Top 10 tàu ngầm độc đáo nhất thế giới

Ly Vy |

Tàu ngầm K-222 có biệt danh "cá vàng" do thân tàu làm bằng kim loại có giá đắt ngang vàng ròng, tàu ngầm Akula mang theo những tên lửa có thể san phẳng hơn 300 thành phố lớn...

Dưới đây là 10 mẫu tàu ngầm độc đáo nhất trên thế giới do kênh truyền hình tvzvezda (Nga) đưa ra.

1. U-571

Tàu ngầm Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2 luôn là chủ đề được quan tâm. Trong các cuộc đối đầu trên biển, chiến thuật ưa thích của người Đức là nằm "rình mồi", sau đó nhanh chóng tấn công các đoàn tàu vận tải, tàu khu trục rồi biến mất nhanh chóng không kém.

Các hạm trưởng tàu ngầm Đức rất giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, song điều làm nên hiệu quả của lực lượng tàu ngầm Đức Quốc xã có lẽ nằm ở tính năng kỹ chiến thuật của tàu.

Nếu các tàu ngầm ở loạt thứ 1 và thứ 2 được triển khai trong chiến đấu nhưng không thích hợp để hoạt động xa bờ, các tàu ngầm loạt thứ 7 mới thật sự là những tàu ngầm "sát thủ" với tầm hoạt động xa đáng kể tính từ căn cứ.

Các tàu ngầm loạt thứ 7 (Type VII) này đã tiêu diệt một số lượng lớn tàu của các quốc gia Đồng minh.

"Con số chính xác về số lượng tàu bị tiêu diệt là một câu hỏi cực kỳ thú vị. Chúng ta biết rằng, toàn bộ hạm đội tàu ngầm Đức đã tiêu diệt khoảng 3.000 tàu của phe Đồng minh.

Phần lớn số tàu bị tiêu diệt bởi tàu ngầm thuộc loạt thứ 7 do nó được trang bị tốt, thích hợp cho các cuộc tấn công chớp nhoáng.

Một lý do nữa là những tàu ngầm này được điều khiển bởi những chỉ huy kinh nghiệm nhất" - nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Alexander Borisov nói.

Các tàu ngầm Đức có kích thước tương đối nhỏ, được trang bị động cơ diesel-điện với công suất từ 1.700 - 2.400kW, độ sâu hoạt động từ 250-270m. Trong các tình huống nguy cấp, chúng có thể lặn xuống độ sâu từ 320-350m.

Ngoài 4 ống phóng ngư lôi phía trước và 1 ống phía sau, các tàu ngầm loạt thứ 7 còn được trang bị 1 pháo cỡ nòng 88mm với cơ số đạn 220 viên, cho phép tấn công các tàu cỡ nhỏ.

Sau chiến tranh, nghiên cứu dựa trên những tàu ngầm bị bắt cho thấy đạn cỡ 20mm và 23mm không thể gây thiệt hại cho con tàu.

2. K-278

Dự án tàu ngầm K-278 của Liên Xô với biệt danh "fin" là loại tàu ngầm độc đáo trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Trước khi gặp phải tai nạn thảm khốc tại biển Na Uy, con tàu đã lập hàng loạt kỷ lục.

Với số lượng lớn các thiết bị điều khiển, mật mã, trinh sát, không nghi ngờ gì khi nói rằng đây là chiếc tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ.

Ông Nikolai Vershinin - nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và là một cựu sĩ quan tàu ngầm cho biết.

"Không phải tất cả các thông số kỹ thuật của tàu ngầm K-278 đã được giải mật nhưng hệ thống tác chiến Omnibus-685 trang bị trên tàu có thể coi là tiền thân của các hệ thống tương tự ngày nay. Một hệ thống độc nhất giúp đồng bộ hóa các thông tin trên tàu".

Ngoài các thiết bị độc đáo, tàu ngầm Komsomolets còn thiết lập một kỷ lục mà cho đến nay vẫn chưa bị phá vỡ, đó là độ sâu lặn tối đa. Trong một chuyến thử nghiệm, con tàu đã lặn tới độ sâu 1.027m.

3. K-222

 

Tàu ngầm thuộc đề án 661 Anchar của Hải quân Liên Xô đã thiết lập kỷ lục về tốc độ khi lặn, lên đến 44,7 hải lý/giờ (tương đương tốc độ 82,8km/giờ).

Hiệu suất tốc độ cao đạt được phần lớn nhờ vào việc cách mạng hóa vật liệu đóng tàu ngầm. Lần đầu tiên trong lịch sử, thay vì sử dụng thép để đóng, con tàu đã sử dụng vật liệu titan.

Do toàn bộ thân tàu làm bằng titan, có giá đắt tương đương vàng ròng nên con tàu còn có biệt danh là "Cá vàng". Chi phí đóng tàu rơi vào khoảng 2 tỷ Rúp lúc bấy giờ.

4. Antey

Một trong những mối đe dọa chính với Liên Xô nằm ở nhóm tác chiến tàu sân bay, với hàng không mẫu hạm và đội tàu hộ tống của nó.

Để giải quyết vấn đề này, Liên Xô đã thiết kế và chế tạo các tàu ngầm đề án 949A Antey trang bị trên lửa hành trình P-700.

