Tổ hợp tên lửa Trung Quốc HQ-9: Đứa "con lai" Nga-Mỹ

Trung Quốc đã kết hợp công nghệ Nga-Mỹ để tạo nên đứa "con lai": tổ hợp tên lửa Hồng Kỳ-9 (HQ-9). Đây là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

HQ-9 được phát triển bởi học viện Công nghệ Quốc phòng thuộc Tổng công ty Khoa học & Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc.

HQ-9 đang phục vụ cả trong lực lượng phòng không mặt đất củng như trong lực lượng hải quân của quân đội Trung Quốc.

Tổ hợp này được thiết kế để tham chiến với nhiều mục tiêu như máy bay có cánh cố định, trực thăng ở cả tầm thấp lẫn tầm cao. Hơn thế, HQ-9 có khả năng trong việc chống lại tên lửa đạn đạo. Hệ thống này đang phục vụ cả trong lực lượng phòng không mặt đất cũng như trong lực lượng hải quân của quân đội Trung Quốc.

Sao chép Mỹ không thành lại nhờ đến Nga

Tổ hợp tên lửa đối không HQ-9 bắt đầu được nghiên cứu chế tạo vào những năm 1980. Ban đầu nó phát triển dựa theo hệ thống tên lửa đối không Patriot của Mỹ thông qua một bên thứ ba.

Theo đó, tên lửa được thiết kế để phóng trong các ống phóng container hình hộp như Paitriot, và sử dụng một động cơ nhiên liệu rắn hai tầng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, công nghệ động cơ tên lửa của Trung Quốc còn nhiều hạn chế nên đường kính tên lửa ban đầu lên đến 700mm. Ở lần cải tiến tiếp theo, đường kính tên lửa giảm xuống còn 560mm. Do đó mỗi xe phóng chỉ mang được tối đa hai tên lửa, và nó gặp nhiều hạn chế trong khả năng cơ động trên chiến trường.

Năm 1990 vận may đã đến với Trung Quốc khi Nga đồng ý bán cho họ tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU. Ngay lập tức các kỹ sư của họ tiến hành "mổ" S-300 để nghiên cứu và không lâu sau đó một phiên bản HQ-9 khác ra đời sao chép gần như toàn bộ các công nghệ của S-300 mà không cần đến giấy phép từ phía Nga. Xe phóng và ống phóng được bố trí giống hệt S-300 của Nga.

Xe phóng và ống phóng của HQ-9 được bố trí giống hệt S-300 của Nga.

Tổ hợp HQ-9 đang được phát triển để thay thế dần các hệ thống HQ-2 phiên bản Sa-2 do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên tiến độ sản xuất HQ-9 diễn ra khá chậm do đó Trung Quốc quyết định mua thêm một số tiểu đoàn S-300PMU2 của Nga để tằng cường khả năng phòng không cho họ. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là họ muốn moi thêm công nghệ từ hệ thống S-300PMU2 để hoàn thiện các phiên bản tiếp theo của mình.

HQ-9 đã sẵn sàng cho việc triển khai hoạt động vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên chỉ có một số lượng nhỏ HQ-9 được chuyển cho quân đội Trung Quốc để thử nghiệm và đánh giá khả năng hoạt động trên chiến trường.

Tên lửa được đặt trên xe tải hạng nặng 8 bánh hiệu Taian TAS5380 8X8, với cách bố trí các ống phóng như kiểu S-300PMU1 của Nga.

Phiên bản hải quân của HQ-9 được gọi là HHQ-9 cũng được triển khai lắp đặt trên các tàu khu trục lớp Type-052C hạ thủy vào năm 2004. Nó được bố trí trên bong tàu trong các ống phóng thẳng đứng kiểu S-300F như trên các tàu hạm của Nga.

Phiên bản hải quân của HQ-9 được gọi là HHQ-9 cũng được triển khai lắp đặt trên các tàu khu trục lớp Type-052C.

