Sức mạnh quân sự của Syria
Ngày 27/8, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem tuyên bố nước ông sẽ tự vệ "bằng mọi nguồn lực sẵn có" trong trường hợp Mỹ phát động một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Sở dĩ chính quyền Damacus có thể tuyên bố hùng hồn như vậy bởi lẽ Syria đang sở hữu một sức mạnh quân sự khiến nhiều cường quốc phải trả giá đắt nếu quyết tâm gây chiến.
Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng, Syria có một sức mạnh quân đội đáng sợ với 330.000 binh lính và rất nhiều vũ khí hiện đại do Nga và Iran cung cấp.
Syria được cho là đang có trong tay khoảng 900 hệ thống tên lửa phòng không, 4.000 pháo phòng không cỡ nòng từ 23-100 mm và khoảng 400 tiêm kích các loại. Syria cũng có 48 hệ thống phòng không S-200 Angara với khả năng chống nhiễu cực kỳ hiệu quả. Ngoài ra, quốc gia Trung Đông này còn có các hệ thống phòng không Pantsir-S1.
Trong số 400 tiêm kích của Syria, có 60 máy bay MiG-29 đời cuối và 30 tiêm kích đánh chặn MiG-25.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian 2002 đến 2011, Syria đã tăng cường bổ sung và hiện đại hóa vũ khí cho quân đội nước này. Nhập khẩu vũ khí của Syria trong thời gian này tăng đến 580%.
Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã mạnh tay chi hàng tỉ USD cho những hệ thống phòng thủ hiện đại của Nga, phần lớn được chuyển đến trong năm ngoái.
Ngoài ra, Syria được cho là đang sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất Trung Đông. Không có gì đảm bảo Assad sẽ không động tới kho vũ khí này nếu bị dồn vào bước đường cùng. Syria khác hẳn Iraq, quốc gia bị chụp mũ sở hữu vũ khí hóa học, hạt nhân nhưng thực chất không có gì.
Sức mạnh phòng thủ của Syria là không thể chối cãi, đủ để các chuyên gia quân sự, tưởng lĩnh nhiều kinh nghiệm trận mạc của Mỹ và đồng minh hiểu rằng sẽ là một cái giá đắt nếu trực tiếp tham chiến.
Assad yên tâm nghênh chiến vì có chỗ dựa tinh thần?
Trong một cuộc chiến hiện đại với bối cảnh thế giới đa cực, sự hậu thuẫn của các cường quốc là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Damacus nếu thực sự chiến tranh nổ ra. Trước hết, Nga luôn là đối tác để Assad trao gửi niềm tin của mình.
Giữa tháng 8, Nga đã từ chối lời đề nghị hợp đồng vũ khí 15 tỷ USD của Ả Rập Saudi để giữ vững lập trường ủng hộ đồng minh của mình. Trước đó, hồi cuối tháng 6, Nga đã cử 20 tàu chiến (gồm tàu đổ bộ và tàu khu trục) của Hạm đội Hắc hải tới Đại Tây Dương, áp sát vùng biển Syria trong bối cảnh lo ngại phương Tây tiến hành can thiệp quân sự.
Lực lượng này hiện vẫn đóng tại Địa Trung Hải, ngoài ra, Nga còn điều tàu sân bay duy nhất của mình, “Đô đốc Kuznetsov” đến khu vực này.
Còn một cường quốc, không thua kém Mỹ nhiều về mặt kinh tế và ảnh hưởng quốc tế là Trung Quốc, dù ít dù nhiều cũng đồng quan điểm với Nga về vấn đề Syria.
Thế giới ngày nay đã xa rồi cảnh Mỹ và đồng minh có quyền áp đặt mọi thứ lên LHQ hay bất kỳ quốc gia nào. Còn nhớ, với Iraq, Mỹ đã đơn phương gây chiến dù không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng hiện tại, tiếng nói của Trung Quốc, của Nga đã có sức nặng hơn, và thế giới cũng tỏ ra không thích cách làm của người Mỹ kẻ từ cuộc chiến tại Iraq hay Afghanistan.
Assad có đủ khả năng thực hiện chiến tranh nhân dân?
Trong một tuyên bố gần đây, hôm 26/8, trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, ông Assad đã khẳng định nếu Mỹ tấn công Syria, chắc chắn sẽ chuốc thất bại như những gì đã nhận được ở chiến tranh Việt Nam.
Ông Assad nhấn mạnh: “Chúng tôi là một quốc gia độc lập và chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố đồng thời xây dựng mối quan hệ với những ai mà chúng tôi thấy tốt cho nhân dân Syria”
Nhưng thực tế, lòng dân của Syria có được như những gì mà Tổng thống Assad mong muốn?
Hai năm nội chiến đẩy đất nước Syria vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và dân sinh. Từng đoàn người tị nạn di chuyển khắp đất nước, lan sang những nước láng giềng và hàng triệu người Syria đang sống nhờ vào sự viện trợ của các tổ chức nhân đạo. Hơn 100.000 dân thường đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến và con số này không ngừng tăng lên.
Trong khi đó, bản thân đất nước đang chia thành ba phe đối lập, quân đội chính phủ, phiến quân và lực lượng người Kurd.
Một điều chắc chắn, người Kurd không ưa gì chế độ của Assad, trong quá khứ đã có những hành động phân biệt và kỳ thị họ. Và người Kurd cũng không chấp nhận phiến quân bởi một loạt hành động tấn công mang màu sắc khủng bố lên đồng bào họ trong khu kiểm soát của phiến quân.
Khi có sự tham chiến của Mỹ và đồng minh, chắc chắn người Kurd sẽ “tọa sơn quan hổ đấu” và chờ đợi thời cơ để chiếm quyền tự trị.
Tuy nhiên, để nói về thế trận lòng dân, ông Assad đang có lợi thế hơn phiến quân. Theo báo cáo của Cơ quan Quan sát Nhân quyền Syria hồi cuối tháng 6, những khu vực chịu ảnh hưởng của quân đội Assad gần như mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, gần như không có dấu ấn của chiến tranh.
Việc dòng người tị nạn đã lựa chọn những khu vực này làm bến đỗ cho thấy người dân sẽ tốt hơn nếu ở bên Tổng thống Assad.
Ngoài ra, ông Assad còn là một người khôn ngoan khi sử dụng nước cờ “chiêu hàng” để đánh vào tâm lý của những tay súng Syria trong lực lượng nỏi dậy. Khi uy hiếp Aleppo, đã có hàng trăm phiến quân “quẳng giáo xin hàng” để đứng về hàng ngũ của ông Assad.
Tổng thống Syria gần đây liên tục công bố những hình ảnh thân thiện của mình khi thăm nom bệnh viện, trại tị nạn, đứng giữa vòng vây của người ủng hộ, hay trực tiếp ra chiến trường úy lạo quân sĩ...
Hơn nữa, sự can thiệp sâu của thế lưc khủng bố vào phiến quân và những hành động hành quyết, uy hiếp đã tạo ra một làn sóng phản đối không nhỏ trong dân chúng Syria.
Nếu quả thực Tổng thống Assad đủ khả năng “thu phục nhân tâm”, xây dựng được một thế trận chiến tranh nhân dân thì mọi cuộc xâm lược từ thế lực bên ngoài sẽ không thể sớm hẹn hồi kết.
Tuy nhiên, một Syria mệt nhoài và tổn thương suốt 2 năm, đã quá đủ máu và súng, liệu ông Assad sẽ lấy gì làm mục đích chung để lòng dân ngả về phía mình?
S-300 của Syria đang ở đâu?
Để bổ xung sức mạnh cho lưới lửa phòng không, Syria đã đặt mua hệ thống S-300 của Nga từ năm 2011 với giá 1 tỷ USD.
Nếu S-300 xuất hiện trong biên chế của quân đội Syria, sức mạnh phòng không của Syria sẽ lên một tầm cao mới. Phương án tấn công bằng tên lửa đạn đạo mà Mỹ và đồng minh đề ra cũng vì thế mà lung lay. Tuy nhiên, S-300 của Syria đang ở đâu?
Đầu tháng 8/2013, công ty sản xuất S-300 cho Syria đã tuyên bố hoãn lại kế hoạch chuyển giao hệ thống này cho Syria đến tháng 6/2014 mặc dù đã sản xuất xong. Việc hoãn giao S-300 cho Syria cũng tương tự như việc Nga chưa vội chuyển 12 chiến đấu cơ MiG-29.
Chuyên gia quân sự Nga Ruslan Pukhov nói với hãng tin RT rằng “việc hoãn chuyển giao này sẽ có lợi cho Syria vì S-300 xuất hiện sẽ gây tác động chính trị rất lớn trong khu vực” và bản thân chính quyền Damacus sẽ phải chịu đựng nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, chắc sẽ không còn gì tồi tệ hơn việc Syria đang phải đối diện với một cuộc không kích quy mô lớn bằng tên lửa đạn đạo. Có lẽ, điều ông Assad trông đợi từ nước ngoài lúc này, là được nhìn thấy S-300 bên cạnh mình.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!