Máy bay cường kích 3 tầng cánh
Tháng 6/1920, Lục quân Mỹ và công ty Boeing đã cùng nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy bay cường kích GA-1. Đây là chiếc máy bay cường kích 3 tầng cánh duy nhất trong lịch sử máy bay quân dụng thế giới.
Để bảo vệ động cơ và 3 người ngồi trên máy bay, các kỹ sư hàng không lắp thêm tấm chắn đạn dày 6,4 mm, nặng 1 tấn (chiếm khoảng 1/4 trọng lượng máy bay). Vũ khí trên máy bay gồm 1 pháo cỡ 37mm, 8 súng máy cỡ 7,62mm. Trong đó, khẩu pháo và 5 súng máy ở phía trước do xạ thủ ngồi trước điều khiển. Số súng còn lại do xạ thủ phía sau điều khiển. Nếu máy bay muốn mang 10 quả bom loại nhỏ thì phải bỏ bớt đi một số súng máy.
Máy bay cường kích 3 tầng cánh Boeing GA-1.
Tháng 5/1921, hãng Boeing đã giao hàng chiếc đầu tiên cho Không quân Mỹ. Những máy bay này được đưa đến Kelly Field, Texas, để thử nghiệm hoạt động.
Quá trình thử nghiệm đã cho thấy loại máy bay này còn rất nhiều hạn chế. Chúng có hiệu suất thấp và tầm nhìn kém. Máy bay có tiếng ồn và độ rung lớn do lớp giáp dày gây ra.
Thêm nữa là quãng đường chạy đà cất cánh rất dài so với tiêu chuẩn vào lúc đó. Vì những lý do đó nên loại máy bay GA-1 không được các phi công tin cậy. Đến năm 1926, tất cả các máy bay kiểu GA-1 bị loại bỏ.
Máy bay phản lực đầu tiên
Năm 1940, Quân đội Đức đã thực hiện một bước cải tiến nhảy vọt trong việc chế tạo máy bay chiến đấu, đó là đưa động cơ phản lực vào thay động cơ cánh quạt. Chiếc máy bay đầu tiên sử dụng động cơ phản lực là chiếc Me262A do công ty Heinkel của Đức sản xuất.
Ngày 18/11/1940, chiếc Me262 V-1 mẫu được bay thử nghiệm thành công đã thực hiện bước nhảy vọt trong công nghệ chế tạo máy bay.
Tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới Me262A.
Máy bay Me262 A sử dụng động cơ PL 109-004 A với lực đẩy tĩnh 840 kg, tốc độ tối đa đạt 840 km/h, tầm bay 1.050 km.
Trong vòng 6-8 phút, Me262 A có thể đạt đến độ cao 6.000m, trần bay tối đa 12.000m. Máy bay này trang bị 4 khẩu pháo hàng không 30mm, 24 quả rocket R4M 50mm, 2 quả bom loại 500 kg. Ngoài ra nó còn có thiết bị ngắm con quay E2-42 để đồng bộ với các vũ khí trên máy bay.
Máy bay tiêm kích sử dụng động cơ tên lửa duy nhất
Chiếc Me163 do Không quân Đức nghiên cứu chế tạo là loại máy bay tiêm kích duy nhất trong lịch sử hàng không quân sự thế giới sử dụng động cơ tên lửa.
Me 163 có chiều dài 5,7 m, sải cánh 9,33 m, cao 2,75 m, trọng lượng có tải 3.950 kg. Máy bay này có 1 động cơ tên lửa Walter HWK 109-509 A-2 dùng nhiên liệu lỏng. Me 163 được thử nghiệm thành công năm 1941 và được đưa vào chiến đấu năm 1944.
Tính năng bay của Me 163 vượt xa những chiếc máy bay tiêm kích trang bị động cơ piston đương thời. Nó có thể đạt được độ cao 12.000 m trong một khoảng thời gian không tin nổi vào thời điểm bấy giờ, khoảng 3 phút.
Với động cơ tên lửa, tốc độ của Me 163 không một máy bay tiêm kích nào thời đó có thể sánh được. Tuy nhiên, điều trái ngược là nó lại bắn được rất ít máy bay của phe Đồng Minh. Lý do vì động cơ của Me 163 chỉ có thể hoạt động liên tục trong khoảng 8 phút.
