1. Trực thăng vận tải - chiến đấu Mi-8 Hip
Thông số cơ bản: Kíp lái 3 người; dài 18,17 m; đường kính rotor 21,29 m; cao 5,65 m; trọng lượng rỗng 7.260 kg, có tải 11.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 12.000 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ Klimov TV3-117Mt công suất 1.454 kW (1.950 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 260 km/h, tầm bay 450 km, tầm bay chuyển sân 960 km, trần bay 4.500 m. Sức chứa 24 người hoặc 1.500 kg vũ khí dưới 6 giá treo gồm bom, rocket và tên lửa chống tăng.
Mil Mi-8 (NATO định danh Hip) là loại máy bay trực thăng vận tải - chiến đấu 2 động cơ được đưa vào phục vụ trong Không quân Liên Xô từ năm 1967. Mi-8 được sử dụng ở hơn 50 quốc gia trong đó có cả Việt Nam, với con số ước tính khoảng 80 chiếc còn hoạt động. Hiện nay, Không quân Việt Nam đang từng bước thay thế Mi-8 bằng phiên bản Mi-17 hiện đại hơn.
2. Trực thăng vận tải - chiến đấu Mi-17 / Mi-171 / Mi-172 Hip-H
Thông số cơ bản: Kíp lái 3 người; dài 18,465 m; đường kính rotor 21,25 m; cao 4,76 m; trọng lượng rỗng 7.489 kg, có tải 11.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 13.000 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ Klimov TV3-117VM công suất 1.633 kW (2.190 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 250 km/h, tầm bay chuyển sân 960 km, trần bay 6.000 m. Sức chứa 30 người hoặc 1.500 kg vũ khí dưới 6 giá treo gồm bom, rocket, súng máy gắn ngoài và tên lửa chống tăng.
Mil Mi-17 Hip-H là biến thể nâng cấp của trực thăng vận tải đa năng Mil Mi-8, ban đầu máy bay được gọi là Mi-8TMB. Mi-17 trang bị động cơ mới có công suất lớn hơn và khung máy bay được gia cường để đáp ứng yêu cầu tăng tải trọng hàng hóa. Ngoài chức năng vận tải, Mi-17 và các biến thể đều có năng lực chiến đấu khá tốt.
Điểm khác biệt của Mi-17 so với Mi-8 là được bổ sung thêm 2 lưới lọc trước cửa hút không khí của động cơ. Rotor đuôi bố trí ở bên trái thay vì bên phải như Mi-8 để tăng khả năng ổn định của trực thăng do động cơ mới có công suất lớn hơn.
Bên cạnh phiên bản gốc Mi-17, hiện tại Không quân Việt Nam còn sử dụng 2 biến thế khác gồm Mi-171 và Mi-172 trong đó Mi-171 dùng chủ yếu cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn còn Mi-172 nằm trong đội hình Tổng công ty trực thăng Việt Nam phục vụ chở khách.
Trực thăng Mi-171
Trực thăng Mi-172
3. Trực thăng săn ngầm Ka-28, trực thăng vận tải Ka-32
Trực thăng Ka-28
Thông số cơ bản: Kíp lái 2 - 3 người; dài 11,3 m; đường kính rotor 2 x 15,8 m; cao 5,5 m; trọng lượng rỗng 6.500 kg, có tải 11.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 12.000 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ Isotov TV3-117V công suất 1.660 kW (2.230 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 270 km/h, tầm bay chuyển sân 980 km, trần bay 5.000 m. Sức tải 4.000 kg vũ khí treo bên ngoài gồm bom chìm, ngư lôi và rocket chống ngầm.
Ka-28 là phiên bản xuất khẩu của Ka-27 Helix, một loại máy bay trực thăng chống ngầm do Kamov sản xuất để trang bị cho Hải quân Liên Xô. Công việc thiết kế Ka-27 bắt đầu năm 1970 và hoàn thành vào năm 1973. Giống như nhiều máy bay trực thăng Kamov khác, Ka-27 có cấu hình 2 rotor đồng trục triệt tiêu momen quay nên không cần cánh quạt đuôi.
Từ nguyên mẫu, nhiều phiên bản Ka-27/28 đã ra đời bao gồm máy bay tìm kiếm cứu hộ loại thường và loại có vũ trang, máy bay trực thăng vận tải trên biển Ka-29 và phiên bản dân sự Ka-32. Hiện nay Ka-32 Helix-C trong biên chế của Không quân Việt Nam chủ yếu phục vụ nhiệm vụ bay tiếp tế cho các giàn khoan dầu khí.
Trực thăng Ka-32
4. Trực thăng vận tải - cứu hộ EC-155B (AS-365) Dauphin
Thông số cơ bản: Kíp lái 2 người; dài 13,73 m; đường kính rotor 11,94 m; cao 4,06 m; trọng lượng rỗng 2.411 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 4.300 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ Turbomeca Arriel 2C công suất 625 kW (838 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 306 km/h, tầm bay chuyển sân 827 km, trần bay 5.865 m, sức chứa 11 hành khách.
Eurocopter Dauphin hay còn được gọi là AS-365/EC-155 là loại trực thăng đa năng 2 động cơ chủ yếu dùng cho mục đích vận tải, cứu hộ và chống ngầm. Trực thăng Dauphin của Việt Nam là phiên bản vận tải - cứu hộ được biên chế cho Tổng công ty trực thăng Việt Nam.
5. Trực thăng vận tải - cứu hộ EC-225 Super Puma
Thông số cơ bản: Kíp lái 2 người; dài 19,5 m; đường kính rotor 16,2 m; cao 4,97 m; trọng lượng rỗng 5.265 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 11.200 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ Turbomeca Makila 2A1 công suất 1.776 kW (2.382 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 275,5 km/h, tầm bay chuyển sân 985 km, trần bay 5.900 m, sức chứa 24 hành khách.
EC-225 Super Puma là loại máy bay vận tải hành khách đường dài được phát triển bởi Eurocopter dựa trên chiếc AS-332 với một số cải tiến về 5 lưỡi chính của cánh quạt nhằm giảm độ rung. EC-225 được thiết kế nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trên biển và cũng có thể sử dụng với mục đích chuyên chở khách VIP và cứu hộ cứu nạn. Hiện tại Tổng công ty trực thăng Việt Nam có tất cả 4 chiếc EC-225 Super Puma.
6. Trực thăng huấn luyện EC-120B Colibri
Thông số cơ bản: Kíp lái 2 người; dài 9,6 m; đường kính rotor 10,0 m; cao 3,4 m; trọng lượng rỗng 991 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 1.715 kg. Máy bay được trang bị 1 động cơ Turbomeca Arrius 2F công suất 376 kW (504 shp) cho tốc độ tối đa 278 km/h, tầm bay chuyển sân 710 km, trần bay 5.182 m, sức chứa 4 hành khách.
EC-120 Colibri là loại trực thăng hạng nhẹ 5 chỗ ngồi, 1 động cơ, 1 rotor chính được phát triển bởi Eurocopter. EC-120 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 9/6/1995 và bắt đầu sản xuất loạt từ năm 1998. Hiện nay, EC-120 được Tổng công ty Trực thăng Việt Nam sử dụng chủ yếu cho mục đích huấn luyện phi công và bay du lịch.
7. Trực thăng vận tải - chiến đấu UH-1 Huey
Thông số cơ bản: Kíp lái 1 - 4 người; dài 17,4 m (với rotor); đường kính rotor 14,63 m; cao 4,39 m; trọng lượng rỗng 2.365 kg, có tải 4.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 4.309 kg. Máy bay được trang bị 1 động cơ Lycoming T53-L-11 công suất 820 kW (1.100 shp) cho tốc độ tối đa 217 km/h, tầm bay chuyển sân 507 km, trần bay 5.910 m. Sức chứa 14 người cùng vũ khí gồm rocket và súng máy gắn ngoài.
UH-1 Iroquois là loại máy bay trực thăng quân sự đa năng do hãng Bell chế tạo, UH-1 rất nổi tiếng và được coi là một trong những biểu tượng của chiến tranh Việt Nam, nó thường được biết dưới tên dùng trong Thủy quân lục chiến Mỹ là Huey.
Sau năm 1975, Không quân Việt Nam thu được khoảng 50 chiếc UH-1 nhưng sau đó do hao hụt trong chiến tranh biên giới Tây Nam và thiếu phụ tùng bảo dưỡng nên toàn bộ số UH-1 đã phải nghỉ hưu. Tuy nhiên đến năm 2005, Việt Nam đã thực hiện dự án khôi phục hoạt động cho UH-1 với tổng cộng 14 chiếc hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại. Phiên bản UH-1 đang được Việt Nam sử dụng là UH-1H với đặc điểm nhận dạng là cửa xả ngửa lên trên.
Ngoài những loại trực thăng trên, Không quân Việt Nam đã từng có sự phục vụ của Mi-4, Mi-6, Mi-24A, Ka-25 và CH-47. Tuy nhiên, tất cả đều đã nghỉ hưu do hết hạn sử dụng.
Huấn luyện nhảy dù từ trực thăng Mi-171
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA