Sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa hành trình Nirbhay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (loại tên lửa này được các chuyên gia quân sự cho là phiên bản Ấn Độ của tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ) vào hôm 17-10 vừa qua, trang mạng quân sự Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) đã lớn tiếng tuyên bố rằng tên lửa hành trình CJ-10 của nước này mạnh hơn nhiều so với đối thủ Ấn Độ.
Tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc.
Theo tạp chí Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada), tầm bắn của tên lửa hành trình Nirbhay khoảng từ 700-1.000 km.
Trong khi đó, theo Sina, tên lửa hành trinh CJ-10 của Trung Quốc có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 2.500km. Bên cạnh đó, tên lửa CJ-10 được thiết kế là 1 tên lửa hành trình siêu âm nên tốc độ bay của CJ-10 nhanh hơn tên lửa Nirbhay.
Một lợi thế khác là CJ-10 có giá rẻ hơn rất nhiều so với đối thủ đến từ nước ngoài. Theo một chuyên gia quốc phòng Mỹ, giá của 1 quả tên lửa ước tính khoảng 175.000 USD.
Tên lửa hành trình Nirbhay của Ấn Độ.
Trang mạng Sina cho hay tên lửa CJ-10 có thể được xuất khẩu cho các quốc gia đồng minh với Trung Quốc hoặc các đối tác về an ninh với số lượng lớn.
CJ-10 là loại tên lửa hành trình siêu âm được trang bị cho Quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc. CJ-10 được cho là phát triển dựa trên loại tên lửa Kh-55 của Liên Xô và sử dụng công nghệ của những quả tên lửa Tomahawk bị rơi ở Pakistan hoặc Afghanistan. Hiện nay, CJ-10 có các phiên bản phóng từ mặt đất, từ máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm,...
Chuyên gia quân sự Yanyan Wang (Trung Quốc) từng ca ngợi loại tên lửa này còn hơn cả Tomahawk của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ xét tới việc Tomahawk đã có bề dày kinh nghiệm thực chiến trong khi CJ-10 chỉ mới được phóng thử nghiệm, sự ca tụng CJ-10 vượt trội Tomahawk cần phải xem lại.
Các chuyên gia cho rằng cũng như nhiều loại vũ khí “made in China” khác, CJ-10 cũng có những hạn chế nhất định. Khả năng thật sự của loại tên lửa này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Về phần Ấn Độ, dưới sự giúp đỡ từ Nga, New Delhi đã chế tạo thành công tên lửa hành trình siêu âm Brahmos. Tuy nhiên, tầm bắn tối đa của tên lửa này chỉ là 300km, kém hơn tên lửa hành trinh Babur của Pakistan chế tạo (tầm bắn 7.000 - 1.000km). Ông Avinash Chander, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO), trực thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết nước này đang cố gắng tự phát triển những mẫu tên lửa của riêng mình và dự định sẽ ngừng việc nhập khẩu tên lửa từ các nước khác vào năm 2022.