Phải chăng toàn bộ khu vực Trung Đông đã vào ngưỡng cửa một cuộc chiến tranh với 2 bên gồm Iran đứng đầu dòng Shiite và Arabia Saudi đứng đầu dòng Sunni?
Tại thời điểm này, Saudi, Bahrain, Sudan, rút đại sứ, cắt đứt ngoại giao với Iran còn UAE hạ cấp đại sứ. Nếu có chiến tranh thì sẽ theo kịch bản nào?
Saudi Arabia "người khổng lồ chân đất sét"?
Lực lượng vũ trang của Saudi Arabia được trang bị các thiết bị quân sự hiện đại nhất và đủ số lượng, chủng loại. Ngân sách quân sự đứng thứ 4 trên thế giới với gần 60 tỷ USD. Tổng quân số 233.000 người.
Lục quân được trang bị 450 xe tăng M1A2 Abrams, khoảng 400 xe chiến đấu bộ binh và hơn 2.000 xe bọc thép, 50 hệ thống phóng loạt tên lửa M270 của Mỹ, 60 tên lửa đạn đạo "Dongfeng-3" của Trung Quốc tầm bắn tới 2.500 km, nhưng có độ chính xác rất thấp.
Không quân có 152 máy bay F-15 với các biến thể khác nhau, 81 Tornado (châu Âu) và 32 Eurofighter Typhoon của Anh. Ngoài ra, có những máy bay cảnh báo sớm, chỉ huy trên không (AWACS) và một lượng lớn máy bay vận tải quân sự.
Các máy bay tiêm kích F-15 hiện đại của Arab Saudi.
Phòng không tương đối mạnh mẽ với 16 hệ thống tên lửa phòng tầm xa của Patriot PAC-2, nhiều tổ hợp tên lửa Hawki Crotale, cùng hàng trăm tên lửa vác vai Stinger.
Hải quân có 2 hạm đội: Hạm đội Tây Biển Đỏ và Hạm đội Đông trong vùng Vịnh Ba Tư. Trong vùng Vịnh, có 3 tàu lớp frigate AlRiyadh (hiện đại hóa của Lafayette Pháp) với tên lửa chống tàu (ASM) Exocet MM40 block II với tầm bắn lên đến 72 km.
Trong Biển Đỏ có 4 tàu khu trục nhỏ lớp Al Madinah với RCC Otomat Mk2 với tầm bắn tối đa lên đến 180 km, 4 tàu hộ tống lớp American Badr với tên lửa chống tàu Harpoon. Đối với các tàu đổ bộ, có 8 chiếc, phục vụ đổ bộ tối đa 800 người tại một thời điểm.
Lực lượng vũ trang Iran có một số 550.000 người. Ngân sách quân sự năm 2015 là khoảng 10 tỷ USD. Lục quân có hơn 1.600 xe tăng, trong đó có khoảng 480 T-72Z và 150 xe tăng tương đối hiện đại Zulfiqar nội địa dựa trên T-72 và M60 của Mỹ.
Iran còn có một lượng rất lớn xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép (chủ yếu xuất xứ từ Liên Xô trước đây), cũng như pháo binh.
Lực lượng tên lửa chiến lược tầm trung, tầm xa do Iran chế tạo vốn khiến Mỹ lo lắng với số lượng nhiều “không còn chỗ chứa”.
Không quân bao gồm chừng 300 máy bay chiến đầu các loại có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu và Nga nhưng đa phần đã lỗi thời.
Về phòng không, Iran có những thay đổi cơ bản trong những năm gần đây khi họ nhận được các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1 của Nga và bắt đầu nhận S-300. Tuy nhiên S-300 còn quá sớm để đối đầu với Saudi Arabia.
Đối với Hải quân, hầu hết các tàu đều tập trung ở Vịnh Ba Tư, một phần nhỏ còn lại đóng ở biển Caspian.
