Thông số kỹ thuật xe thiết giáp chở quân Type-63 (K-63)
Trọng lượng: 12,6 tấn
Dài: 5,476 m
Rộng: 2,978 m
Cao: 2,58 m
Kíp xe: 2 + 10 lính bộ binh
Vũ khí: 1 súng máy DShK 12,7 mm
Động cơ: diesel KHD BF8L 413F V-8 320 mã lực
Tầm hoạt động: 500 km
Vận tốc tối đa: 65 km/h trên đường tốt và 46 km/h trên đường xấu
Type-63 (mã định danh công nghiệp YW-531) là loại xe thiết giáp chở quân (APC) do Trung Quốc sản xuất, chính thức đi vào biên chế năm 1964. Đây là chiếc xe bọc thép đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo mà không cần sự trợ giúp về kỹ thuật của Liên Xô. Với thiết kế đơn giản và tin cậy, Type-63 thường được so sánh với các loại APC cùng thời như M-113 của Mỹ.
Thân xe thiết giáp Type-63 làm bằng thép hàn, chỗ dày nhất đạt 14 mm cung cấp khả năng chống lại các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ. Kíp chiến đấu tiêu chuẩn của xe là 12 người nhưng có thể lên tới tối đa 15 người. Vị trí lái xe (ở phía trước, bên trái) có 2 kính tiềm vọng quan sát ban ngày, cho phép bao quát phía trước và bên phải xe, một trong những kính tiềm vọng đó có thể thay thế bằng thiết bị quan sát ban đêm. Vị trí trưởng xe (ở phía trước, bên phải) được trang bị một kính tiềm vọng có thể xoay 3600 bố trí trên nóc xe. Ở một số biến thể, kíp xe còn có thành viên thứ 3 ngồi bên trái, phía sau lái xe và vị trí này cũng được trang bị kính tiềm vọng có thể xoay 3600.
Động cơ diesel của Type-63 là loại 8 xy lanh làm mát bằng không khí có công suất 320 mã lực tại vòng tua máy 2.500 vòng/phút. Chiếc xe có 5 số tiến và 1 số lùi với hàng 4 bánh chịu lực mỗi bên, dải xích không có con lăn bổ trợ. Bình nhiên liệu của Type-63 có dung tích 450 lít cho quãng đường hành trình khoảng 500 km. Type-63 thực chất là một chiếc xe thiết giáp đổ bộ, khi bơi tấm chắn xếp gọn phía trước cần được nâng lên, sau đó xe có thể di chuyển trong nước bằng chính xích của mình.
Xe thiết giáp Type-63 của Trung Quốc trong bảo tàng
Vũ khí của Type-63 là khẩu súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm gắn ở giữa xe, súng có thể xoay 3600 và nâng lên tới góc 900.
Có tất cả khoảng 8.000 chiếc APC Type-63 đã được sản xuất bởi NORINCO, đưa nó trở thành loại xe thiết giáp chở quân có số lượng sản xuất lớn thứ 3 trên thế giới. Trung Quốc đã viện trợ và xuất khẩu Type-63 tới 13 quốc gia, tham gia một số cuộc chiến như chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iran - Iraq, chiến tranh vùng Vịnh...
Vào đầu những năm 1970, Việt Nam bắt đầu được Trung Quốc viện trợ xe thiết giáp Type-63, tại Việt Nam Type-63 được Việt hóa bằng cái tên K-63. Sau khi có mặt trong biên chế, chiếc xe bọc thép này nhanh chóng trở thành loại "Taxi chiến trường" quan trọng bậc nhất, đóng góp rất tích cực vào những thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Xe thiết giáp Type-63 vượt sông trên cầu phao
Cuối năm 1977, việc bảo đảm mắt xích, bánh tỳ của hệ thống vận hành loại xe thiết giáp Type-63 cho các đơn vị tăng thiết giáp của Quân khu 7 và Quân khu 9 sẵn sàng bước vào chiến đấu trên chiến trường Tây Nam là một nhu cầu rất cấp bách. Nguồn viện trợ các chủng loại phụ tùng vật tư kỹ thuật này không còn, trong kho dự trữ của ta lúc đó đã hoàn toàn cạn kiệt.
Trước tình hình trên, các cán bộ kỹ thuật của ta đã có sáng kiến cải tiến lắp lẫn bánh tỳ và xích xe tăng hạng nhẹ PT-76 cho xe bọc thép Type-63. Giải pháp đã được Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp phê duyệt và cho mở đề tài “Nghiên cứu cải biên lắp lẫn bánh tỳ - xích xe tăng PT-76 của Liên Xô cho xe thiết giáp K-63 và xe tăng K-63-85 của Trung Quốc”. Đề tài này sau đó đã được ứng dụng trên quy mô lớn, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân đội ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam.
Xe thiết giáp Type-63 lắp bánh tỳ và xích của xe tăng PT-76
Hiện nay do gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề phụ tùng thay thế nên toàn bộ số thiết giáp Type-63 của Việt Nam đã được rút khỏi biên chế sẵn sàng chiến đấu và chuyển sang chế độ niêm cất bảo quản trong kho.
Xe thiết giáp Type-63 của Việt Nam đang được bảo quản trong kho
Nhìn vào bức ảnh trên thì có thể thấy tình trạng của những chiếc xe thiết giáp Type-63 này vẫn còn khá tốt, hoàn toàn có thể nâng cấp và tái đưa vào sử dụng khi cần thiết. Điều này là hoàn toàn khả thi khi gần đây Việt Nam đã tự cải tiến, phục hồi thành công một số loại xe thiết giáp cũ như BTR-152 hay V-100 Commando.
Xe thiết giáp Type-63 của Quân đội Trung Quốc