 100-150km.