Có 3 tàu ngầm Project 877 (Kilo đời đầu); 26 tàu ngầm mini mang ngư lôi, mìn; 5 tàu khu trục, 6 tàu hộ tống do Iran tự chế tạo; hơn 50 tàu mang tên lửa (Trung Quốc, Iran và Đức sản xuất).
Tất cả các tàu tên lửa của Iran sử dụng tên lửa Trung Quốc sản xuất P-701 (khoảng 35 km, ASW) và YJ-82 (tầm hoạt động lên đến 120 km).
So sánh lực lượng 2 bên chúng ta thấy: Vũ khí trang bị của Saudi rất hoành tráng, ấn tượng nhưng lợi thế hải quân và đặc biệt tác chiến tầm xa thì Iran vượt trội. Hiệu quả tác chiến hay khả năng chiến đấu của Saudi rất đáng thất vọng.
Bởi thực tế hơn 10 tháng Liên minh do Saudi đứng đầu với 150.000 quân, 185 máy bay đánh “hội đồng” lực lượng Houthis tại Yemen do Iran hậu thuẫn, trang bị vũ khí kém cỏi nhưng vẫn không có kết quả gì lớn.
Như vậy ý chí chiến đấu và trí tuệ của bộ tham mưu chiến tranh của Saudi không bằng Iran.
Ngoài ra, Iran có tổ hợp công nghiệp quân sự của riêng mình, nên không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung bên ngoài. Iran tự chủ được tên lửa tầm trung, tầm xa, con át chủ bài trong tác chiến tầm xa.
Trước tình hình căng thẳng đang đẩy lên cao thì nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Saudi Arabia và Iran là có thật.
Lợi thế tác chiến tầm xa của Iran vượt trội so với Arab Saudi.
Nếu điều đó xảy ra, sẽ có 2 kịch bản sau đây:
1. Tăng cường độ xung đột tại Syria, Iraq và Yemen
Thực tế, đây là cuộc chiến ủy nhiệm mà 2 nước đã tiến hành trong mấy năm qua, đặc biệt là tại Syria.
Hơn 4 năm trầy trật, tốn không biết bao nhiêu tiền của, hậu thuẫn cho lực lượng đối lập và kể các lực lượng hồi giáo cực đoan khác, với mục tiêu “Assad phải ra đi” nhưng vẫn không thu được kết quả.
Đã thế, khi Nga can thiệp trực tiếp vào Syria thì tình thế lại khác hẳn khi lực lượng Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bị Nga đánh cho tan tác.
Quân đội Assad cùng với sự hỗ trợ mặt đất của Iran đã đứng vững và phản công đẩy lực lượng đối lập vào nguy cơ bị tiêu diệt.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng cuồng loạn, Saudi cay cú thành lập liên minh 34 quốc gia chống khủng bố mà thực chất là tập hợp lực lượng dòng Sunni để chống Nga và Iran.
Vậy tình huống cường độ xung đột tăng lên tại Syria, Iraq, Yemen là gì?
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mạnh hơn ở phía Bắc Iraq, còn Saudi sẽ cung cấp vũ khí trang bị nhiều hơn cho quân nổi dậy ở Syria.
Tại Yemen, sau gần 1 năm Saudi liên minh với 10 quốc gia khác gồm Jordan, Qatar, Kuwait, Bahrain và UAE… cùng sự ủng hộ của Mỹ, không kích vào Yemen làm hơn 3.000 người chết, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng như LHQ cảnh báo.
Một bé gái Yemen hoảng loạn trong một đợt không kích của Arab Saudi. Ảnh Khaled Abdullah Ali/Reuters.
Cùng việc đẩy căng thẳng lên cao đồng thời là lệnh ngừng bắn tại Yemen đã bị bãi bỏ. Liên minh do Saudi đứng đầu tiếp tục không kích, can thiệp thô bạo vào chủ quyền quốc gia Yemen.
Rõ ràng, việc Arabia Saudi tăng cường độ xung đột lên cao không phải để đạt được mục tiêu quân sự bởi tại Syria, dùng biện pháp quân sự lật đổ Assad là vô vọng.
Trong khi đó tại Yemen, Saudi Arabia không muốn biến Yemen thành “một Việt Nam” của họ như tờ Al Jazeera đã nhận định.
Arabia Saudi cùng Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng, tăng cường độ xung đột để phá hoại đàm phán hòa bình, ổn định cho Syria khi chính quyền Assad ngày càng vững mạnh sẽ có lợi thế lớn trong một giải pháp chính trị sắp tới.
Đồng thời, qua đó Arabia Saudi tăng giá dầu khi sức chịu đựng thâm hụt ngân sách đã đến giới hạn.
Thực tế, kịch bản này đã, đang xảy ra.
2. Cuộc chiến trực tiếp, toàn diện.
Do Arabia Saudi không có chung biên giới với Iran cho nên chiến trường chính sẽ là Vịnh Ba Tư và các quốc gia nằm giáp với gồm những quốc gia đã vội vàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran kể trên và đặc biệt nóng là tại Yemen đang diễn ra.
Cuộc chiến như kịch bản 1 nêu trên đã, đang diễn ra và nếu như tiếp tục leo thang đến mức khiến 2 quốc gia Iran-A Saudi trực tiếp “lao vào nhau” toàn diện thì Arabia Saudi sẽ xuất hiện những tử huyệt sau đây:
Thứ nhất, tử huyệt nguy hiểm nhất là Yemen.
Chiến dịch “Bão táp quyết chiến” do Arabia Saudi đứng đầu 10 nước vùng Vịnh, ngoại trừ Oman, đã thu được kết quả khi phá tan cơ sở hạ tầng mỏng manh của Yemen, lực lượng không quân và tên lửa của Houthis.
Tuy nhiên, giải quyết trên chiến trường chỉ khi người lính xuất hiện, nhưng tiếc thay đây là một mạo hiểm và nỗi sợ của liên quân khi đưa quân vào lãnh thổ Yemen.
Lịch sử còn ghi nhận cuộc xâm lược của Saudi Arbia vào Yemen năm 2009, khi đó lực lượng Houthis còn yếu, thiếu kinh nghiệm hơn nhiều, bị cô lập hơn nhiều lần bây giờ, nhưng vẫn đẩy lùi đội quân của nhà Saudi.
Hiện nay, tuyên bố của lực lượng Houthis rằng, nếu Saudi Arabia vẫn tiếp tục không kích thì Houthis buộc phải tấn công vào lãnh thổ của Saudi Arabia, ngoài ra Houthis có đủ khả năng phong tỏa eo biển Beb Al-Mandeb nếu cần.
Đây không phải lời nói suông khi đã có sự hỗ trợ của Iran, Nga và tất nhiên Iran sẽ triệt để khai thác lợi thế này. Nên biết rằng, người dân Yemen chỉ đứng sau người dân Mỹ sở hữu vũ khí cá nhân.
Vì thế, nếu như Saudi Arabia cùng liên minh giải giáp được lực lượng Houthis thì một tình thế như Iraq, Lybia, và các nơi khác sẽ xuất hiện có thể tràn sang biên giới của Saudi, sẽ biến Arabia Saudi thành thảm họa.
Trong khi đó Iran không có một “hàng xóm” nào như vậy, như Yemen cạnh Arabia Saudi.
Kho tên lửa tầm xa, tầm trung của Iran “không đủ chứa”.
Thứ hai, tấn công tầm xa.
Như trên đã nói, Iran và Arabia Saudi không giáp nhau cho nên, tấn công nhau nếu như không có chiến trường thứ 3 thì phương án tác chiến chủ yếu là dùng không quân, tên lửa dội vào nhau.
