Tờ Want China Times (Đài Loan) dẫn một bài viết trên trang mạng Strategy Page (Mỹ) cho hay: Gần đây, Trung Quốc đã để lộ (có vẻ là vô tình) hình ảnh về tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26C mà báo chí nước này tung hô là “Sát thủ Guam”.
Theo Strategy Page, DF-26C có tầm bắn khoảng 3.500km, thiết kế dựa trên tên lửa DF-21. Sở dĩ DF-26C được coi là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ bởi nó có khả năng tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ tại Guam trong một cuộc xung đột tiềm năng.
Strategy Page nhận định, Trung Quốc trước nay thường giữ bí mật các loại vũ khí của mình, tuy nhiên, chính phủ nước ngoài và các phương tiện truyền thông vẫn có thể phát hiện ra chúng từ hình ảnh chụp vệ tinh hoặc thông qua các bức ảnh chụp bằng điện thoại di động rồi chia sẻ trên internet của chính người dân nước này.
Chẳng hạn như năm 2012, thông qua vệ tinh và các hệ thống cảm biến trên bộ-không-biển, Mỹ đã giám sát được cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc – loại vũ khí có thể mang nhiều đầu đạn. Quân đội Trung Quốc chưa từng công khai các tên lửa DF-41 nhưng những hình ảnh về chúng đã được chia sẻ trên internet.
Bên cạnh đó, Strategy Page còn cho biết, Trung Quốc được cho là có hơn 400 đầu đạn hạt nhân và có một số hệ thống tên lửa đạn đạo có thể bắn tới lục địa Mỹ như DF-5, DF-31A và DF-41.
Khoảng 2/3 số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được thiết kế cho tên lửa, chủ yếu là tên lửa đạn đạo DF-21 (sau này sẽ được thay thế bằng DF-26C). Cũng chính vì vậy, theo Strategy Page, một khi xung đột Mỹ - Trung xảy ra, khó có thể loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào Guam ở Tây Thái Bình Dương.