Chiếc tàu ngầm "khủng" này lâu nay chỉ được nghe nói đến và qua một số ảnh tư liệu, chưa ai tận mắt nhìn thấy, bởi lẽ nó bị Mỹ đánh chìm hồi năm 1946 vì sợ Liên Xô yêu cầu chuyển giao công nghệ tàu ngầm này theo hiệp ước chia chiến lợi phẩm của đồng minh.
Từ đó đến nay có nhiều đợt nghiên cứu tìm kiếm diễn ra trong khi Hải quân Mỹ thì lặng thinh. Việc phát hiện chiếc tàu ngầm này do Đại học Hawaii tiến hành bằng tàu lặn tự hành Pisces V, ở ngoài khơi đảo Oahu, thuộc Hawaii, dưới độ sâu khoảng 700 m. Tàu được tìm thấy từ đầu tháng 8.2013, nhưng nay mới công bố sau khi cơ quan quản lý đại dương (NOAA) tham khảo ý kiến cơ quan chức năng của Mỹ lẫn Nhật.
I-400 là tàu ngầm hiện đại và lớn nhất thời đó và mãi đến những năm 1960 khi tàu ngầm chạy bằng động cơ hạt nhân xuất hiện. Tàu này dài hơn 120 m, lượng giãn nước 5.900 tấn, với 3 thủy phi cơ loại M6A1 Seiran (mang theo 1 trái bom 1 tấn/chiếc). Tàu này lớn gấp đôi tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xã và tàu ngầm Mỹ thời thế chiến II.
Chiếc tàu ngầm lai tàu sân bay này có thể di chuyển quãng đường dài 37.500 dặm (60.350 km), tức vòng quanh trái đất 1,5 lần mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Kỷ lục này đến nay chưa một tàu ngầm chạy điện - diesel nào có thể đạt được.
Ba chiếc máy bay trên tàu ngầm này (cánh gập được) chứa trong hangar dài 31 m, đường kính 3,5 m trên boong tàu. Khi tàu nổi lên, cửa hangar mở, máy bay sẽ được phóng đi từ một đường ray trên boong tàu. Khi quay về, máy bay hạ cánh xuống mặt nước và cần cẩu trên tàu ngầm cẩu máy bay lên.
Tàu còn được trang bị đại bác 140 mm ở phía đuôi, bắn xa 15 km, và nhiều khẩu pháo phòng không loại 25 mm, 8 ống phóng ngư lôi, radar quét xa 80 km.
Nhật Bản dự định đóng 18 chiếc, nhưng cuối cùng chỉ 3 chiếc được đóng từ năm 1943, trong đó 2 chiếc đã hoạt động là I-400 và I-401. Chiếc I-402 đang đóng thì Nhật Bản đầu hàng.
I-400 được thiết kế với mục đích tấn công kênh đào Panama và sau đó là vùng bờ đông nước Mỹ (Đại Tây Dương).
Hải quân Mỹ đã tịch thu hạm đội tàu ngầm, tàu chiến Nhật Bản sau khi Nhật đầu hàng tháng 8.1945. Chiếc I-400, I-401 cùng 3 chiếc khác được đưa về Trân Châu Cảng để nghiên cứu. Tuy nhiên sau khi có tin Liên Xô yêu cầu cho tiếp xúc tàu ngầm này để nghiên cứu theo hiệp ước chia sẻ công nghệ quốc phòng của đồng minh đối với chiến lợi phẩm của phe địch, phía Mỹ không muốn trao bí quyết công nghệ vào tay Liên Xô nên quyết định đánh chìm các tàu ngầm này.
Sau đó phía Mỹ tuyên bố không có thông tin gì về loại tàu ngầm "khủng" nói trên của Nhật.
Từ đó đến nay có nhiều cuộc thám hiểm đại dương dò tìm con tàu huyền thoại của Nhật Bản. Và ngày 1.8.2013, nhóm nghiên cứu của Đại học Hawaii đã tìm thấy xác tàu I-400 ngoài khơi đảo Oahu. Sau đó cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) đã tham vấn phát hiện này với giới chức chính phủ Mỹ và Nhật Bản, cuối cùng cho phép Đại học Hawaii công bố ngày 2.12.
Sau khi các tài liệu của Hải quân được giải mật, Đại học Hawaii mới có thể xác định vị trí để dò tìm con tàu ngầm lai tàu sân bay nổi tiếng này.
Một số hình ảnh về chiếc tàu ngầm "khủng" này của Nhật Bản thời thế chiến II (ảnh: Hải quân Mỹ):