Biết rằng lực lượng không quân nhà Saudi hiện đại, tiên tiến hơn Iran nhưng chưa đủ sức vượt mặt được S-300 mà ngay cả không quân Mỹ cũng phải ngán ngại.
Trong khi tên lửa tầm xa, tầm trung của Iran thì vượt trội về số lượng “kho không đủ chứa” do họ tự sản xuất được.
Rốt cuộc, nhà Saudi chỉ còn cách ngồi nhìn tên lửa Iran bay vào và trăm sự nhờ vào hệ thống đánh chặn “phập phù” của mình mang tên Patriot PAC-2 của Mỹ.
Thứ ba, hải quân.
So sánh lực lượng, Hải quân Iran tập trung, mạnh hơn hải quân nhà Saudi, có lợi thế hơn khi có thể gây áp lực mạnh mẽ, trực tiếp vào bờ biển phía Đông nhà Saudi.
Không những thế, đặc biệt, nếu như Arabia Saudi kêu gọi được các quốc gia khác tham gia liên minh đánh Iran thì hải quân Iran sẽ và thừa khả năng phong tỏa eo biển Hormuz.
Một động thái như vậy sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế cho các nước vùng Vịnh, họ mất tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường dầu lửa, trong khi Iran có thể tự mình tiếp tục xuất khẩu dầu cùng với Nga và Mỹ.
Với khách hàng thì dầu của Nga, Mỹ hay Iran… không khác dầu của vùng Vịnh.
Là giới quân sự, chỉ cần soi 3 tử huyệt này thì nhà Saudi không thể phát động một cuộc chiến trực tiếp, toàn diện với Iran.
Tuy nhiên, Arabia Saudi không hẳn là không có lợi thế.
Chẳng hạn, nhà Saudi có rất nhiều đồng minh là các quốc gia dòng Sunni tại vùng Vịnh, đặc biệt, câu hỏi quan trọng nhất là liệu các đồng minh lớn như Ai Cập, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ có theo “gậy chỉ huy” của nhà Saudi tham gia trực tiếp tấn công Iran hay không.
Pakistan là quốc gia hạt nhân đã không gia nhập vào liên minh 34 quốc gia do Arabia Saudi thành lập vừa qua lại đang có mối quan tâm lớn tại khu vực của mình…thì khả năng tham gia là không thể.
Thổ Nhĩ Kỳ với chính sách đối ngoại hung hăng vốn có với Syria, Iraq, Iran là có thể, nhưng tình thế trong nước, người Kurd… khiến họ không dám manh động.
Ai Cập, ở thời điểm này đang tham gia vào sự phong tỏa của bờ biển Yemen, nhưng không có khả năng can thiệp nhiều hơn vì khả năng tác chiến xa ngoài lãnh thổ của quân đội Ai Cập đang là ý muốn xa xỉ.
Nhưng có lẽ quyết định quan trọng nhất là Nga và Mỹ. 2 cường quốc này không muốn, bởi nếu có một liên minh như vậy tham gia tấn công Iran thì địa chính trị Trung Đông sẽ sụp đổ, hậu quả sẽ khôn lường.
Trung Quốc cũng thế, 52% lượng dầu lửa nhập khẩu của họ chủ yếu từ Iran và Arabia Saudi. Nếu chiến tranh xảy ra, họ buộc phải nhập khẩu dầu từ Nga, Mỹ là điều không muốn chút nào.
Như vậy, kịch bản thứ hai này là không thể xảy ra.
Arabia Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ dù có ham muốn, chuẩn bị bao lâu nay trong khi Iran bị cấm vận thì vẫn chưa đủ tầm, đủ tuổi để bá chủ khu vực. Dù dòng Sunni chiếm 80% so với dòng Shiite 20% thì số lượng không có ý nghĩa tại Trung Đông.
Hy vọng rằng các bên liên quan sẽ đủ tỉnh táo để kiềm chế, không để xảy ra chiến tranh.