Tiêm kích động cơ tên lửa Me163.
Vì thế, mỗi lần xuất kích, các phi công bay lên lướt qua các máy bay ném bom của đối phương rồi phải nhanh chóng trở về hạ cánh. Tốc độ bay và tốc độ lên cao cực nhanh của nó khiến mục tiêu chỉ xuất hiện trong vài giây. Thêm vào đó, nó được trang bị hai khẩu pháo MK108 cỡ nòng 30 mm có tốc độ bắn tương đối chậm.
Hệ thống nhiên liệu lỏng gây rắc rối một cách đặc biệt vì sự rò rỉ nhiên liệu khi hạ cánh mạnh có thể gây cháy nổ. Các ống nhiên liệu và khớp nối được làm bằng kim loại, kỹ thuật tốt nhất có được vào thời đó nhưng chúng cũng thường hư hỏng theo những cách không biết trước được. Vì những hạn chế đó, sau thế chiến II, không có nước nào phát triển dòng máy bay dùng động cơ tên lửa.
Máy bay chiến đấu đầu tiên cất cánh thẳng đứng
Ngày 5/11/1954, chiếc máy bay XFY-1 do phi công Coleman lái thử nghiệm từ Califonia đến Santiago là chiếc máy bay đầu tiên thử nghiệm cất hạ cánh theo phương thẳng đứng. Các khoa mục thử nghiệm gồm cất cánh thẳng đứng từ Califonia rồi bay ngang từ Califonia đến Santiago sau đó hạ cánh thẳng đứng xuống Santiago.
Chiếc máy bay này sử dụng động cơ cánh quạt do công ty Convair chế tạo. Mục đích thiết kế những chiếc máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng nhằm giúp cho công việc cất và hạ cánh trên tàu sân bay dễ dàng hơn và tiết kiệm diện tích hơn.
Chiếc XFY-1 có sải cánh 8,43 m, trọng lượng rỗng 11.700 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 16.250 kg với động cơ cánh quạt. Tốc độ tối đa có thể đạt được của XFY-1 là 610 km/h.
Máy bay cất hạ cánh thẳng đứng XFY-1.
Vào năm 1955, một lần thử nghiệm tiếp theo được tiến hành nhưng không thành công. Các vấn đề kỹ thuật gặp phải khiến dự án thiết kế máy bay cất hạ cánh theo phương thẳng đứng phải đình hoãn.
Thêm vào đó, trong khi động cơ máy bay chiến đấu phản lực có tốc độ tối đa gần Mach 2 thì các máy bay chiến đấu phản lực XFY-1 chỉ có tốc độ khoảng Mach 1 sẽ rất bất lợi.
Sau khi dự án đình hoãn, chiếc XFY-1 được chuyển đến Virginia rồi sau đó chuyển vào Bảo tàng không gian quốc gia của Mỹ ở Maryland năm 1973.
Máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên
F-117A là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới do Tập đoàn Lockheed của Mỹ chế tạo.
Ý nghĩa tàng hình của máy bay không phải là biến mất hoàn toàn dưới mắt thường mà là biến mất trên màn hình hiện sóng radar đối phương – phương tiện bắt máy bay trên không.
Ban đầu, Tập đoàn Lockheed chế tạo 2 máy bay mẫu có kích thước nhỏ, có tên gọi là “Have Blue” để kiểm nghiệm.
Sau nhiều cải tiến, Have Blue trở thành chiếc F-117A. Năm 1978, F-117A bắt đầu được chế tạo thử nghiệm. Năm 1981, mẫu thử F-117A cất cánh lần đầu thành công.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-117A.
Đến tháng 10/1983, nó chính thức được đưa vào sử dụng, tổng cộng có 57 chiếc máy bay loại này được chế tạo.
F-117A có diện tích mặt cắt phản xạ sóng radar chỉ khoảng 0,025m2, chưa bằng 1% so với máy bay chiến đấu thông thường.
Để tăng khả năng tàng hình, F-117 thiết kế khoang vũ khí trong thân máy bay có thể mang bom thường hoặc bom có điều khiển.
Ngày 20/12/1989, F-117A lần đầu được sử dụng trong cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Panama.