Các tàu ngầm Antey trong nhiều năm trở thành nỗi ác mộng và đau đầu với NATO. Tàu ngầm đề án 949A là mẫu tàu ngầm hiện đại và tiên tiến nhất trong phân khúc, nhiệm vụ chính của nó là tiêu diệt biên đội tàu sân bay tấn công của đối phương.

5. "Tàu ngầm không thể nổi"

Vào năm 2013, một bê bối nghiêm trọng đã xảy ra, liên quan đến việc Chính phủ Tây Ban Nha chi 680 triệu USD để chế tạo tàu ngầm.

Theo tờ Daily Telegraph, các nhà thiết kế đã tính toán sai sót nghiêm trọng trong quá trình thiết kế tàu, khiến nó chỉ có thể lặn mà không nổi lên. Các chuyên gia nhận định, việc nổi lên vượt quá khả năng của con tàu này.

S-80 là tàu ngầm đầu tiên hoàn toàn do người Tây Ban Nha thiết kế, nó được nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng sẽ giúp tàu ngầm nước này đủ sức cạnh tranh với các tàu ngầm của Mỹ và Nga trong tương lai.

Tuy nhiên, số phận của con tàu lại rẽ sang một hướng khác, S-80 quá nặng để đi vào hoạt động và nó không được chấp nhận.

6. Piranha

Tàu ngầm mang định danh "Piranha" tương tự như một con cá ăn thịt có khả năng tấn công vào căn cứ hải quân của đối phương.

Nhiệm vụ chính của chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ này là tấn công các mục tiêu hải quân của đối phương tại một khu vực cụ thể.

Với lượng giãn nước nhỏ, con tàu được trang bị 2 ống phóng lôi cỡ 400mm, có khả năng gây thiệt hại đáng kể đến cảng hải quân đối phương hoặc các tàu neo đậu riêng lẻ.

Ngoài ngư lôi, tàu được trang bị các thiết bị điện tử đặc biệt, thiết bị gây nhiễu cùng các thiết bị khác giúp nghiên cứu các vật thể của đối phương. Phần thân được làm từ hợp kim titan của tàu giúp nó có thể lặn tới độ sâu 250m.

7. Barracuda và Condor

Trong năm 2014, Hải quân Nga bắt đầu hiện đại hóa một trong những dự án tàu ngầm công nghệ tiên tiến nhất của mình, đó là tàu ngầm thuộc đề án 945 Barracuda và đề án 945A Condor. Chúng được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ tiêu diệt biên đội tàu sân bay.

Tính năng đặc thù của các tàu ngầm đề án 945 là phần thân tàu được làm từ hợp kim nhôm, có độ bộc lộ tối thiểu, nó được trang bị 1 radar độc nhất có thể phát hiện và xác định được tàu đối phương từ khoảng cách gấp đôi so với radar thông thường trang bị trên tàu ngầm.

Theo kế hoạch hiện đại hóa, ngoài bổ sung nhiên liệu hạt nhân mới và sửa chữa các bộ phận cơ khí, tàu ngầm đề án 945 còn được trang bị một hệ thống quản lý và thông tin tác chiến mới.

Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa hành trình Caliber sẽ giúp nó có khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất.

8. Lada

 

Vào giữa tháng 03-2015, Nga đã khởi đóng tàu ngầm Velikiye Luki thuộc đề án 677 Lada tại nhà máy đóng tàu ở St. Petersburg.

Tàu ngầm này có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ tác chiến như: tấn công tàu ngầm và tàu nổi, các mục tiêu trên bờ biển, rải mìn.

Ngoài ra, con tàu cũng có thể đổ bộ và đưa các nhóm trinh sát vào bờ. Khác với tàu ngầm Lada trước đó, tàu Velikiye Luki về cơ bản sẽ là một dự án hoàn toàn mới.

9. "Taxi" cho đặc nhiệm Hải quân

Công tác phát triển và chế tạo tàu ngầm cỡ nhỏ Triton cho Hải quân Liên Xô được xúc tiến nhằm mục đích đưa người nhái tiếp cận các mục tiêu ở khoảng cách xa. Những tàu ngầm loại này không mang vũ khí nhưng có thể hoán cải để mang theo chất nổ khi cần thiết.

Hiện tại, mẫu tàu ngầm cỡ nhỏ Triton-1M đã được trang bị cho Hạm đội Phương Bắc, hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Theo dự đoán của các chuyên gia, trong tương lai, Hải quân Nga sẽ tiếp nhận nhiều tàu ngầm cỡ nhỏ hiện đại hơn.

10. Akula

Là loại tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới, tàu ngầm hạt nhân đề án 941 Akula (NATO định danh là lớp Typhoon) là niềm tự hào của ngành công nghiệp đóng tàu Liên Xô.

Với chiều dài 173m, một chiếc tàu ngầm Akula còn dài hơn sân bóng đá, chiều cao 25m của nó ngang với một tòa nhà 7 tầng.

Mỗi tàu ngầm Akula mang theo 20 tên lửa đạn đạo R-39, sức công phá của chúng có thể san phẳng diện tích tương đương hơn 300 thành phố lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại