Tin xấu với Mỹ: DF-21D chưa phải tên lửa diệt hạm đáng sợ nhất TQ

Bảo An |

(Soha.vn) - Tên lửa diệt hạm "nguy hiểm nhất" của TQ có tầm bắn lên tới 400km, biến nó trở thành một trong những ASCM có tầm bắn xa nhất từng được giới thiệu.

Bản báo cáo thường niên năm 2014 của Lầu Năm Góc về năng lực quân sự của Trung Quốc đã đề cập tới YJ-12, một sự bổ sung mới nhất trong danh mục các loại tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) của Bắc Kinh.

"Loại tên lửa mới làm tăng mối đe dọa đối với các phương tiện hải quân bởi tầm bắn xa và tốc độ siêu âm" - Bản báo cáo viết.

Theo Robert Haddick, một nhà thầu quốc phòng độc lập tại Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ, nhận định trên đúng nhưng vẫn có phần nói giảm, nói tránh. Trên thực tế, YJ-12 là tên lửa chống tàu nguy hiểm nhất mà Trung Quốc chế tạo cho đến nay.

So với tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, YJ-12 tạo ra mối đe dọa lớn hơn tới lực lượng tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của tên lửa YJ-12 cho thấy Hải quân Mỹ đang tụt hậu trong cuộc đua tên lửa với Trung Quốc và phơi bày những sai lầm trong khái niệm tác chiến mà Washington và các đồng minh phụ thuộc trong nhiều năm.

Một bức ảnh rò rỉ của tên lửa YJ-12

YJ-12 có tầm bắn lên tới 400km, biến nó trở thành một trong những ASCM có tầm bắn xa nhất từng được giới thiệu

Theo một nghiên cứu năm 2011 được đăng trên chuyên san Naval War College Review, YJ-12 có tầm bắn lên tới 400km, biến nó trở thành một trong những ASCM có tầm bắn xa nhất từng được giới thiệu (xa hơn nhiều so với tầm bắn 124km của tên lửa Harpoon Mỹ). Điều quan trọng là, với tầm bắn 400km, máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể phóng tên lửa YJ-12 bên ngoài phạm vi tác chiến của Hệ thống chiến đấu Aegis và tên lửa SM-2 đang được triển khai để bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Trong quá khứ, khi các ASCM của đối phương chỉ có tầm bắn 100km hoặc ngắn hơn, nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ có nhiều thời gian hơn để ứng phó bằng các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng thủ. Nó cũng có thể tiêu diệt chiến đấu cơ của đối phương trước khi chúng phóng tên lửa ASCM và có nhiều thời gian hơn để đối phó với những cuộc tấn công như vậy. Tuy nhiên, với tầm bắn lên tới 400km, YJ-12 sẽ làm suy yếu mạnh các lợi thế trước đây của Hải quân Mỹ.

YJ-12 có thể được phóng từ máy bay chiến đấu Su-30MKK hoặc J-11B

YJ-12 có thể được phóng từ máy bay chiến đấu Su-30MKK hoặc J-11B

Trong một kịch bản tương lai, Trung Quốc có thể thực hiện một cuộc tấn công vào các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ bằng 2 trung đoàn máy bay chiến đấu Flanker (bao gồm 48 máy bay chiến đấu Su-30MKK hay biến thể máy bay ném bom/chiến đấu J-11B. Mỗi máy bay này có thể được trang bị 2 đến 4 tên lửa YJ-12. Mặc dù lực lượng tuần tra chiến đấu trên không của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có thể bắn hạ một số chiến đấu cơ Trung Quốc trước khi chúng phóng tên lửa, nhưng nhóm tác chiến tàu sân bay vẫn đối mặt với nguy cơ phải chống lại hơn 100 ASCM đến từ nhiều hướng.

Hệ thống phòng không của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ chỉ có chưa đầy 45 gây để đánh chặn các tên lửa sau khi chúng xuất hiện từ đường chân trời. Các tên lửa YJ-12 sử dụng nhiều loại cảm ứng khác nhau để phát hiện mục tiêu và thực hiện đổi hướng bất ngờ để vượt qua tuyến phòng thủ cuối cùng của đối phương. Một nghiên cứu của trường Đào tạo Hải quân Mỹ sau đại học kết luận rằng trong các cuộc tấn công của tên lửa chống hạm trước đây vào các chiến hạm mặt nước, chỉ 32% tên lửa tấn công đánh trúng mục tiêu. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ cần 5% số tên lửa YJ-12 được phóng đi đánh trúng mục tiêu thì đó vẫn sẽ là một thiệt hại lớn cho nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa DF-21D chưa phải là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu chiến Mỹ
Tên lửa DF-21D chưa phải là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu chiến Mỹ

Sự kết hợp máy bay chiến đấu Flanker và tên lửa YJ-12, với khả năng tấn công các mục tiêu cách Trung Quốc tới 1.900km, là một vấn đề nghiêm trong đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho dù tên lửa YJ-12 chưa được thử nghiệm với một mục tiêu di động trên biển. Tên lửa YJ-12 phụ thuộc vào một mạng lưới liên lạc và quan sát không gian dễ bị tổn thương, vì vậy hệ thống này sẽ là mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Ngược lại, một cuộc tấn công bằng các chiến đấu cơ Flanker sẽ tương đối đơn giản và không phụ thuộc vào các hệ thống liên lạc phức tạp, dễ tổn thương.

Các quan chức Hải quân Mỹ đã nhận thức được mối đe dọa từ tên lửa YJ-12 đối với lực lượng mặt nước. Hải quân Mỹ dự định sẽ trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa mới cho lực lượng này. Họ cũng có kế hoạch xây dựng mạng lưới các cảm biến và các loại vũ khí có khả năng phối hợp tác chiến chung. Các thành phần này sẽ bao gồm máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2D, tên lửa SM-6, tiêm kích F-35 và các phần mềm chia sẻ thông tin giữa các đơn vị tác chiến khác nhau. Mục đích của Hải quân Mỹ là nhằm khôi phục lại sự nguyên trạng trước khi có sự xuất hiện của các loại tên lửa như YJ-12, cụ thể là khả năng bắn hạ các máy bay chiến đấu mang tên lửa của đối phương từ xa và trước khi chúng kịp phóng ASCM.

Các kế hoạch xây dựng hệ thống đánh chặn tầm xa mới của Hải quân Mỹ được kỳ vọng sẽ thành công. Tuy nhiên, chúng có vẻ dễ bị tổn thương như hệ thống mà Hải quân Mỹ xây dựng để chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D Trung Quốc. Trong khi đó, các ASCM trong tương lai có thể được cải tiến với tầm bắn xa hơn và thiết bị tìm kiếm mục tiêu tốt hơn. Trong cuộc chạy đua này, các tên lửa và máy bay chiến đấu của Trung Quốc dường như chiếm ưu thế hơn về chi phí và công nghệ.

Điều này sẽ càng làm tăng hoài nghi về các khái niệm tác chiến lâu đời của quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Những hoài nghi này càng làm các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân đội Trung Quốc tự tin rằng họ chứ không phải Mỹ thu được lợi ích từ sự leo thang trong một xung đột tương lai.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Robert Haddick

Mô phỏng một đợt tấn công của tên lửa DF-21D. Nguồn: Defense-Update

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại