Mặc dù Bình Nhưỡng đe dọa sẽ tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ, mục tiêu sát sườn nhất của chương trình hạt nhân này, có thể Triều Tiên cũng sẵn lòng bán công nghệ đó cho các quốc gia mà Washington coi là những nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Người dân Bình Nhưỡng xem tin về vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của Triều Tiên.
Nỗi lo sợ về các vụ mua bán đó càng được thúc đẩy khi trong tuần này, Nhật Bản xác nhận khối hàng hóa mà nước này bắt giữ hồi năm ngoái, bị nghi đến từ Triều Tiên, có chứa loại nguyên liệu để chế tạo máy li tâm hạt nhân, công cụ quan trọng trong việc làm giàu uranium cho bom nguyên tử.
Theo Graham Allison, một chuyên gia về hạt nhân tại Đại học Harvard Kennedy, thì thông điệp mà Triều Tiên gửi gắm là: “Hạt nhân dành để bán”.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành phóng thử tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào quĩ đạo nhưng phương Tây cho rằng đây là vỏ bọc cho vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo. Ngày 12/2, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân dưới mặt đất lần thứ 3, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận trừng phạt.
Các chuyên gia về hạt nhân cho rằng Triều Tiên có đủ nguyên liệu hạt nhân để chế tạo vài quả bom dạng thô nhưng chưa có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng có thể gài đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, có thể Triều Tiên sẽ bán công nghệ hạt nhân cho các quốc gia khác, giống như những gì mà nước này được cho là đã làm trong quá khứ.
“Triều Tiên ngày càng có năng lực kĩ thuật và sự tự tin để bán vũ khí và công nghệ ra nước ngoài, mà không lo sợ bị trả đũa, và sự tự tin đó có được là do năng lực hạt nhân ngày càng lớn mạnh của nước này”, Joel Wit, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu tại một cuộc hội thảo hạt nhân vừa diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc.
Triều Tiên tuyên bố nước này cần vũ khí hạt nhân do chính sách thù địch của Hoa Kỳ đối với Bình Nhưỡng. Hôm nay, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công quân sự nếu Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các chuyến bay thử dùng máy bay ném bom B-52 có thể chở bom hạt nhân.
Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các quốc gia khác cho rằng mục tiêu thực sự của Triều Tiên khi đưa ra những lời đe dọa chiến tranh là viện trợ và các nhượng bộ khác. Thậm chí cả Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, cũng phản đối tham vọng hạt nhân của nước này.
Theo nhà phân tích Shin Beomchul tại Viện phân tích quốc phòng Triều Tiên ở Seoul cho rằng các thương vụ hạt nhân của Triều Tiên có thể giúp nước này kiếm tiền và số tiền này sẽ được đưa trở lại phục vụ cho các chương trình chế tạo vũ khí.
Năng lực hạt nhân ngày càng lớn mạnh giúp Triều Tiên hấp dẫn hơn trong mắt các khách hàng, đặc biệt là nếu nước này thực sự dùng uranium làm giàu trong vụ thử hạt nhân hồi tháng trước.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (trái) và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam tại Tehran, Iran tháng 9/2012.
Nỗi lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên gia tăng kể từ cuối năm 2010 khi nước này tiết lộ về hoạt động làm giàu uranium. Hai vụ thử hạt nhân trước của Triều Tiên vào năm 2006 và 2009 bị nghi ngờ sử dụng nguyên liệu plutonium. Một quả bom uranium dễ sản xuất hơn một quả bom plutonium và việc chế tạo uranium làm giàu dễ dàng che giấu hơn.
Theo chuyên gia hạt nhân Allison, một vụ thử hạt nhân dùng uranium làm giàu “sẽ thông báo với cả thế giới – trong đó có cả các khách hàng tiềm năng – rằng Triều Tiên đang vận hành một dây chuyền sản xuất mới và bí mật để sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã bóng gió rằng sẽ có hành động đáp trả nếu Washington phát hiện ra Triều Tiên có liên quan tới bất kỳ vụ tấn công hạt nhân nào vào Mỹ hay đồng minh của Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, Tom Donilon, tuyên bố việc Bình Nhưỡng chuyển giao công nghệ hạt nhân hay sử dụng bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào “sẽ được coi là mối đe dọa nghiêm trọng tới Hoa Kỳ và các đồng minh và chúng tôi sẽ buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho các hậu quả”.
Đã từ lâu các quan chức Mỹ vẫn theo dõi việc sử dụng công nghệ hạt nhân và vũ khí của Triều Tiên. Do bị cấm vận, các vụ bán tên lửa của Triều Tiên đã giảm đi nhưng Iran và Syria, hai nước bị Washington coi là cái gai trong mắt, vẫn tiếp tục là khách hàng của Bình Nhưỡng.