Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Hợp đồng mua tên lửa HQ-9 chưa ngã ngũ

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Tổng thống Abdullah Gül cho biết hợp đồng với TQ về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa chưa phải là quyết định cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng tôi chưa chắc chắn hoàn toàn về hợp đồng này. Đơn giản là có một danh sách để chúng tôi lựa chọn và Trung Quốc đứng đầu trong danh sách đó. Chúng tôi cũng phải nhìn nhận vào các điều kiện khác nữa, tuy nhiên thực tế rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO. Đây là một vấn đề đa chiều, một mặt chúng tôi phải tính đến yếu tố kĩ thuật và kinh tế, mặt khác yếu tố đồng minh quân sự cũng cần phải cân nhắc. Tất cả các yếu tố này đang được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá toàn bộ” - Ông Abdullah Gül cho biết hôm qua (29/9).

Ủy ban điều hành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ do Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan đứng đầu đã quyết định lựa chọn hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) do hãng CPMIEC Trung Quốc sản xuất.
Ủy ban điều hành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ do Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan đứng đầu đã quyết định lựa chọn hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) do hãng CPMIEC Trung Quốc sản xuất.

Trước đó ngày 28/9, Mỹ đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước quyết định cùng sản xuất một hệ thống tên lửa đánh chặn và phòng không tầm xa với một công ty của Trung Quốc hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Hợp đồng được trao cho Tập đoàn Xuất-Nhập khẩu Cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMEIC), nơi sản xuất hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa HQ-9 của Trung Quốc.

CPMIEC hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới việc vi phạm Đạo luật cấm không phổ biến vũ khí ở Iran, Triều Tiên và Syria. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu rằng Mỹ rất lo ngại trước quyết định trên của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi hệ thống này không tương thích với các hệ thống của NATO. Một số nhà phân tích quân sự phương Tây cũng phát biểu rằng họ rất ngạc nhiên trước quyết định trên của Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó họ kì vọng rằng hợp đồng sẽ được trao cho Raytheon với tên lửa Patriot, hoặc liên doanh Pháp/Ý Eurosam SAMP/T.

Liên quan đến giá trị của hợp đồng này, giá ước tính ban đầu là 4 tỉ USD, tuy nhiên các quan chức Trung Quốc cho biết giá trị thực tế của bản hợp đồng này chỉ vào khoảng từ 3 đến 3,5 tỉ USD. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa được trang bị hệ thống tên lửa tầm xa nào, khoảng hơn một nửa số radar phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ được NATO tài trợ và chúng làm thành một bộ phận trong mạng phòng không mặt đất của NATO.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng riêng một hệ thống phòng không nói trên, việc tách ra khỏi hệ thống phòng không của NATO cũng đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất năng lực của một nửa số radar của mình, bởi Thổ Nhĩ Kỳ cần tích hợp dữ liệu của hệ thống Trung Quốc với các tổ hợp của NATO, cơ bản là dữ liệu trên hệ thống phân biệt bạn-thù (Identify Friend and Foe system). Đây là dữ liệu tối mật của NATO và chắc chắn sẽ không được lắp đặt trên bất kì hệ thống nào của Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại