1. 3M11 Fleyta (AT-2 Swatter)
Thông số cơ bản: Dài: 1,16m; Đường kính: 0,148m; Sải cánh: 0,68m; Trọng lượng: 27 kg (đầu đạn 5,4 kg HEAT); Tầm bắn: 0,5 - 2,5 km (Mod B: 3,5 km; Mod C: 4 km); Sức xuyên: 500mm giáp đồng nhất.
3M11 Fleyta là loại tên lửa chống tăng dẫn đường thủ công (MCLOS - Manual Command Line Of Sight) do Liên Xô sản xuất, NATO định danh cho loại tên lửa này là AT-2 Swatter. AT-2 được phòng thiết kế Nudelman OKB-16 phát triển với vai trò như một loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM - Anti Tank Guided Missile) hạng nặng nhằm trang bị cho cả trực thăng và phương tiện mặt đất.
AT-2 gặp phải cùng một số vấn đề như của 3M6 Shmel (AT-1 Snapper) như tầm bắn ngắn và có độ tin cậy không cao. Loại tên lửa này được điều khiển qua sóng vô tuyến thay vì dẫn hướng bằng dây, kiểu điều khiển này cho phép tên lửa bay nhanh hơn nhưng lại rất dễ bị gây nhiễu. Tên lửa 3M11 được giới thiệu cho Khrushchev vào tháng 9/1964 và được chấp nhận trang bị cho quân đội ngay sau đó.
AT-2 Swatter gắn trên trực thăng Mi-24A của Việt Nam
Tên lửa chống tăng AT-2 xuất hiện tại Việt Nam khá lâu sau khi AT-3 được đưa vào sử dụng, nó chủ yếu được trang bị cho trực thăng vũ trang Mi-24A và đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia những năm đầu thập kỷ 1980.
2. 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger)
Thông số cơ bản: Dài: 0,86m; Đường kính: 0,125m; Sải cánh: 0,393m; Trọng lượng: 10,9 kg (đầu đạn 2,5 kg HEAT); Tầm bắn: 0,5 - 3,0 km; Sức xuyên: 400mm giáp đồng nhất.
Tổ hợp tên lửa 9M14 Malyutka hay được gọi là 9K11 (tên định danh NATO: AT-3 Sagger, tên Việt Nam: B-72) là loại tên lửa chống tăng điều khiển thủ công (MCLOS) bằng dây của Liên Xô. AT-3 là loại tên lửa chống tăng mang vác có điều khiển được sử dụng rộng rãi nhất. Trong thời gian từ 1962 - 1970, số tên lửa được sản xuất và đưa vào sử dụng đã đạt đến đỉnh cao là 25.000 quả mỗi năm. Nhiều phiên bản sao chép AT-3 Sagger đã được chế tạo với tên gọi khác nhau ở một số nước.
Được sản xuất dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ AT-1/2 nên Malyutka có nhiều ưu điểm như kích thước nhỏ gọn hơn nhưng sức xuyên vẫn được đảm bảo. Theo biên chế của Liên Xô, mỗi trung đội AT-3 có 2 tổ, mỗi tổ có 2 khẩu đội. Trong mỗi khẩu đội, ngoài xạ thủ chính điều khiển tên lửa còn có 1 xạ thủ phụ sử dụng súng chống tăng RPG-7 để khống chế khoảng cách 500m mà tên lửa không phát huy được tác dụng. Tuy nhiên khi vào Việt Nam năm 1972, kiểu biên chế này bị bãi bỏ mà không hề làm giảm sức chiến đấu của AT-3.
AT-3 Sagger trên thiết giáp BMP-1 trong lễ duyệt binh năm 1985
AT-3 có thể mang vác hoặc lắp đặt trên các loại xe chiến đấu bộ binh như BMP-1, BRDM-1/2... Khi mang vác, tên lửa được đặt trong một va li mà lúc chiến đấu chính là bệ phóng 9P111. Xạ thủ sẽ sử dụng bộ điều khiển 9S415 để lái tên lửa đến mục tiêu bằng cách truyền tín hiệu qua dây dẫn.
3. 9K111 Fagot (AT-4 Spigot)
Thông số cơ bản: Dài: 1,03m; Đường kính: 0,12m; Trọng lượng: 11,5 kg; Tầm bắn: 0,07 - 2,0 km (2,5 km với AT-4B); Sức xuyên: 500mm giáp đồng nhất (550mm với AT-4B).
9M111 Fagot (Tên NATO AT-4 Spigot) là loại tên lửa chống tăng bán tự động (SACLOS - Semi Automatic Command Line Of Sight) dẫn hướng bằng dây do Liên Xô sản xuất. 9M111 là tên định danh GRAU của tên lửa.
AT-4 được phát triển bởi Phòng thiết kế máy Tula (Tula KBP), công việc bắt đầu vào năm 1962 và được đưa vào trang bị năm 1970. 9M111 Fagot được phát triển cùng lúc với 9M113 Konkurs (AT-5 Spandrel), cả hai loại tên lửa này đều dùng chung một công nghệ chỉ khác nhau ở kích thước.
Theo biên chế của Quân đội Liên Xô, một trung đội AT-4 gồm 2 khẩu đội, mỗi khẩu đội có 3 người, ngoài xạ thủ chính mang ống phóng và giá 3 chân là 2 xạ thủ phụ mang 4 tên lửa trong ba lô chuyên dụng. AT-4 còn được gắn trên các loại thiết giáp như BMP-1/2 hay BRDM-1/2.
AT-4 Spigot của Việt Nam
Tên lửa chống tăng AT-4 Spigot vào Việt Nam từ năm 1987 và giống như AT-3 nó cũng được Việt hóa với tên định danh B-87 hay còn được gọi bằng tên gốc là Fagot.
4. 9K113 Konkurs (AT-5 Spandrel)
Thông số cơ bản: Dài: 1,15m; Đường kính: 0,135m; Sải cánh: 0,468m; Trọng lượng: 14,6 kg; Đầu đạn: 2,7 kg HE; Tầm bắn: 0,07 - 4,0 km; Sức xuyên: 600mm giáp đồng nhất.
9M113 Konkurs (Tên định danh NATO: AT-5 Spandrel) là tổ hợp tên lửa chống tăng điều khiển bằng dây bán tự động (SACLOS) do Liên Xô sản xuất, 9M113 là tên gọi theo quy định của GRAU.
Được thử nghiệm năm 1962 và chính thức được đưa vào biên chế trang bị của Quân đội Liên Xô năm 1974. Ban đầu, các nhà thiết kế tính toán sẽ lắp đặt AT-5 trên các loại xe bọc thép như: BMP-2, BRDM-2, tuy nhiên sau đó tên lửa cũng sử dụng những bệ phóng cải tiến kiểu 9P135M của AT-4 để có thể mang vác.
Thời điểm mới ra đời, AT-5 được coi là có tính năng tương đương với những loại tên lửa chống tăng khác của Pháp và Ý như HOT hoặc MILAN nhưng gọn nhẹ và đa năng hơn. Sau này khi hệ thống phòng thủ bị động của xe tăng được tăng cường với giáp ERA thì AT-5 có phiên bản cải tiến AT-5B Konkurs-M với đầu nổ tandem. Tên lửa Konkurs-M hiện vẫn được sử dụng trong Quân đội Nga.
AT-5 Spandrel gắn trên BMP-2 của Việt Nam
Hiện chưa có thông tin về việc AT-5 xuất hiện tại Việt Nam vào thời điểm nào và hình ảnh về nó cũng rất ít, ở trên là một bức ảnh hiếm hoi về tên lửa chống tăng AT-5 trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam.
5. BMG-71A TOW
Thông số cơ bản: Dài: 1,16m; Đường kính: 0,152m; Sải cánh: 0,46m; Trọng lượng: 18,9 kg; Đầu đạn: 3,9 kg (2,4 kg HE) HEAT; Tầm bắn: 0,065 - 3,75 km; Sức xuyên: 430mm giáp đồng nhất.
BGM-71 TOW là loại tên lửa chống tăng có điều khiển được chế tạo lần đầu vào năm 1970 và đã trải qua thử nghiệm trong Chiến tranh Việt Nam. Tên lửa được trang bị động cơ nhiên liệu rắn 2 tầng đẩy, điều chỉnh đường bay thông qua các cánh lái. TOW có độ linh hoạt khá cao khi có thể được bắn đi từ giá phóng lắp trên xe quân sự và trực thăng chiến đấu.
Ở biến thể BMG-71A sử dụng trên chiến trường Việt Nam, sau khi khai hỏa xạ thủ phải luôn giữ kính ngắm theo dõi mục tiêu và truyền lệnh thông qua dây dẫn để đảm bảo tên lửa bay trúng đích. Phương thức điều khiển đó khá thô sơ nên hiệu quả mang lại chưa phải là cao. Đặc điểm tác xạ còn buộc xạ thủ phải phơi mình trên chiến trường nên kíp chiến đấu không được đảm bảo an toàn.
Tên lửa BMG-71A TOW trong bảo tàng
Sau chiến tranh, quân ta đã thu được một số tên lửa TOW nhưng do số lượng không nhiều cùng với chế độ sử dụng khác biệt nên hầu hết đã được niêm cất, một phần được chuyển giao cho Liên Xô để nghiên cứu. Hiện nay, toàn bộ số tên lửa TOW của Việt Nam đã hết hạn sử dụng và vị trí của chúng bây giờ là ở trong bảo tàng.
Tên lửa chống tăng AT-3 và AT-4 của Việt Nam tiêu diệt mục tiêu
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA