Sự hạn chế của động cơ nhiên liệu lỏng đã được phơi bày bởi tính bấp bênh của nó, bất kỳ một sơ suất nhỏ nào đều có thể khiến quả tên lửa trị giá hàng chục triệu USD biến mất trong chốc lát. Bên cạnh đó, quá trình nạp nhiên liệu tốn quá nhiều thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng triển khai hoạt động.
Năm 1972, Liên Xô đã phát triển thành công ICBM nhiên liệu rắn di động đầu tiên của thế giới là RT-21. Đây là một ICBM nhiên liệu rắn di động đã loại bỏ hoàn toàn những nhược điểm trển ICBM nhiên liệu lỏng cố định.
DF-31 là tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn di động đầu tiên của Trung Quốc. Trong ảnh: tên lửa DF-31 tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm quốc khánh Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định “noi gương” Liên Xô, phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn có khả năng cơ động. Chương trình được chỉ định là DF-31 (NATO định danh là CSS-9). Công việc được giao cho Phòng thiết kế tên lửa nhiên liệu rắn số 4 (nay thuộc Tổng công ty công nghiệp và khoa học không gian vũ trụ Trung Quốc CASIC).
Nghi án chôm công nghệ đầu đạn hạt nhân Mỹ
Theo bản thuyết minh dự án được đưa ra, DF-31 (CSS-9) là một tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn di động 3 giai đoạn, tầm bắn khoảng 8.000-9.000km mang theo đầu đạn hạt nhân 1Mt, có khả năng tấn công các mục tiêu dọc theo bờ biển phía Tây của Mỹ và nước Nga.
Tên lửa có chiều dài 13 mét, đường kính 2,25 mét, trọng lượng phóng 42 tấn. Ống phóng kiêm container bảo quản được đặt trên khung gầm xe kéo chuyên dụng, mang lại khả năng cơ động rất cao.
Quá trình phát triển động cơ nhiên liệu rắn cho chương trình DF-31 được hoàn thành vào năm 1983. Động cơ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được thử nghiệm thành công vào cuối năm 1983. Động cơ giai đoạn 3 được thử nghiệm thành công vào giữa năm 1984. Chương trình DF-31 bước vào giai đoạn phát triển kỹ thuật chi tiết từ năm 1987.
DF-31 tiếp tục đối mặt với những thách thức công nghệ rất lớn, sản xuất những động cơ nhiên liệu rắn đường kính lớn đã khó, việc ghép nối chúng vào với nhau cũng không hề đơn giản. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống dẫn hướng cho tên lửa cũng như hệ thống mồi bẫy để vượt qua hệ thống đánh chặn của đối phương cũng đầy thách thức.
Những thành công từ chương trình tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn hai giai đoạn DF-21 đã tạo những cơ sở quan trọng cho sự phát triển của DF-31. Tuy vậy, bước vào quá trình thử nghiệm tên lửa cũng đầy gian nan.
Thử nghiệm đầu tiên của DF-31 diễn ra vào ngày 29/04/1992, tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng do các vấn đề chất lượng trong các thành phần của nó. Thử nghiệm thứ 2 tên lửa cũng phát nổ do các vấn đề tương tự.
Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, đến tháng 06/1995, DF-31 đã được thử nghiệm thành công. Tháng 10/1995, DF-31 thử thành công hệ thống mồi bẫy cho đầu đạn khi tái nhập bầu khí quyển.
Đến tháng 10/1997, tên lửa được thử nghiệm thành công một lần nữa, nó cũng đã được thử nghiệm trong điều kiện mô phỏng ống phóng từ tàu ngầm.
Năm 1998, vệ tinh do thám của Mỹ phát hiện Trung Quốc chuẩn bị phóng thử DF-31. Hải quân Mỹ đã điều động tàu USNS Observation Island (T-AGM-23) đến Tây Thái Bình Dương để theo dõi vụ phóng tên lửa này nhưng nó đã không diễn ra.
Tên lửa DF-31 xuất hiện trước công chúng trong lễ diễu binh mừng 50 quốc khánh Trung Quốc vào năm 1999. Sự xuất hiện của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa di động trong một cuộc diễu binh được giới quân sự thế giới quan tâm một cách đặc biệt.
Tuy nhiên lúc đó, người ta không thể xác định được bên trong xe phóng có tên lửa hay không. Sự xuất hiện của DF-31 tại cuộc diễu binh này được ví như một sự phô trương sức mạnh cũng như tiềm năng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Điều này đã được minh chứng bởi hai thử nghiệm tiếp theo vào năm 2000 đều không thành công.
Lúc đầu, Trung Quốc định duy trì 2 chương trình phát triển ICBM song song là DF-31 có tầm bắn 8.000km và DF-41 có tầm bắn 12.000km. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh cùng với chiến lược hạt nhân mới của Trung Quốc, chương trình DF-41 đã tạm thời bị hủy bỏ.
Tuy vậy, chương trình phát triển ICBM nhiên liệu rắn duy nhất này đang đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp. DF-31 là một bản thiết kế không hoàn hảo, chứa đầy bất ổn, bên cạnh đó với tầm bắn tối đa khoảng 8.000km, không đủ để đe dọa phần lớn nước Mỹ.
Do đó, Trung Quốc đã quyết định cải tiến DF-31 thành DF-31A. Quá trình cải tiến tên lửa gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện độ tin cậy cho động cơ, dẫn đến quá trình đưa tên lửa vào triển khai hoạt động phải kéo dài thêm. Cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, sự có mặt của DF-31 trong biên chế lực lượng nhị pháo chủ yếu để “hù dọa” các nước trong khu vực.
Thử nghiệm đầu tiên của DF-31A được diễn ra thành công vào ngày 04/09/2006. DF-31A có tầm bắn khoảng 11.200km có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân độc lập theo công nghệ MIRV. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc giới thiệu DF-31A đã xuất hiện nghi án đánh cắp công nghệ Mỹ.
Ủy ban điều tra Cox, Mỹ đã lên tiếng cáo cuộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ đầu đạn hạt nhân W88 của Mỹ trong những năm 90 để phát triển các đầu đạn hạt nhân kích thước nhỏ cho công nghệ MIRV của họ. Cáo buộc này càng có cơ sở hơn khi Tiến sĩ Wen Ho Lee một người Mỹ gốc Đài Loan bị bắt vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc vào năm 1999.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng họ tự phát triển những công nghệ liên quan cho công nghệ MIRV như một sự tiến bộ logic theo những bước tiến của khoa học công nghệ trong nước.
Trong báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2007, Lầu Năm Góc cho biết tên lửa DF-31 đã đạt khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2006 và được cho là đã triển khai hoạt động đầy đủ vào năm 2007. Đến năm 2009, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết có khoảng 15 tên lửa DF-31 và 15 tên lửa DF-31A đã được triển khai hoạt động trong biên chế lực lượng nhị pháo.
Sự thành công của DF-31/31A đã nâng cao đáng kể sức mạnh cho lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Với những ICBM di động này, việc cơ động triển khai lực lượng cũng như hạn chế được sự theo dõi của đối phương trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, DF-31/31A vẫn chưa thỏa mãn được tham vọng to lớn của Trung Quốc.