Hệ thống dẫn hướng lai tạp Nga-Mỹ

HQ-9 có hệ thống dẫn đường tương tự như hệ thống Patriot của Mỹ bao gồm dẫn đường quán tính cho giai đoạn đầu và dẫn đường thông qua một kênh (TVM) ở giai đoạn cuối. Việc thay đổi đường đi được truyền đến tên lửa thông qua một (Midcourse) trung gian với sự tham gia của các trạm điều khiển từ mặt đất.

Thông số kỹ thuật:

-Trọng lượng tên lửa: 1300kg

- Kích thước: Dài 6.8m

- Trọng lượng đầu đạn: 180kg

-Tầm tác chiến: Tối thiểu 500m, tối đa 200km, 30km chống tên lửa đạn đạo.

- Động cơ: Động cơ nhiên liệu rắn một tầng có khả năng phụt chỉnh hướng.

- Dẫn đường: Dẫn đường quán tính trong giai đoạn đầu kết hợp TVM với radar bán chủ động giai đoạn cuối.

Hệ thống điều khiển đạn tên lửa của HQ-9 là loại hỗn hợp: Giai đoạn đầu sử dụng hệ thống lái tự động quán tính trên đạn để chỉnh tầm, kết hợp với lệnh điều khiển vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất để chỉnh hướng. Giai đoạn cuối sử dụng lệnh điều khiển vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất với phần tử mục tiêu được cung cấp qua cơ chế điều khiển bám sát theo đạn.

Cơ chế TVM hoạt động như sau: Radar của đạn tên lửa bắt bám mục tiêu ở pha cuối bằng cách thu sóng dội từ mục tiêu bị đài mặt đất chiếu xạ, rồi truyền phần tử mục tiêu về đài điều khiển mặt đất.

Xe đài kiểm soát bắn mặt đất sẽ tính toán và hiệu chỉnh các tham số về mục tiêu và sau truyền lệnh điều khiển vô tuyến đến tên lửa. Bán kính diệt mục tiêu của đạn tên lửa HQ-9 là 35km, ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5km.

Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn một tầng đẩy. Bộ phận đẩy của động cơ có khả năng chỉnh hướng phụt tương tự như tên lửa 5В55К - 5В55Р - 48Н6Е - 48Н6Е2 của tổ hợp S-300.

Hệ thống dẫn đường với radar bán chủ động của HQ-9 tồn tại nhiều nhược điểm, khó điều khiển. Điều này đòi hỏi kíp chiến đấu phải được huấn luyện rất kỹ. Trung Quốc đang dự định trang bị hệ dẫn đường với radar chủ động tương tự như S-400 của Nga và Patriot PAC-3 của Mỹ cho các phiên bản tiếp theo.

Cấu hình hệ thống

Hệ thống phòng không HQ-9 sử dụng một radar theo dõi mục tiêu cỡ lớn loại HT-233. Đây là một loại radar mảng pha xung phẳng 3D hoạt động ở dải băng tần C với công suất 300Mhz. Radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 150km và theo dõi mục tiêu ở cự ky 100km, tuy nhiên diện tích phản hồi radar RCS mà radar có khả năng phát hiện không được công bố.

Radar của HQ-9 có khả năng quét góc phương vị 360 độ với góc tà từ 0-65độ, hệ thống có khả năng theo dõi đồng thời 100 mục tiêu và tham chiến với 50 mục tiêu cùng lúc. Radar được đặt trên khung xe tải hạng nặng 10x10 bánh Taian TAS5380, tổng tải trọng lên đến 30 tấn nặng hơn nhiều so với radar 30N6E của Nga.

HT-233 luôn được xem là bản sao của radar 30N6E Tomb Stones của tổ hợp S-300, nó chia sẻ hầu hết công nghệ cơ bản trong thiết kế.

Tuy nhiên, HT-233 có kích thước khá lớn điều này phản ánh công nghệ sao chép của Trung Quốc chưa hoàn toàn đạt được mong muốn. Nó phản ánh sự khó khăn trong thiết kế và khả năng tuổi thọ hạn chế trong phục vụ, hệ thống tiêu thụ điện năng rất lớn. Các nâng cấp gần đây cho phép thu nhỏ kích thước của radar và ít tiêu thụ điện năng hơn.

Khẩu đội của HQ-9 được biên chế bốn xe phóng với 4 tên lửa/xe liên kết với một radar kiểm soát bắn HT-233 thông qua một xe đài chỉ huy TWS-312, xe tiếp đạn ND1206.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp HT-233 vì nó giữ nguyên kiểu thiết kế angten độc đáo của radar 30N6E. Ngoài ra, nó còn có khả năng tiến hóa dạng sóng độc đáo trong bám bắt và xử lý tín hiệu. Quân đội Trung Quốc liên tục cải tiến tính năng này, tương tự như sự tiến hóa của J-11B từ SU-27SK.

Bên trong phòng điều khiển của HQ-9 rất hiện đại. Hệ thống ứng dụng kiểu thiết kế màn hình AMCLD COTS và phần mềm kiểm soát bắn hiện đại dựa trên việc tổng hợp và lựa chọn chế độ hiển thị mục tiêu. Điều này cho phép hệ thống tham chiến cùng lúc với nhiều mục tiêu hơn. Đây là cải tiến quan trọng so với việc sử dụng công nghệ CTR của tổ hợp S-300PMU của Nga.

Khẩu đội của HQ-9 được biên chế bốn xe phóng với 4 tên lửa/xe liên kết với một radar kiểm soát bắn HT-233 thông qua một xe đài chỉ huy TWS-312, xe tiếp đạn ND1206. Thông thường thì khẩu đội được dẫn bắn bởi một radar kiểm soát bắn duy nhất.

Hệ thống có tầm tác chiến chống máy bay là 150km. Phiên bản cải tiến gần đây nâng tầm bắn tối đa lên 200km với độ cao tối đa là 30km. Các báo cáo của Trung Quốc cho rằng hệ thống có khả năng chống tên lửa đạn đạo tương tự như S-300PMU của Nga, tuy nhiên tính năng này chưa được kiểm chứng.

Tổ hợp HQ-9 có khả năng sử dụng tương thích cả với các radar theo dõi của Nga, cũng như việc dùng chung các loại đạn tên lửa do Nga sản xuất. Điều này khiến nó có thể triển khai xen kẽ với hệ thống S-300 tạo nên hệ thống phòng không hoàn hảo hơn.

HQ-9 được thiết kế ngay từ đầu cho nhiệm vụ kiểu “ẩn, bắn, chuồn”. Đây là một yêu cầu quan trọng trong nhiệm vụ chống SEAD/DEAD, vấn đề mà trong một thời gian dài không được cải tiến khi mà hệ thống phòng không của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các hệ thống tĩnh như HQ-2 phiên bản SA-2 do họ sản xuất.

Các chuyên gia của Nga khẳng định còn lâu hệ thống này mới có thể so sánh được với S-300 đời đầu chứ chưa nói đến S-300PMU1,2.

Xúc tiến xuất khẩu

Hiện chưa có hợp đồng nào được kí kết, nhưng Trung Quốc đang chào hàng biến thể xuất khẩu của HQ-9 có tên gọi là FD-2000 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia châu Á khác. Đây là một thách thức với hệ thống S-300 của Nga trên thị trường xuất khẩu, bởi suy cho cùng đây là đứa con lai của S-300 và Patriot.

Trong khi giá cả của nó cũng rất phải chăng đúng kiểu Trung Quốc, tuy nhiên các chuyên gia của Nga khẳng định còn lâu hệ thống này mới có thể so sánh được với S-300 đời đầu chứ chưa nói đến S-300PMU1,2.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại