Triển lãm Công nghiệp chế tạo máy bay trực thăng quốc tế HeliRussia 2013 được tổ chức thường niên tại Nga đang thu hút rất nhiều sự chú ý của thế giới. Triển lãm năm nay có sự tham gia của 205 công ty chế tạo trực thăng hàng đầu thế giới, tới từ 18 quốc gia cùng với những mẫu máy bay trực thăng hiện đại.
“Tiểu thư” Eurocopter EC130-Т2
Sở dĩ, EC130-Т2 được gọi là “tiểu thư” bởi dáng vẻ thanh mảnh cùng với việc giảm thiểu tối đa tiếng ồn trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, sự tiện nghi, hiệu suất động cơ được tối ưu hóa cùng với khả năng đa nhiệm trong quá trình hoạt động khiến mẫu trực thăng của châu Âu nhận được nhiều sự quan tâm.
Sở hữu dáng vẻ thanh mảnh nhưng EC130-Т2 vẫn có khả năng chuyên chở tải trọng tối đa lên tới 3.050 kg, cho phép nó đáp ứng tốt các nhiệm vụ vận tải hành khách hoặc chuyên chở bệnh nhân, được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Để đáp ứng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm, phi công lái trực thăng EC130-Т2 được trang bị hệ thống nhìn đêm, giúp đưa người bệnh tới cơ sở y tế kịp thời hơn.
Tính tới thời điểm hiện tại, hàng trăm trực thăng EC130-Т2 đã được đặt mua nhằm phục vụ mục đích dân sự. Với 70% cấu trúc thân đã được thay đổi so với phiên bản mẫu EC130, vùng hệ thống điện và điều hòa không khí được cải tiến, EC130-Т2 đang ngày càng trở nên phổ biến ở các thị trường khó tính, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu.
“Động vật ăn thịt” Mi-35M
Mil Mi-35M là mẫu trực thăng chiến đấu tấn công đa nhiệm xuất khẩu của Không quân Nga. Được ra đời dựa trên thiết kế của trực thăng tấn công Mil Mi-24, Mi-35M sở hữu những cải tiến trong hoạt động bay cũng như hệ thống vũ khí hiện đại.
Mi-35M có khả năng hoạt động trong phạm vi lên tới 1.085 km với bình nhiên liệu phụ. Trần bay tối đa của Mi-35M đạt 5.700 m trong khi trần bay hiệu quả đạt 4.000 m giúp chiếc máy bay tránh được phần lớn hỏa lực từ dưới mặt đất. Sở hữu 2 động cơ VK-2500, Mi-35M có khả năng bay với vận tốc tối đa 315 km/h cùng tải trọng tối đa đạt 11,5 tấn.
Ngoài sức mạnh động cơ, Mi-35M còn sở hữu lợi thế trước đối thủ nhờ 6 giá treo vũ khí được phân bố đều trên 2 cánh phụ bên thân. Ngoài ra, phần mũi trực thăng còn được trang bị một khẩu súng máy YakB cỡ nòng 12,7 mm, cho phép bắn ra 4.000–4.500 viên/phút với tốc độ đạn đạt 860 m/s. Trong một số phiên bản, Mi-35M được thay thế bằng pháo GSh-23 với cơ số đạn đạt 450 viên.
Dưới 2 giá treo nằm ở 2 bên cánh, Mi-35M được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống tăng Shturm. Với đầu đạn nổ phân mảnh 5,4 kg cùng hệ thống dẫn đường radar, tên lửa này có thể phá thủng lớp giáp dày 65 0mm của xe tăng trong phạm vi tối đa 5 km. Ngoài ra, loại tên lửa chống tăng Ataka tầm xa cũng có thể được lắp đặt trên Mi-35M để đáp ứng nhiệm vụ tác chiến khác.
Bên cạnh đó, các giá treo của Mi-35M còn cho phép chiếc máy bay trang bị hệ thống phóng rocket, giúp chúng có thể bắn hạ các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất. Được thừa hưởng các thành tựu công nghệ, toàn bộ hệ thống vũ khí của Mi-35M đều được điều khiển bằng hệ thống máy tính chuyên dụng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, chiếc máy bay có thể được hiện đại hóa theo nhiều cách thức khác nhau.